Dù hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có nhiều kết quả tích cực, song xét trên mọi yếu tố thì EVN vẫn có thể tiết giảm được nhiều chi phí để giảm giá thành. Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Vương Đình Huệ đã trao đổi như vậy hôm qua (25-11), trong buổi công bố kết quả kiểm toán của EVN.
Tổng tài sản của EVN tính đến 31-12-2007 là 185.180 tỷ đồng. Trong đó, tổng tài sản của công ty mẹ là 118.242 tỷ đồng. Tổng đầu tư tài chính dài hạn của công ty mẹ là 47.438 tỷ đồng. Doanh thu năm 2007 của EVN là 58.203 tỷ đồng, tăng 29,57% so với năm 2006. Tiền lương bình quân năm 2007 của khối sản xuất kinh doanh điện EVN là hơn 4,3 triệu đồng/người; khối các đơn vị cổ phần tư vấn xây dựng 6,88 triệu đồng/người; công ty thông tin viễn thông điện lực là 5,79 triệu đồng/người. |
° Phóng viên: Ông có thể cho biết, những khoản mà EVN có thể tiết giảm là gì?
° Ông VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: Khi xem xét các chi phí, giá thành, doanh thu, KTNN đã xác định có những yếu tố tác động làm tăng giá bán điện cũng như giảm giá thành có thể làm cơ sở cho việc giảm giá bán điện. Thứ nhất, yếu tố về tăng giá.
Đó là việc hiện nay Nhà nước vẫn đang phải bù chéo giá như giá bán than cho điện vẫn thấp hơn giá thành sản xuất, xuất khẩu; rủi ro do tỷ giá; chi phí về tiền lương trong EVN sẽ tăng lên do Nhà nước điều chỉnh. Trong năm 2007, EVN có nhiều doanh thu không mất tiền như 330 tỷ đồng của Nhà máy điện Uông Bí MR1 chưa phải tính chi phí, nếu phải tính thì cũng làm tăng giá thành;…
Tuy nhiên, cũng có những yếu tố làm giảm giá thành. Cụ thể, nếu xét chỉ tiêu hạ mức tổn thất chung đến năm 2010 chỉ còn 8% theo Quyết định 276 của Thủ tướng về giá bán điện (năm 2007 tổn thất điện năng của EVN là 10,56%) thì sẽ tiết giảm được khoảng 1.439 tỷ đồng; sử dụng hiệu quả công suất các nhà máy điện…
° Năm 2007, vốn đầu tư ngoài lĩnh vực sản xuất, kinh doanh điện (viễn thông điện lực, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản) của EVN là 3.590 tỷ đồng, chiếm 7,22%/vốn đầu tư và 4,82%/tổng vốn chủ sở hữu. Theo kết quả kiểm toán, các lĩnh vực đầu tư này đều có lãi. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, dù có lãi nhưng lĩnh vực chính của EVN vẫn chưa tốt thì việc đầu tư ra ngoài ngành cần cân nhắc. Vậy, KTNN có kiến nghị gì với EVN?
° Tỷ trọng vốn đầu tư ra bên ngoài của EVN chưa phải là lớn. Nhưng chúng tôi vẫn khuyến cáo EVN cần phải huy động hết các nguồn lực để đầu tư cho lĩnh vực kinh doanh chính. Theo tính toán của chúng tôi, với số tiền đầu tư ra ngoài ngành của EVN thì cũng xây được nhà máy nhiệt điện công suất khoảng 50 MW. Trong bối cảnh năm tới, cung - cầu về điện sẽ còn những căng thẳng nhất định thì việc chú trọng đầu tư vào lĩnh vực chính là cần thiết.
° Theo báo cáo của KTNN, chỉ tính riêng lợi nhuận điện thì EVN lỗ hoạt động sản xuất, kinh doanh là hơn 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu loại trừ một số yếu tố thì EVN vẫn có lợi nhuận hơn 973 tỷ đồng. Vậy lợi nhuận của EVN có được từ đâu?
° Khoản lợi nhuận này của EVN có được từ thu cổ tức đầu tư vốn là hơn 665 tỷ đồng; thu nhập khác từ thu hoàn trả tiền khí 691 tỷ đồng; thu 330 tỷ đồng từ Nhà máy điện Uông Bí MR1 do chưa phải tính chi phí…
° Ông có nói, một trong những yếu tố làm chi phí của EVN tăng là do EVN mua điện nội bộ cao hơn mua của các doanh nghiệp ngoài EVN là 70 đồng/kWh. KTNN có kiến nghị gì với EVN về việc mua này và có hay không việc mua với giá cao hơn để chuyển lỗ, lãi giữa các doanh nghiệp thuộc EVN?
° Tại sao giá mua điện nội bộ của EVN lại cao hơn bên ngoài mà chủ yếu là mua điện từ nhiệt điện. Chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế là đầu tư của nhiệt điện có thời gian ngắn, thủy điện thì đầu tư lâu và vốn lớn. Do đó, mua điện từ các nhà máy nhiệt điện phải có mức giá hợp lý để khuyến khích hoạt động đầu tư. Còn về việc có hay không chuyển lỗ – lãi trong EVN? Chúng tôi đã khuyến cáo EVN cần xem lại mức giá nội bộ có thích hợp hay không. Bởi những doanh nghiệp thuộc EVN hiện đang hạch toán độc lập? Bên cạnh đó, KTNN cũng đã kiến nghị Chính phủ khi xem xét đề nghị của EVN về tăng giá bán điện phải tính đến yếu tố này.
° Theo KTNN, chênh lệch giá bán điện năm 2007 là hơn 3.400 tỷ đồng, trong khi trước đó, EVN lại đưa ra con số này là 2.763 tỷ đồng. Ông có thể nói rõ hơn về sự chênh lệch lên đến hơn 600 tỷ đồng này?
° EVN đưa ra con số 2.763 tỷ đồng dựa trên mức giá điện tăng bình quân của năm 2007 so với năm 2006. Chúng tôi cho rằng, cách tính đó không đúng. Chúng tôi đã tính dựa trên từng kWh bán cho từng loại đối tượng là bao nhiêu tiền và đưa ra con số trên. Tôi cho rằng, cách tính này là chính xác. Sau khi trao đổi lại với EVN, họ cũng đã phải chấp nhận con số mà chúng tôi đưa ra
Lãng phí xe công
Cũng trong ngày hôm qua (25-11), KTNN đã công bố kết quả kiểm toán dự án Hồ Tả Trạch và việc quản lý, mua sắm tài sản tại các ban quản lý dự án (BQLDA).Theo kết quả kiểm toán tại BQLDA của 4 bộ (NN-PTNT, GT-VT, Y tế, GD-ĐT) và 4 địa phương (Hà Nội, TPHCM, Ninh Bình, Đồng Nai), KTNN đã kiến nghị các bộ, ngành, địa phương xử lý 156 ô tô, 159 xe máy, 1 tàu công tác.
Trong đó, đề nghị Bộ Tài chính: thu hồi 29 ô tô để xử lý theo chế độ hiện hành (23 ô tô của Bộ NN-PTNT, 5 ô tô của Bộ GT-VT, 1 ô tô của Bộ Y tế); kiểm tra tính pháp lý hồ sơ 70 ô tô do Bộ GT-VT quyết định điều chuyển; ra quyết định thu hồi 1 tàu công tác loại S1 do Cục Đường sông Việt Nam điều chuyển không đúng quy định.
Về dự án Hồ Tả Trạch do Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi số 5 đại diện chủ đầu tư, KTNN cũng đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách, giảm thanh toán; điều chỉnh giảm giá ký hợp đồng đối với các gói thầu;… khoảng 200 tỷ đồng.
(Theo báo Sài gòn giải phóng )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com