Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh nghiệp trong nước khai thác lợi thế "sân nhà"

Dự báo, năm 2009 sẽ là năm phát triển của thị trường bán lẻ khi Việt Nam sẽ chính thức mở cửa toàn diện thị trường bán lẻ theo cam kết gia nhập WTO. Tại TP Cần Thơ, việc chủ động khai thác tiềm lực để mở rộng quy mô hoạt động, mời gọi các DN đầu tư đang được chú trọng. Nhiều DN đang khẩn trương xúc tiến các bước chuẩn bị nhằm khai thác lợi thế “sân nhà” để không đánh mất thị trường nội địa ở TP Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung…

* ÔNG KHỔNG THÙY KIỆT, TRƯỞNG TRUNG TÂM BÁN LẺ [IN] THUỘC CÔNG TY TNHH BÁN LẺ FPT (FPT RETAIL): Tạo dựng niềm tin khách hàng bằng tiện ích và chất lượng

- Sau một vài tháng ngưng hoạt động tại TP Cần Thơ, đầu năm 2009, [IN] sẽ trở lại thị trường đầy tiềm năng này bằng việc thay đổi thương hiệu từ FPT [IN] Store sang FPT Shop nhằm mang đến sự thuận tiện hơn, dễ hiểu, dễ nhớ của khách hàng và sự đa dạng sản phẩm công nghệ di động sẽ được FPT bán lẻ đầu tư, mở rộng với quy mô tầm cỡ hơn. Sự mở cửa của thị trường bán lẻ theo lộ trình hội nhập WTO từ đầu năm 2009 sẽ mở ra nhiều hướng cho thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Cần Thơ đang trong quá trình phát triển lên đô thị loại I. Đây sẽ là một trong nhiều điểm đến hấp dẫn của các “đại gia” bán lẻ trong và ngoài nước.

Báo cáo mới nhất về “Phân tích công nghiệp bán lẻ Việt Nam” của hãng Nghiên cứu và Tư vấn toàn cầu RNCOS đã nhận định: Thị trường bán lẻ Việt Nam đang và sẽ tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ nền kinh tế nào trên thế giới ngoại trừ Trung Quốc và Ấn Độ. Cơ sở hạ tầng cho nền công nghiệp bán lẻ tại Việt Nam đang trải qua giai đoạn chuyển đổi nhanh từ năm 2007-2011. Điều này cho thấy lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam sẽ thu hút những làn sóng đầu tư ồ ạt của nước ngoài và sẽ hình thành ngày càng nhiều trung tâm thương mại và mua sắm hiện đại. Trong đó, bán lẻ thiết bị công nghệ cao của Việt Nam là mảng thị trường rộng lớn với tổng giá trị ước tính lên tới 3 tỉ USD năm 2007, tốc độ tăng trưởng trung bình 27%/năm. Riêng nhóm sản phẩm điện thoại di động và máy tính xách tay có tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm lần lượt đạt 40% và 100%.

Nếu đầu năm 2000, tổng số thuê bao di động trên toàn quốc chỉ vỏn vẹn đạt 0,3 triệu thì đến năm 2006 đã có hơn 20 triệu thuê bao. Với mức tăng trưởng rất cao hiện nay, số thuê bao di động ước tính sẽ đạt tới 30 triệu vào cuối năm 2008, tăng gấp 100 lần trong vòng 7 năm. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển như vũ bão đó, thị trường điện thoại di động và máy tính xách tay cũng nảy sinh không ít trường hợp mua lầm hàng mà gần đây báo chí đã phanh phui, từ đó tạo ra ít nhiều nghi ngại cho xã hội. Do đó, người tiêu dùng cần được tạo dựng lại niềm tin bằng những cửa hàng, trung tâm mua sắm tiện ích và chất lượng.

* ÔNG NGÔ NGỌC DŨNG, CHUYÊN VIÊN CAO CẤP, BỘ PHẬN ĐẦU TƯ CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ-PHÁT TRIỂN SAIGON CO.OP (SCID): Phát triển hệ thống bán lẻ đến tận tay người tiêu dùng

- Tính đến thời điểm hiện tại, Saigon Co.op đã phát triển được 29 hệ thống siêu thị mang thương hiệu Co.opMart trên toàn quốc. Mục tiêu kinh doanh và chiến lược kinh doanh của Co.opMart là cung ứng tất cả các chủng loại sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng cả nước. Dự kiến đến năm 2020 Saigon Co.op sẽ có 100 siêu thị và trung tâm thương mại trên cả nước. Tại thị trường miền Tây, Co.opMart đang hoạt động rất hiệu quả tại các tỉnh, thành như: Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Vĩnh Long. Dự kiến từ nay đến năm 2010 hệ thống Co.opMart sẽ phủ khắp toàn khu vực và mỗi tỉnh, thành tại đây sẽ có 1-2 siêu thị mang thương hiệu Co.opMart. Trước mắt, TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang là 2 trong số các tỉnh, thành đầu tiên sẽ có 2 siêu thị của Co.opMart hoạt động với tiêu chí chung mỗi siêu thị có mặt bằng tối thiểu 5.000m2. Riêng tại TP Cần Thơ, dự án xây dựng Trung tâm Thương mại Co.opMart Cần Thơ giai đoạn 2 có tổng kinh phí 451 tỉ đồng gồm 20 tầng bao gồm khách sạn, nhà hàng, văn phòng cho thuê... dự kiến sẽ khởi công trong quý II-2009. Tuy nhiên, giá thuê đất hiện nay còn quá cao, chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư, nên không chỉ Saigon Co.op mà các DN khác đang đầu tư tại đây rất mong thành phố có chính sách về giá đất hợp lý hơn trong thời gian tới.

Áp lực cạnh tranh từ thị trường bán lẻ càng tạo ra sự nỗ lực của từng đơn vị Co.op. Hiện nay, không chỉ Saigon Co.op mà không ít DN bán lẻ khác của Việt Nam có 2 điểm yếu cơ bản nhất là tiềm lực tài chính, kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp. Để khắc phục về tiềm lực tài chính, Saigon Co.op đã thành lập ra Công ty cổ phần Đầu tư-Phát triển Saigon Co.op (SCID) có chức năng (xây dựng cơ sở hạ tầng) và là kênh huy động vốn đắc lực để phát triển hệ thống thương hiệu Co.opMart. Ngoài ra, Saigon Co.op đã và đang liên kết với 3 DN trong nước khác là Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, Tổng Công ty Phú Thái hình thành nên Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hệ thống Phân phối Việt Nam (VDA) vững mạnh. Mục đích của VDA là phát triển các trung tâm phân phối, dự trữ, trung chuyển hàng hóa trải khắp 3 miền của đất nước để đáp ứng nhanh, kịp thời và chủ động được nguồn hàng phục vụ cho toàn hệ thống siêu thị Co.opMart. Tại khu vực miền Tây, VDA sẽ xây dựng trung tâm phân phối tại cụm công nghiệp Tân Thới (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) có tổng diện tích 11,25ha để cung cấp nguồn hàng cho các hệ thống siêu thị của toàn khu vực này.
Khắc phục điểm yếu về nghiệp vụ, Saigon Co.op luôn đề cao đến nguồn nhân lực và có tầm nhìn dài hạn thông qua các dự án du học nước ngoài dành cho cán bộ chủ chốt và thành lập trường đào tạo cán bộ, công nhân viên trong toàn hệ thống đang được triển khai xây dựng tại TPHCM.

* ÔNG LÊ HỒNG XUÂN, TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH TIẾP THỊ BẾN THÀNH: Khắc phục những hạn chế để phát huy lợi thế cạnh tranh

- Hiện nay, Công ty TNHH Tiếp thị Bến Thành là một trong những DN sớm liên kết với các đối tác chiến lược nước ngoài là Best Denki (một trong 5 tập đoàn bán lẻ điện máy lớn nhất của Nhật Bản) cung cấp ra thị trường chuỗi bán lẻ nhượng quyền Best Carings có quy mô tại Việt Nam. Trước tiên là hợp tác dưới hình thức nhượng quyền, sau dần tiến tới liên doanh để khắc phục những điểm hạn chế về nhiều mặt mà hầu hết các DN trong nước đang gặp phải như: tiềm lực tài chính, sức mạnh công nghệ, trình độ nhân sự... Điều này giúp Best Carings chuẩn bị tốt hơn về mọi mặt cho cuộc cạnh tranh với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài có thế mạnh về tài chính, kinh nghiệm, quy trình bán hàng hiện đại, nguồn nhân lực đạt chuẩn quốc tế... trước khi thị trường bán lẻ của Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn từ tháng 1-2009. Hướng đến mục tiêu chiếm 5% trong tổng doanh thu dự kiến hơn 3 tỉ USD mỗi năm của thị trường điện máy Việt Nam vào năm 2012, ngoài 2 hệ thống cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội và Cần Thơ, Best Carings sẽ tiếp tục mở thêm 10 siêu thị điện máy tại các thành phố lớn trên toàn quốc.

Khi thị trường bán lẻ được mở cửa, áp lực cạnh tranh giữa DN trong nước và các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ ngày càng gay gắt. Các doanh nghiệp không chỉ có chiến lược cạnh tranh với đối thủ của mình để chiếm lĩnh thị phần mà còn phải tìm ra hướng đi mới để thu hút và “giữ chân” khách hàng. Tuy nhiên, từ đây có cơ sở để khẳng định rằng vị thế người tiêu dùng sẽ được nâng cao hơn, nhiều quyền lựa chọn hàng hóa có chất lượng tốt hơn, chế độ hậu mãi chu đáo hơn. Theo nguyên tắc, đây là cuộc chiến để giành lại khách hàng thông qua các quyền lợi “đã nhiều lại càng nhiều” ở tất cả các phương diện: chất lượng hàng hóa, giá cả, dịch vụ tư vấn, bảo hành, chăm sóc, hậu mãi... Do đó, chính khách hàng là những người chờ đợi nhiều nhất thời khắc mở cửa với mong muốn về một sân chơi công bằng có thể thỏa mãn tối đa những quyền lợi hết sức chính đáng.

Xét về tương quan lực lượng, các “đại gia” bán lẻ nước ngoài hơn hẳn các DN trong nước về tất cả những yếu tố cơ bản để duy trì một hệ thống phân phối như: sức mạnh tài chính, nhân lực, kinh nghiệm, công nghệ... Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ để đảm bảo 100% sự thành công cho bất kỳ cuộc “càn quét” của thương hiệu nước ngoài nào tại thị trường nội địa. Sự thất bại của Wal-Mart tại Hàn Quốc là một ví dụ sinh động. Các DN trong nước đang có rất nhiều lợi thế lớn ở “sân nhà” với sự thông thuộc, am hiểu một cách sâu sắc văn hóa, thói quen tiêu dùng của người Việt Nam.

* ÔNG LÊ VĂN HỪNG, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ CÔNG THƯƠNG TP CẦN THƠ: Đào tạo đội ngũ thương nhân và xây dựng chiến lược kinh doanh chủ động

- Mức bán lẻ của TP Cần Thơ từ 16.016 tỉ đồng (năm 2007) tăng lên khoảng 19.600 tỉ đồng (năm 2008) và dự kiến đạt khoảng 25.000 tỉ đồng (năm 2009). Tốc độ tăng trưởng mức bán lẻ hàng hóa năm 2008 từ 22,38% sẽ tăng lên 27,5% vào năm 2009. Với tốc độ tăng trưởng như vậy, TP Cần Thơ cũng đang trở thành thị trường tiềm năng khá hấp dẫn các nhà bán lẻ trong thời gian tới.

Khi thị trường bán lẻ được mở cửa hoàn toàn, sức ép không chỉ đè nặng lên vai các DN bán lẻ trong nước trước cuộc chạy đua chiếm lĩnh thị phần mà hàng hóa sản xuất ra cũng phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu. Các nhà bán lẻ nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam có thể sẽ đem theo cả quy trình phân phối hàng hóa khép kín, tạo cơ hội cho các sản phẩm nước ngoài tràn vào. Riêng tại khu vực ĐBSCL, nguồn hàng chủ lực là nông-thủy-hải sản nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa chú trọng nhiều đến việc xây dựng thương hiệu, nên cơ hội thâm nhập vào các hệ thống siêu thị vẫn còn rất khiêm tốn (chỉ chiếm khoảng 15-20%).

Thực tế cho thấy, thời gian qua thị trường trong nước cũng đã mở của từng bước, các DN đã có thời gian thích ứng, nên việc mở cửa hoàn toàn thị trường từ đầu năm 2009 có thể sẽ không còn gây bất ngờ đối với DN trong nước. Công việc còn lại của DN hiện nay là tiếp tục liên kết, sản xuất, kinh doanh theo hướng tập trung, có quy mô, tạo ra tiềm lực tài chính, nhân lực để đủ sức cạnh tranh. Đối với nhiệm vụ của cơ quan chức năng cần phải sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu chuyển hàng hóa giữa TP Cần Thơ và các tỉnh trong khu vực tỏa đi các nơi khác. Hiện nay, các trung tâm thương mại lớn chủ yếu vẫn tập trung ở quận Ninh Kiều, nên chưa tạo thành động lực phát triển cho các quận, huyện ngoại thành. Thành phố cũng cần có những chính sách hỗ trợ hợp lý để phát triển hạ tầng thương mại dịch vụ, nhất là các chợ truyền thống theo hướng văn minh, quy mô, hiện đại hơn. Trong khi đó, sức mua hàng hóa ở những khu vực này cũng đang có xu hướng gia tăng nhanh và mạnh.

Ngoài ra, công tác đào tạo đội ngũ thương nhân, quản lý cho các DN trong thời gian qua cũng còn nhiều hạn chế. Vừa qua, Bộ Công Thương đã có dự án xây dựng sàn giao dịch thương mại tại TP Cần Thơ nhằm cung cấp cho DN, nhà sản xuất, kinh doanh nắm bắt nhanh thông tin, sản phẩm, dự báo thị trường trong và ngoài nước để có chiến lược kinh doanh chủ động.

 

(Theo báo Cần Thơ)

  • Đánh giá năng lực cạnh tranh: DN nên chủ động
  • Xoá và giãn tiền thuế giúp doanh nghiệp vượt qua suy thoái
  • Doanh nghiệp hiến kế
  • Những đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp
  • Hội thảo mua bán-sáp nhập doanh nghiệp VN
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao