Trước thông tin sẽ thiếu vốn do ngân hàng buộc phải thắt chặt tín dụng để chống lạm phát…, nhiều doanh nghiệp tỏ ra khá bình thản.
Vốn vay ngân hàng: “không dám”?!
Ông Lê Văn Đức, Giám đốc công ty TNHH Kỹ thuật Việt Nam cho biết, kết thúc năm tài chính 2010, doanh nghiệp ông lỗ mấy trăm ngàn đô la Mỹ chỉ vì quy đổi ngoại tệ ra tiền Việt. “Tìm ra đơn hàng đã quý, bán xong được đối tác thanh toán ngay cũng quý. Song, để lấy được tiền qua cửa đổi ngoại tệ ở ngân hàng mà giảm được tổn thất vì chênh lệch tỷ giá thì mới là quý thật”, ông nói. Đáng tiếc, đơn vị ông cả năm 2010 không hề làm được điều đó, mọi đơn hàng thanh toán đều bị lỗ khá nặng chỉ vì tỷ giá đô la thay đổi.
Nói điều này, ông Đức muốn nhấn mạnh, trong quan hệ tài chính với ngân hàng hiện nay, các doanh nghiệp nắm chắc phần lỗ và khó khăn. Chưa kể, không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được các nguồn vay, hay được giải ngân vốn một cách thuận lợi.
Một giám đốc doanh nghiệp khác thẳng thắn: “Chúng tôi cũng nghe nói có chính sách hỗ trợ vay vốn sản xuất từ địa phương, có điều thủ tục quá phiền hà. Còn trực tiếp vay từ ngân hàng, thì chúng tôi xác định làm chỉ đủ trả lãi. Cho nên, nói đến cơ hội có vốn từ chính sách hay ngân hàng lúc này, chúng tôi chỉ có một lời: không dám!”. Cộng thêm nổi khổ lãi suất cao, có thể nói, đối với những doanh nghiệp như của ông Đức, rõ ràng kênh huy động vốn qua ngân hàng hiện không hấp dẫn.
Đa dạng hóa nguồn vốn góp
Trước tình hình trên, khả năng xoay chuyển tài chính từ các mối quan hệ làm ăn và tích lũy vốn đang là một khả năng được nhiều doanh nghiệp cân nhắc. Tùy thuộc vào hoàn cảnh riêng, mỗi doanh nghiệp sẽ có một cách “xoay” vốn khác nhau. Ông Phan Châu Luật, Tổng Giám đốc Nhân Luật Group phân tích, có thể tách biệt 2 nhóm doanh nghiệp: doanh nghiệp “trẻ” và doanh nghiệp đã hoạt động lâu năm. Các doanh nghiệp đã hoạt động lâu năm xem ra có nhiều thuận lợi hơn, vì có thể dựa vào uy tín sẵn có để huy động thêm vốn từ các đối tác làm ăn và các mối quan hệ xã hội khác. Một phần rất lớn nguồn vốn lưu động trong nền kinh tế Việt Nam chủ yếu nằm ở dạng tích lũy trong cộng đồng doanh nghiệp và cá nhân người dân. Do đó, khi cần huy động vốn dưới dạng cổ phần hay nợ ngắn hạn, một doanh nghiệp lâu năm dễ nhận được sự hưởng ứng nhất định từ các cá nhân và tập thể khác có quan hệ. Đặc biệt, các khoản vốn huy động này không chỉ là tiền tệ, mà còn ở nhiều dạng khác, như trong hàng hóa ủy thác bán chậm, nguyên vật liệu sản xuất, dịch vụ và tiện ích được cung ứng trước…
Ông Nguyễn Văn Kiến, nguyên Tổng Giám đốc Softech Đà Nẵng “bật mí”, khi hình thành dự án đầu tư sản xuất, ông thường có hướng huy động vốn riêng, tùy thuộc vào khả năng sẵn có của số bạn bè thân hữu. Một giám đốc sản xuất nhà kết cấu thép sẽ góp vốn từ sản phẩm của mình để làm nhà xưởng cho dự án hùn vốn. Một doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu khác sẽ hùn vốn bằng các khoản nguyên liệu trả chậm… Từ những đàm phán cụ thể như vậy, một doanh nghiệp có thể tìm được nhiều hướng hợp tác về vốn, mà không phải chịu một khoản lãi suất nào cả. Bản thân các đối tác hùn vốn cũng có cơ hội bán ra sản phẩm để thu lại nguồn vốn đã góp. Trong khi đó, với nhóm doanh nghiệp “trẻ”, chưa có bề dày kinh nghiệm và uy tín thì giải pháp xoay vốn lại nằm ở phương thức quản lý tài chính.
Nhanh chóng quay vòng vốn
Anh Hoàng Ngọc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hùng cho biết, hiện tại nhóm doanh nghiệp bạn bè anh cùng chọn giải pháp “mua bán dứt điểm” để xoay vốn. Mọi hợp đồng mua bán hàng hóa đều thực hiện theo gói cụ thể và xong đợt giao hàng nào là thanh toán ngay đợt tiền nợ đó. “Có những khách hàng lớn, chúng tôi biết, nhưng nếu họ yêu cầu mua nợ, trả chậm, thì chúng tôi từ chối chứ không chấp nhận như trước nữa. Bởi lẽ đơn giản là nợ lớn thì lãi suất lớn, chúng tôi có bán được hàng cũng chưa chắc đã đủ bù được tiền lãi vay nếu khách hàng kéo dài vài tháng mới giao tiền”, anh Hùng giải thích.
Một cách khác cũng đang được các doanh nghiệp vận dụng khá hiệu quả là hợp tác tạo sản phẩm trên đồng vốn của nhau rồi khai thác lợi nhuận gia tăng từ sản phẩm đó để tái tạo vốn. Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước kể, để giải quyết vấn đề vốn chuẩn bị nguồn nguyên liệu thủy hải sản, ông kêu gọi một số đối tác làm ăn cùng bỏ vốn tự có để gây dựng vùng nuôi trồng thủy sản có chất lượng. Khi nguồn nguyên liệu đã có, đơn vị ông sẽ chế biến sản phẩm hoặc cung ứng ngay cho những đơn vị có nhu cầu mua, bán ngay để lấy tiền. Với đồng vốn có thêm, doanh nghiệp quay vòng, tái đầu tư vào hoạt động kinh doanh của các đối tác đang diễn ra cùng lúc, tranh thủ bán hàng, thu lợi nhuận cùng họ. Đồng vốn thu về sẽ lại được đầu tư cho mùa vụ nguyên liệu tiếp theo.
Trong thời điểm hiện tại, câu chuyện vốn liếng đang tiếp tục là bài toán không đơn giản. Nhiều doanh nghiệp ý thức rất rõ về yêu cầu tăng tốc độ quay vòng vốn. Có doanh nghiệp cho rằng đã đến lúc phải tùy vào khả năng thanh toán tiền hàng mà quyết định giá cả. Bán giá thấp nhưng được trả tiền nhanh vẫn tốt hơn là bán giá cao nhưng vốn bị đọng lại. Mặc khác, trong thời điểm khó khăn, liên kết lại các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội làm ăn hơn. Với những ứng phó linh hoạt và tinh thần hợp tác, nhiều doanh nghiệp chắc chắn sẽ vượt qua khó khăn hiện tại để tăng trưởng vững vàng trong tương lai.
(Theo Báo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com