Mở đầu phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại hội trường Quốc hội sáng 2/11, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) đã gây chú ý bằng kiến nghị: "Các tổng công ty, tập đoàn nhà nước cũng phải công khai công bố, minh bạch báo cáo tài chính như các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán".
Theo ông Lịch, các tập đoàn, tổng công ty phải chịu sự giám sát của xã hội như thế mới minh bạch. “Chính phủ nên lựa chọn những tập đoàn lớn như dầu khí, điện lực, than khoáng sản... để công khai báo cáo tài chính” - ông Lịch ví dụ.
Tiếp tục mổ xẻ nguyên nhân của sự kém hiệu quả, nợ đọng ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà trong phiên thảo luận hôm qua nhiều đại biểu đã phân tích, ông Trần Du Lịch khẳng định: "Nhiều đại biểu cho là có lổ hổng cơ chế nhưng tôi cho rằng không chỉ là vấn đề lổ hổng cơ chế mà có vấn đề bố trí và sử dụng con người".
Phân tích lỗ hổng cơ chế, ông Lịch kiến nghị nên sử dụng một cơ chế ngân sách cứng cho tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước.
Đại biểu tỉnh Tây Ninh, bà Bạch Mai cho biết: “Tổng thanh tra chính phủ có nói nguyên nhân một phần do cơ chế, một phần do trách nhiệm Chính phủ. Nhưng cơ chế do ai đặt ra? Chúng ta đặt ra, thì chúng ta phải sửa nếu không muốn có Vinashin tiếp theo". Bà Bạch Mai cũng cho rằng cần nghiêm khắc nhìn lại vấn đề điều hành và quản lý nhà nước trong thời gian vừa qua, mà "Vinashin là điển hình của buông lỏng và thiếu kiểm tra của quản lý nhà nước”.
Cũng liên quan đến Vinashin, đại biểu Phạm Thị Loan băn khoăn: Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cuối cùng trong việc để Vinashin rơi vào tình trạng như vậy. Trách nhiệm của Thủ tướng, của Chính phủ và các bộ, ngành, cá nhân liên quan như thế nào? Theo vị đại biểu này thì không thể nói một cách đơn giản là do các cán bộ lãnh đạo của Tập đoàn Vinashin, một mình Vinashin không thể làm sai luật được.
"Chúng tôi tự hỏi, ai đã cho phép Vinashin phát hành trái phiếu với lượng tiền lớn như vậy? Ai đã cho phép Vinashin vay vượt hạn mức quy định của một khách hàng theo quy định của luật là 15% vốn điều lệ của ngân hàng. Và tại sao Quốc hội đã có quyết định đưa Vinashin vào danh sách giám sát từ năm 2009 nhưng Chính phủ vẫn đề nghị để hoãn lại, cho Thanh tra Chính phủ làm việc trước và cho đến bây giờ kiểm toán Nhà nước của Quốc hội vẫn chưa vào kiểm toán được. Vậy tại sao Thanh tra Chính phủ vẫn không phát hiện ra điều gì. Vậy tất cả những việc đó là xuất phát từ mục đích gì, trách nhiệm thuộc về ai?" - hàng loạt câu hỏi liên tiếp được bà Loan đặt ra.
Chính phủ không nên bảo lãnh, chỉ định cho vay những gì liên quan quản lý nợ công, mà nên có sự tham gia của Quốc hội. “Cần có đột phá về phân bố đầu tư và sử dụng ngân sách, nếu không muốn sa lầy” - ông Lịch nhấn mạnh.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com