Trong bối cảnh ngành sản xuất màn hình tinh thể lỏng (LCD) đang có nhiều biến động sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, hai người khổng lồ điện tử của Nhật Bản là Sony và Toshiba trong ngày 31/3 đã tuyên bố bán lại các nhà máy sản xuất LCD cho các đối thủ Đài Loan. Sự cạnh tranh gay gắt cộng với việc rớt giá các sản phẩm đã khiến cho việc kinh doanh LCD không còn hấp dẫn. Đây cũng là lý do khiến hai công ty này phải công bố kế hoạch bán các nhà máy này nhằm cơ cấu lại lợi nhuận.
Như vậy, Sony sẽ bán nhà máy sản xuất tivi Nitra taiij Slovakia cho công ty Hon Hai của Đài Loan. Nitra là một trong những nhà máy sản xuất tivi hiện đại nhất, còn Hon Hai là nhà sản xuất lắp ráp điện tử lớn nhất thế giới.
Sự chuyển nhượng này đã đưa số lượng nhà máy của Sony phải đóng cửa hoặc nhượng bán kể từ tháng 12/2008 lên tới 15 trong số 57 nhà máy mà hãng đang sở hữu.
Sony đang trong quá trình cơ cấu lại hoạt động nhằm khôi phục lợi nhuận vốn bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính. Được mở cửa vào năm 2007, nhà máy Nitra hiện có 2.500 nhân công và có thể sản xuất tới 4 triệu tivi mỗi năm, tương đương với 25% tổng lượng bán dự kiến của toàn hãng Sony trong năm 2010.
Mặc dù Sony không tiết lộ giá cả của cuộc chuyển nhượng này, song tính đến cuối tháng 3, trị giá các tài sản tại nhà máy ở Slovakia vào khoảng 23,2 tỷ Yên (khoảng 248 triệu USD). Sau vụ thương vụ này, Sony vẫn tiếp tục nắm giữ 10% cổ phần trong nhà máy Nitra.
Từ lâu, các nhà sản xuất Nhật Bản đã chuyển hoạt động sản xuất ti vi và đồ điện tử ra nước ngoài thay vì tập trung trong nước như trước kia. Tuy nhiên, những thỏa thuận chuyển nhượng này cho thấy các nhà sản xuất Nhật Bản không có khả năng bắt kịp với các nhà lắp ráp Đài Loan, cho dù đã chuyển nhà máy sang các nước có nguồn nhân công giá rẻ. Thương vụ Nitra cũng có nghĩa là Sony sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào Hon Hai, song lãnh đạo Sony cho rằng, họ sẵn sàng chấp nhận điều đó.
Trong khi đó, Toshiba cho biết, hãng này đã bán một nhà máy ở Singapore chuyên sản xuất màn hình tinh thể lỏng cho AU Optronics của Đài Loan. Ngoài ra, hãng cũng sẽ bán một nhà máy LCD nữa cho một đối thủ của hãng ở Nhật Bản là Kyocera.
Toshiba cho biết, nhà máy được bán cho AU Optronics chủ yếu là sản xuất màn hình cho máy tính loại nhỏ, và hoạt động này không mang lại nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên, hãng này hy vọng nhu cầu màn hình cho điện thoại thông minh sẽ tăng nhanh chóng trong thời gian tới.
(Trang tin VN&QT)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com