Thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các doanh nghiệp nước ngoài (DNNN) hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo tại Việt Nam chỉ được phép góp vốn tối đa là 49%. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2009 tới đây, tỷ lệ góp vốn thành lập của DNNN trong lĩnh vực này sẽ có sự thay đổi.
Theo đó, tỷ lệ góp vốn của các DNNN trong lĩnh vực quảng cáo tại Việt Nam tối đa có thể lên tới 99%. Mặc dù vậy, các DNNN muốn hoạt động hợp pháp tại Việt Nam vẫn chỉ có thể hoạt động dưới hai hình thức là liên doanh hoặc hợp tác liên doanh, chứ chưa được phép hoạt động 100% vốn nước ngoài. Đây là điều đã được bà Ninh Thị Thu Hương, Trưởng phòng Quảng cáo, Cục Văn hoá - Thông tin cơ sở, Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch (VH - TT & DL) khẳng định khi trao đổi với Báo Đầu tư.
Về hoạt động của chi nhánh quảng cáo, trong Dự thảo Luật Quảng cáo không còn tiếp tục đưa vào như ở Pháp lệnh quảng cáo hiện hành nữa. Điều này được bà Hương giải thích là, mặc dù Việt Nam chưa có cam kết với WTO về việc cho phép các văn phòng đại diện nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo được hoạt động tại Việt Nam, nhưng trước đây, trong Pháp lệnh Quảng cáo đã đưa ra quy định này làm khung pháp lý và đến khi nào có cam kết thì có sẵn cơ sở để thực hiện.
Việc đưa ra trước quy định như vậy, tuy không trái với quy định của nhà nước, nhưng cho đến nay Việt Nam vẫn chưa cam kết thực hiện điều này. Chính vì vậy, trong quá trình soạn thảo Dự thảo Luật Quảng cáo vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, nếu chưa cam kết thì cũng chưa cần phải đưa vào Dự thảo Luật.
Hiện nay, ngoài hai hình thức là liên doanh và hợp tác liên doanh, Việt Nam vẫn đang thực hiện cấp phép mở các văn phòng đại diện nước ngoài hoạt động về quảng cáo. Tuy nhiên, cũng theo quy định của nhà nước, các văn phòng đại diện chỉ được hoạt động sau khi có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chỉ được phép thực hiện việc xúc tiến quảng cáo mà không được trực tiếp kinh doanh dịch vụ quảng cáo.
Bà Hương cũng cho biết, quy định về văn phòng đại diện của DNNN về quảng cáo tại Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục được đưa vào Dự thảo Luật, nhưng sẽ có thêm quy định phải có giấy phép do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi DNNN đề nghị thành lập văn phòng đại diện cấp, vì đây là lĩnh vực nhạy cảm ở Việt Nam.
Cũng theo quy định chung, việc cấp phép mở các văn phòng đại diện nước ngoài trong các lĩnh vực khác tại Việt Nam chỉ cần xin giấy phép của Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH & ĐT) cấp tỉnh, thành phố. Như vậy, riêng trong lĩnh vực quảng cáo thì phải được sự đồng ý của UBND cấp tỉnh, thành.
Điều này đã được bà Hương lý giải rằng: “Trong các trường hợp UBND uỷ quyền cho Sở KH&ĐT thì sở sẽ cấp phép. Có thể còn có những cách hiểu khác nhau về cách diễn giải trong Dự thảo, nhưng tinh thần của ban soạn thảo là sẽ không có sự khác biệt trong cấp phép mở văn phòng đại diện nước ngoài hoạt động về quảng cáo so với các lĩnh vực khác”.
Còn việc mở cấp phép cho doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực quảng cáo sẽ chỉ được thực hiện khi nào Chính phủ thấy rằng, cần tiếp tục thực hiện chính sách bảo hộ doanh nghiệp trong nước, Việt Nam sẽ cam kết với WTO về vấn đề này khi thấy đã hội đủ các điều kiện cần thiết.
Góp ý cho Dự thảo Luật về vấn đề này, ông Ngô Quang Chính, Chánh thanh tra Sở VH - TT & DL tỉnh Nghệ An cho rằng, đề nghị Bộ xem xét có nên đưa hoạt động quảng cáo có yếu tố nước ngoài vào hay không, vì hiện nay Việt Nam đã là thành viên của WTO và cũng đang trong tiến trình hội nhập, hợp tác toàn diện với nền kinh tế thế giới, các DNNN hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo tại Việt Nam cũng phải bình đẳng với các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tại lĩnh vực này.
Còn nếu áp dụng quy định riêng, Bộ chỉ nên quy định về hoạt động quảng cáo có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam, còn quy định về liên doanh, hợp tác và văn phòng đại diện nêu trong Dự thảo luật đều đã nêu trong những luật khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư thì không nên đưa vào.
(Theo Đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com