Biến động tỷ giá khiến chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất tăng đáng kể. Ảnh: Đ.T |
Lo lắng không kém, chủ một doanh nghiệp nhập khẩu nhựa cho biết, hồi tháng 9, doanh nghiệp này nhập khẩu hết 5 triệu USD nguyên liệu, lúc ký hợp đồng để mở L/C, giá USD là 19.500 đồng/USD. “Bây giờ đến hạn phải thanh toán, ngân hàng tính cả phí, thành ra phải mua USD ngang ngửa giá chợ đen, gần 20.000 đồng/USD. Chưa sản xuất, chúng tôi đã biết chắc là lỗ”, chủ doanh nghiệp này nhẩm tính.
Với doanh nghiệp phân phối, áp lực do tỷ giá USD tăng đỡ nặng nề hơn, song hiệu quả kinh doanh cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Bà Ngô Thị Oanh, Giám đốc Công ty TNHH Phú Thái cho biết, hiện Phú Thái đã phải giãn nhập khẩu một số mặt hàng vì không có USD để thanh toán cho đối tác. “Mấy ngày nay, các nhà cung cấp liên tục giục thanh toán vì đã quá hạn hợp đồng, nhưng tình hình USD khó khăn quá, lần nào ngân hàng cũng báo là chưa có nguồn USD”, bà Oanh cho biết.
Trong bối cảnh trên, một số doanh nghiệp đã tạm ngưng kế hoạch dự trữ nguyên liệu để sản xuất, mà chỉ nhập nhỏ giọt để sản xuất vì hy vọng giá USD sẽ hạ nhiệt. Với một số doanh nghiệp vay USD để nhập trước nguyên liệu, áp lực nặng nề hơn, bởi khi vay USD, tỷ giá là 19.200 đồng/USD, giờ đến hạn trả ngân hàng, phải mua USD ở chợ đen với giá hơn 20.000 đồng/USD.
Giá USD tăng cao khiến chi phí đầu vào của nhiều doanh nghiệp sản xuất tăng lên đáng kể, song việc tăng giá là điều không dễ thực hiện do sức mua yếu, áp lực cạnh tranh cao. Ông Lương Vạn Vinh, Tổng giám đốc Công ty Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo nén tiếng thở dài cho biết: “Giá USD cao khiến giá thành sản xuất cao hơn dự kiến, nhưng Công ty đang cố gắng cân đối để giữ giá, chấp nhận giảm lợi nhuận”.
Ở hoàn cảnh tương tự, ông Cao Tiến Vị cho biết, hoạt động sản xuất của Công ty Giấy Sài Gòn phụ thuộc 30% vào nguyên liệu nhập khẩu, nên tỷ giá tăng khiến giá thành bị đội lên đáng kể. Song từ giờ đến cuối năm, Công ty đành chấp nhận giảm lợi nhuận vì không thể tăng giá sản phẩm do các hợp đồng bán hàng đã được ký trước đó.
Thực tế, khi tỷ giá VND/USD biến động, trên thị trường, đã có một số mặt hàng tăng giá. Cụ thể, Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Công thương) cho biết, giá thép đã tăng thêm khoảng 300 đồng/kg, tương đương 300.000 đồng/tấn.
Dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, đợt sốt giá USD hiện nay chủ yếu do tác động của giá vàng và tâm lý găm giữ USD của những doanh nghiệp có nguồn thu, rằng các ngân hàng vẫn đảm bảo được nguồn ngoại tệ. Tuy nhiên, trong lúc tình trạng găm giữ USD trên tài khoản vẫn còn phổ biến với những doanh nghiệp không thuộc diện bắt buộc phải bán, thì tình trạng khan hiếm USD sẽ còn gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Vì vậy, theo ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ giá vẫn là một trong những mối lo lớn nhất của các doanh nghiệp trong những năm tới.
Dệt may chịu tác động từ tỷ giá Ông Nguyễn Sơn, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay, từ đầu năm đến nay, tỷ giá VND/USD đã tăng khoảng 5%, tạo áp lực đẩy giá của hầu hết các mặt hàng khác tăng theo. Cùng với đó, chi phí nhân công cũng tăng, khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Đặc biệt, giá các loại nguyên liệu chính của ngành như bông, vải, sợi... đang tăng chóng mặt, với mức tăng khoảng 15-40% so với cùng kỳ năm trước. Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu sợi ở Đà Nẵng cho biết, việc gia tăng nhu cầu mua USD của nhiều doanh nghiệp để nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất cuối năm càng làm cho tỷ giá VND/USD vọt lên. Khi làm hàng xuất khẩu, doanh nghiệp này phải mua USD để nhập nguyên liệu, nhưng việc đổi VND ra USD không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, vì không phải ngân hàng nào cũng đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp. Ngoài ra, khi doanh nghiệp đề nghị mua USD, một số ngân hàng tính phí 20-30 VND/USD. Trong trường hợp ngân hàng không đủ USD để bán, doanh nghiệp buộc phải mua USD ngoài thị trường tự do để nộp vào tài khoản thanh toán thì cũng bị ngân hàng tính phí. Trong bối cảnh đó, một số doanh nghiệp may quá khó khăn đã phải chuyển sang nhận làm hàng gia công, giảm hàng FOB để đỡ phải nhập nguyên liệu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành sợi, dệt thì không có cách nào khác là phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao để nhập khẩu bông, xơ… Sau khi cân đối thu chi và trả lãi ngân hàng, nếu đơn hàng đã lỡ ký với giá thấp hơn giá nguyên liệu, thì lợi nhuận gần như không có. Ông Tô Quốc Tuấn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Thái Tuấn cho hay, trong giá thành sản phẩm may mặc, nguyên liệu chiếm 65-70%. Trong bối cảnh ngành dệt may phụ thuộc đến 80% vào nguyên liệu nhập khẩu, thì tỷ giá biến động rõ ràng ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Về vấn đề này, bà Nguyễn Hồng Tín, Trưởng ban Nghiên cứu và Xúc tiến thị trường Vinatex cho biết, trong thanh toán, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc và Hồng Kông, Hàn Quốc bằng USD và xuất khẩu sang Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Đông, Trung Quốc… bằng USD, euro và thậm chí cả nhân dân tệ. Vì vậy, khi có biến động tỷ giá, các doanh nghiệp không thể tránh được thiệt hại. (Thế Hải) Giá nguyên liệu tăng theo giá USD Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt (Pomina) cho rằng, việc tăng tỷ giá cũng gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp ngành thép, bởi hầu hết nguyên liệu đầu vào (thép phế liệu và phôi thép) đều nhập khẩu bằng ngoại tệ, còn sản phẩm được bán ra bằng VND. Để giải quyết khó khăn, các doanh nghiệp buộc phải tăng giá thép. Theo ông Trần Quốc Mạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), Giám đốc Công ty Sadaco, nhiều người nghĩ rằng, tỷ giá VND/USD tăng thì có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng trên thực tế, tỷ giá VND/USD tăng thì giá nguyên liệu trên thị trường tăng theo, cước vận chuyển, chi phí nguyên liệu, chi phí lương công nhân… cũng đều tăng, gây áp lực cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Giày Vinh Thông cho biết, khi USD tăng giá, thì các loại nguyên liệu trong nước như cao su, nhựa PU… đều tăng giá. “Giá xuất khẩu đã được đàm phán với khách hàng từ 3 tháng trước, khi tỷ giá ở mức trên 18.000 VND/USD. Với tỷ giá VND/USD như hiện nay, chúng tôi bị thiệt hại từ 7-10% cho mỗi đơn hàng”, ông Tuấn nói và cho biết, vì xuất khẩu nguyên liệu cao su được giá, lại thu được USD, nên doanh nghiệp ồ ạt xuất khẩu, dẫn tới lượng cao su còn lại để dùng trong nước rất ít. Trong khi đó, cao su chiếm tới 50% nguyên liệu trong một đôi giày, do đó doanh nghiệp giày da đang gặp khó khăn vì nguyên liệu này. Có doanh nghiệp phải mua nguyên liệu này của nước ngoài, dưới dạng bán thành phẩm (đế giày) với giá cao. (Thanh Tân) |
(Theo Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com