Trong khi nhiều công ty đau đầu vì thiếu vốn và lãi suất quá cao thì một số tổ chức như Hoàng Anh Gia Lai, Masan, chứng khoán Kim Long… có hàng nghìn tỷ đồng gửi ngân hàng, chờ cơ hội giải ngân vào dự án tốt.
Trong khối các công ty bất động sản, Hoàng Anh Gia Lai là đơn vị hiếm hoi có “dự trữ” hàng nghìn tỷ đổng tiền mặt vào đúng lúc những ngành này khốn đốn vì bị siết tín dụng. Cuối tháng 4, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty tuyên bố đang có 2.400 tỷ đồng tiền mặt, sẵn sàng mua lại dự án, đặc biệt là các quỹ đất sạch của những đơn vị khác đang gặp khó khăn về vốn. Ông quyết định đẩy mạnh đầu tư vào bất động sản bằng cách tiếp tục mua quỹ đất càng nhiều càng tốt để phục vụ kinh doanh địa ốc trong 5 năm tới.
Đầu tháng 6, công ty này công bố số tiền mặt đã lên tới 3.400 tỷ đồng. Nếu cộng thêm cả khoản tiền 55 triệu USD mà Temasek sắp đầu tư vào Hoàng Anh Gia Lai thì công ty sẽ có khoản tiền mặt hơn 4.500 tỷ đồng, đủ nguồn vốn đầu tư cho đến năm 2012, bất chấp những khó khăn do thắt chặt tín dụng trong nước.
Trong khi thị trường bất động sản lâm vào khủng hoảng vì thiếu tiền và lãi suất cao, bầu Đức tuyên bố: “Dù thị trường bất động sản ảm đạm nhưng tôi không rút lui mà sẽ đẩy mạnh đầu tư”. Vị đại gia đầu tiên của Việt Nam sắm máy bay riêng cho rằng, đây là thời điểm thuận lợi để tạo quỹ đất. Hoàng Anh Gia Lai có được thành công trên thị trường bất động sản là nhờ thu mua và tạo quỹ đất từ năm 2004 với giá rẻ.
Công ty cổ phần tập đoàn Masan cũng là một tổ chức rủng rỉnh về tiền bạc trong khủng hoảng. Vào đầu tháng 4, Masan sở hữu số tiền mặt lên tới gần 5.000 tỷ đồng. Cũng vì thế, một trong khoản doanh thu lớn của tập đoàn này đến từ lãi tiền gửi. Theo công bố của Masan, tính đến 31/3, lãi tiền gửi của công ty này lên tới 135 tỷ đồng. Điều này đóng góp quan trọng vào việc làm tăng lợi nhuận của Masan tới 250% so với cùng kỳ năm trước.
Cả 2 trường hợp nêu trên (Hoàng Anh Gia Lai và Masan) đều là công ty nhận được những khoản tiền lớn từ nhà đầu tư nước ngoài vào cuối năm trước hoặc mới hoàn tất. Hoàng Anh Gia Lai hoàn thành việc phát hành trái phiếu chuyển đổi cho Temasek, 19 triệu cổ phiếu cho Deustche Bank, 90 triệu đôla trái phiếu quốc tế… trước khi tín dụng bị thắt chặt.
Trong khi đó, với Masan, ngoài việc kết quả kinh doanh chính luôn tăng trưởng rất cao, vượt kế hoạch đặt ra với dòng tiền ổn định, công ty này còn được rót những khoản tiền lớn từ nhà đầu tư ngoại. Với việc bán cổ phần từ một công ty con cho Tập đoàn đầu tư Kohlberg Kravis Roberts, Masan vừa thu tới 159 triệu USD tiền mặt.
Công ty chứng khoán Kim Long (KLS) nằm trong số hiếm hoi các công ty chứng khoán còn rủng rỉnh tiền mặt vào đúng lúc thị trường cổ phiếu lao dốc. Dự kiến chuyển đổi mô hình từ công ty chứng khoán sang một tổ chức đầu tư và tập trung vào bất động sản, KLS thoái vốn gần hết khỏi cổ phiếu để chuyển thành tiền mặt. Hiện tại, công ty này vẫn còn tới 1.800 tỷ đồng đem gửi ngân hàng.
Trong khi hầu hết các công ty chứng khoán khác đều thua lỗ, KLS vẫn có lợi nhuận quý 1 là hơn 30 tỷ đồng. Chủ tịch KLS – ông Hà Hoài Nam cho biết: “Khi thị trường khủng hoảng, việc có nhiều tiền mặt trong tay là một lợi thế lớn cho đầu tư vào các cổ phiếu đang bị định giá thấp. Chúng tôi không thoái lui khỏi thị trường mà đang chờ cơ hội để đầu tư thêm”.
Bình luận về các công ty rủng rỉnh tiền mặt trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thị trường chứng khoán khủng hoảng, ông Phạm Đức Thắng – Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Kenaga nói: “Với ngành đầu tư tài chính, tiền mặt là tài sản ít rủi ro và có khả năng sinh lời tốt trong bối cảnh khủng hoảng, lãi suất ngân hàng cao như hiện nay. Công ty có nhiều tiền mặt cũng sở hữu nhiều cơ hội đầu tư tốt hơn những đơn vị khác”.
Trong khi đó, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cỡ vừa tại Hà Nội bình luận: “Trong thời điểm hiện nay, nhiều công ty sẵn nguồn tiền mặt lớn đem gửi ngân hàng có lãi suất lên tới 20%, vừa an toàn, lợi nhuận ổn, lại vừa ít rủi ro. Tất nhiên, nếu họ muốn tham gia vào các trò chơi rủi ro hơn thì tỷ lệ lợi nhuận có thể đột biến và cơ hội cho những công ty này cũng lớn hơn những người khác”.
(Vnexpress)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com