Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

NMLD Dung Quất: 13 năm vật lộn để về đích

Với công suất 6 triệu tấn dầu thô đầu vào/năm, Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất đang đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế khi các sản phẩm được làm ra đáp ứng 1/3 nhu cầu xăng dầu của cả nước, đặc biệt trong điều kiện nhập siêu vẫn chưa được kiềm chế hiệu quả.
 
Tuy nhiên, quãng thời gian 13 năm để về đích của công trình này, tức là trải qua 3 kỳ Quốc hội cũng như 3 nhiệm kỳ của Chính phủ, kể từ khi Quốc hội ra Nghị quyết số 07/1997/QH10 về chủ trương đầu tư NMLDDQ, không thiếu bài học để lại cho các dự án khác.  

Tăng vốn, tăng thời gian

Nhà máy lọc dầu Dung Quất về đêm. Ảnh: Đức Thanh
 
Trên thực tế, công trình trọng điểm quốc gia NMLDDQ đã thu hút được sự quan tâm của dư luận, nhất là khi thời gian triển khai dự án này bị kéo quá dài và tổng mức đầu tư đã bị đội lên quá nhiều so với dự tính ban đầu.

Nếu so với yêu cầu đặt ra tại Nghị quyết 07/1997/QH10 về xây dựng NMLD Dung Quất và Quyết định số 514/1997/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc khởi công vào cuối năm 1997 và hoàn thành năm 2001 thì tiến độ bàn giao trên thực tế của NMLD Dung Quất bị chậm khoảng 9 năm. Còn so với tiến độ đã cam kết trong hợp đồng EPC ký vào giữa năm 2005 thì chậm khoảng 7 tháng.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương ông Vũ Huy Hoàng, việc xây dựng NMLD đầu tiên dù có chủ trương từ rất sớm nhưng đã bị kéo dài thời gian triển khai do hạn chế về nguồn lực đầu tư, cơ chế chính sách quản lý dự án, thu hút đầu tư; khủng hoảng kinh tế khu vực. Ngoài ra chủ đầu tư còn thiếu kinh nghiệm trong việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi; công tác nghiên cứu điều tra cơ bản, khảo sát thị trường còn sơ sài, thẩm định chưa đầy đủ; công tác lựa chọn địa điểm, chuẩn bị vốn đầu tư,… cũng là những yếu điểm khiến dự án gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai. Đơn cử như việc bị chuyển đổi hình thức đầu tư nhiều lần cũng khiến tiến độ dự án bị ảnh hưởng do phải tốn nhiều thời gian để giải quyết các vấn đề liên quan đến pháp lý và ổn định tổ chức...

Báo cáo của Bộ Công thương về dự án NMLDDQ cũng cho thấy, trong giai đoạn thực hiện, dự án NMLD còn gặp phải các khó khăn khi chưa có kinh nghiệm quản lý các dự án lớn như NMLD, việc lập tiến độ và các bước triển khai dự án chưa sát với thực tế; công tác khảo sát địa chất công trình còn sơ sài, thiếu sót; định hướng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và môi trường chưa phù hợp, dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế; công tác thu xếp vốn còn nhiều lúng túng; việc phân chia gói thầu EPC chưa hợp lý dẫn đến vướng mắc về giao diện hay cơ chế liên doanh 50/50 và thiếu sự đồng thuận trong nhiều vấn đề đã dẫn tới không huy động được trí tuệ của chủ đầu tư cho Dự án.

Việc chậm tiến độ 7 tháng so với hợp đồng EPC cũng có nguyên nhân từ sự cố hỏng van bít PV-1501 của phân xưởng Crắcking xúc tác, một sự cố rất ít gặp trên thế giới và một số đặc tính kỹ thuật của dầu thô Bạch Hổ (nguyên liệu đầu vào) sử dụng cho quá trình chạy nghiệm thu nhà máy thay đổi so với số liệu được chủ đầu tư cam kết trong Hợp đồng EPC, dẫn đến phải tiến hành đàm phán, thống nhất hiệu chỉnh một số thông số chạy nghiệm thu.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, nguyên nhân này đều nằm ngoài tầm kiểm soát của Nhà thầu và Chủ đầu tư. Hiện nay, nguyên nhân gốc rễ và biện pháp phòng ngừa sự cố van bít PV-1501 đã được xác lập và đã được kiểm chứng trong giai đoạn vừa qua.

Tổng vốn đầu tư của dự án NMLD Dung Quất tạm tính theo Quyết định số 514/1997/TTg là 1,5 tỷ USD sau đó cũng đã được điều chỉnh lên 2,501 tỷ USD vào giữa năm 2005 theo Nghị quyết số 44/2005/QH11 của Quốc hội. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án (2005-2008), do có nhiều yếu tố biến động về giá cả, tỷ giá ngoại tệ và bổ sung khối lượng công việc, để phù hợp với tình hình thực tế triển khai dự án, tuân thủ các qui định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình, ngày 28 tháng 8 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1291/QĐ-TTg điều chỉnh tổng mức đầu tư của Dự án lên 3,053 tỷ USD và đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này.

Quy mô vốn đầu tư bị đội lên nhiều so với các dự tính ban đầu ngoài việc thời gian thi công bị kéo dài, thay đổi đối tác trong liên doanh còn do phát sinh khối lượng công việc liên quan đến việc đáp ứng yêu cầu thay đổi về chất lượng và chủng loại sản phẩm do Chính phủ ban hành, cụ thể là bổ sung 02 phân xưởng công nghệ; điều chỉnh/bổ sung các phân xưởng công nghệ, phụ trợ,... cho phù hợp với cấu hình công nghệ mới.

Vẫn hiệu quả cao...

Dự án NMLD Dung Quất đã được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước ký biên bản nghiệm thu vào ngày 29/5/2010 và cho phép chủ đầu tư cùng nhà thầu tiếp tục xử lý 7 vấn đề kỹ thuật còn tồn tại sau ngày bàn giao nhà máy với kết luận, các vấn đề này không ảnh hưởng đến an toàn và vận hành nhà máy. NMLD Dung Quất cũng đã được nhà thầu chính thức bàn giao cho chủ đầu tư vào ngày 30/5/2010.

Từ tháng 02 năm 2009, NMLD Dung Quất đã sản xuất ra các sản phẩm đạt chất lượng, cung cấp ra thị trường trong nước, phù hợp với tinh thần Nghị quyết của số 44/2005/QH11 của Quốc hội.

Vẫn theo báo cáo được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trình bày, với tổng mức đầu tư điều chỉnh năm 2009 (3,053 tỷ USD), trên cơ sở các chi phí đầu vào và cơ chế chính sách theo qui định hiện hành, hiệu quả kinh tế của Dự án IRR đạt 7,66% cao hơn so với giá trị tính toán năm 2005 là 5,87%.

Cũng không chờ tới khi hoàn tất đầu tư việc quyết toán đã được thực hiện ngay từ khi chưa bàn giao nhà máy. Tính đến cuối tháng 9 năm 2010 công tác quyết toán dự án đã cơ bản hoàn thành. Cụ thể tổng mức đầu tư được duyệt là 3.053.556.339 USD tương đương 51,72 nghìn tỷ đồng (bao gồm vốn lưu động ban đầu khoảng 3,39 nghìn tỷ đồng), được tính theo tỷ giá trung bình 16.937 VND/USD. Giá trị quyết toán dự kiến là 40,41 nghìn tỷ đồng, trong đó giá trị đã quyết toán (đã được phê duyệt)/đã lập báo cáo quyết toán (đã/đang kiểm toán và đang thẩm định phê duyệt) là 38,92 nghìn tỷ đồng. Khoảng 1,49 nghìn tỷ đồng chưa được quyết toán do còn chưa xong các thủ tục pháp lý.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, tổng giá trị quyết toán dự kiến và vốn lưu động ban đầu (43,80 nghìn tỷ đồng) thấp hơn tổng mức đầu tư được duyệt (51,72 nghìn tỷ đồng)  chủ yếu là do khoản chênh lệch giữa doanh thu và chi phí trong giai đoạn chạy thử Nhà máy.

Những bài học để lại

Điều được các ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội quan tâm trong dự án mang tầm quốc gia nhưng có thời gian triển khai rất dài này, và cũng là tình trạng đang diễn ra ở một số dự án khác, chính là khâu chuẩn bị chưa được tốt dẫn tới phát sinh vốn và kéo dài thời gian triển khai dự án.

Các thành viên của Ủy ban cũng cho rằng, việc tổng kết dự án NMLD Dung Quất phải được tính cả 13 năm chứ không phải chỉ từ giai đoạn 2007, khi Quốc hội giám sát sát sao và Chính phủ tập trung chỉ đạo nhằm đẩy mạnh triển khai dự án này. Đặc biệt khi báo cáo được Bộ Công thương đưa ra chưa nêu rõ nguyên nhân khách quan và đặc biệt là nguyên nhân chủ quan có gắn với trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ, ngành và cả chủ đầu tư trong 13 năm triển khai dự án, trong khi vấn đề này chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm của các Đại biểu Quốc hội lẫn cử tri cả nước.

Bà Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, những bài học cần phải được nhìn nhận đúng mức để rút kinh nghiệm. Nhất là khi báo cáo tổng kết việc triển khai dự án NMLD Dung Quất không chỉ dơn thuần đánh giá hiệu quả hiện nay của NMLD mà còn để tính toán việc mở rộng công suất lên 8-10 triệu tấn/năm cũng như trong quá trình triển khai các dự án đầu tư khác hiện nay.

Cũng trong báo cáo của Bộ Công thương, việc không cho các Nhà đầu tư nước ngoài tham gia phân phối sản phẩm và không có cơ chế ưu đãi phù hợp đối với dự án có vốn đầu tư lớn, hiệu quả thấp, dẫn tới thực tế không thu hút được các Nhà đầu tư nước ngoài tham gia dự án,  gây chậm trễ quá trình phê duyệt Dự án NMLD đầu tiên cũng được nhìn nhận. Thực tế này cũng đã được sửa đổi trong dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn hay Tổ hợp hóa dầu Miền Nam với  phần tham gia của chủ đầu tư từ Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 30% cổ phần.

Ngoài ra việc chưa có tầm nhìn dài hạn về chất lượng sản phẩm của Chủ đầu tư mà ở đây là việc lựa chọn sản phẩm xăng A83 và sau đó đã phải chuyển sang mục tiêu là xăng A92, A95 cũng những là nguyên nhân chính dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế (bổ sung 02 phân xưởng) làm kéo dài tiến độ hay chậm ban hành lộ trình về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và môi trường của các cơ quan quản lý Nhà nước làm cho Chủ đầu tư dự án bị động trong quá trình thiết kế cũng được nhắc tới. 

(Theo Báo đầu tư)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao