Ông Quang Nguyễn. |
Trao đổi với ông Quang Nguyễn (quang.nguyen@vina-consulting.com), chuyên gia tư vấn ERP, sáng lập viên Công ty tư vấn VinaConsulting.
Theo kinh nghiệm của ông, những dự án đầu tư đạt đến quy mô nào thì phải cần đến vai trò của nhà tư vấn độc lập?
- Dự án ERP thật ra khó mà đầu tư ít được, vì tính chất phức tạp của nó. Nếu doanh nghiệp đầu tư để mở rộng hệ thống hiện có, hoặc triển khai hệ thống lần thứ hai, thì giá trị cộng thêm của nhà tư vấn không cao vì doanh nghiệp đã có sẵn kinh nghiệm.
Tuy nhiên, nếu là lần đầu tiên triển khai một hệ thống CNTT có tính chất tổng thể, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nhiều phòng ban, vì thế doanh nghiệp rất cần một “trọng tài” để giúp liên kết các bộ phận, chọn và kiểm tra nhà thầu, nghiệm thu hệ thống...
Để thu được hiệu quả trong tương lai, các câu hỏi doanh nghiệp cần đặt ra để giải quyết trước khi quyết định thuê nhà tư vấn độc lập là:
1. Doanh nghiệp đã có thể làm các dự án như thế này chưa?
2. Nhà tư vấn có thật sự mang lại giá trị bằng cách cho những lời khuyên “độc lập” hay không?
3. Doanh nghiệp có cần học hỏi các kinh nghiệm để trang bị các kỹ năng chính và cần thiết cho việc vận hành công ty mình hay không? (thường doanh nghiệp thuê tư vấn vì họ chỉ cần sử dụng các loại kỹ năng trong thời gian lâu dài).
4. Giá trị mà nhà tư vấn mang lại có tương xứng với chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra cho họ hay không? Giả sử nếu doanh nghiệp cử nhân viên kiêm nhiệm các công việc này thì hiệu quả về thời gian và chất lượng cũng như tính độc lập sẽ ra sao?
Các doanh nghiệp thường ít sử dụng tư vấn độc lập có thể vì e ngại sẽ làm tăng chi phí đầu tư?
- Dĩ nhiên khi thuê nhà tư vấn độc lập cho các dự án, người ta sẽ phải trả tiền; nếu chi phí cho nhà tư vấn làm cho gói đầu tư của doanh nghiệp tăng lên thì cần phải xem lại. Ví dụ như việc chọn phần mềm, làm hồ sơ thầu, chấm thầu..., nếu không có sự hỗ trợ của phía tư vấn, nhiều khi doanh nghiệp phải loay hoay trong vài năm vẫn không làm xong. Doanh nghiệp phải thử so sánh chi phí và thiệt hại này là bao nhiêu so với số tiền mà họ phải trả cho nhà tư vấn.
Có nhiều lý do làm cho doanh nghiệp phải đắn đo, thậm chí sợ thất bại trong cả thời gian dài thực hiện dự án ERP. Do dự án ERP thường tương đối lớn, phải đầu tư nhiều nhưng đa số doanh nghiệp Việt Nam đều làm lần đầu nên mọi thứ đều có vẻ rất phức tạp, nhiều rủi ro, không tiên liệu được các tình huống khó khăn… Với các doanh nghiệp có tầm nhìn xa, thì chi phí tư vấn không phải là vấn đề.
Có thể còn có lý do vai trò của nhà tư vấn ERP tại Việt Nam hiện còn mờ nhạt, chưa tạo được niềm tin nơi doanh nghiệp. Ông lý giải điều này ra sao?
- Đây là điều khá quan trọng liên quan đến thực tế của Việt Nam. Uy tín và khả năng của các nhà tư vấn độc lập đang được thị trường xem xét khá kỹ. Dĩ nhiên là khả năng sẽ tạo nên uy tín cho nhà tư vấn, tuy nhiên, kinh nghiệm và kiến thức chưa phải là điều kiện đủ trong công tác tư vấn độc lập. Nhà tư vấn còn phải giữ gìn “tính chất độc lập” của mình.
Trong các dự án CNTT, ngoài việc đưa ra các lời khuyến cáo độc lập, họ còn cần phải biết rõ mục đích của dự án là giúp doanh nghiệp được hưởng lợi từ dự án, tăng doanh thu, tăng lợi nhuận, giảm chi phí. Khi không xác định được mục đích của công tác tư vấn một cách chính xác từ lúc khởi đầu, công ty tư vấn dễ bị sa lầy, dự án trì trệ và từ đó vai trò của tư vấn sẽ càng bị giới hạn hoặc có thể kéo theo sự mất uy tín của chính nhà tư vấn.
(Theo Tuyết Ân // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com