Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 02/2003/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 02) ngày 14-1-2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, ở TP Cần Thơ nhiều chợ đã được nâng cấp, sửa chữa, xây mới và việc tổ chức quản lý chợ cũng đi vào nề nếp hơn trước. Đến nay, trên địa bàn đã có 101 chợ, tăng 14 chợ so với trước, trong đó có 6 chợ do DN xây dựng và tổ chức quản lý, 1 chợ do hợp tác xã quản lý, 17 chợ do tư nhân quản lý. Tuy nhiên, tiến độ phát triển chợ tại TP Cần Thơ vẫn còn chậm và chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.
THỰC TRẠNG VÀ VAI TRÒ CHỢ TRUYỀN THỐNG
Hiện nay, dù đã có các siêu thị nhưng việc mua bán của người dân ở TP Cần Thơ vẫn chủ yếu dựa vào hệ thống chợ truyền thống. TP Cần Thơ hiện có 4 siêu thị và 1 trung tâm bán sỉ nhưng chỉ tập trung ở trung tâm thành phố là quận Ninh Kiều. Trong 5 năm qua, thành phố có thêm 14 chợ ra đời, nâng tổng số chợ trên địa bàn lên 101 chợ (trong đó có 2 chợ nổi). Tổng số chợ được đầu tư xây dựng là 41 chợ. Gồm đầu tư xây mới 23 chợ, cải tạo nâng cấp 18 chợ. Tổng số vốn đầu tư cho các chợ này trên 47 tỉ đồng. Bao gồm: vốn ngân sách nhà nước: hơn 17 tỉ đồng, vốn DN: hơn 28 tỉ đồng, nguồn vốn khác: 625 triệu đồng. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển của một trung tâm thương mại cấp vùng và định hướng phát triển hệ thống chợ đến năm 2020 của thành phố, thì sự phát triển của hệ thống chợ còn chậm và chưa đáp ứng yêu cầu. Hiện nhiều chợ chưa đảm bảo tốt các điều kiện buôn bán và đi lại mua sắm của người dân. Nhiều chợ bị quá tải, xuống cấp, ô nhiễm môi trường, mất trật tự an toàn giao thông, không đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ, thiếu bãi giữa xe, nơi xử lý rác thải...
Hiện nay, các chợ trên địa bàn thành phố chủ yếu chợ loại 2, loại 3, chưa có nhiều chợ loại 1. Các chợ cũng có sự phân bố không đồng đều giữa các quận, huyện. Cụ thể, hiện huyện có nhiều chợ nhất là Thốt Nốt với 21 chợ, quận Ninh Kiều có 18 chợ, huyện Vĩnh Thạnh có 15 chợ, cùng có 11 chợ là quận Ô Môn và huyện Cờ Đỏ. Riêng quận Cái Răng chỉ có 6 chợ, quận Bình Thủy 10 chợ, còn huyện Phong Điền có 9 chợ.
Theo định hướng Quy hoạch phát triển hệ thống chợ của TP Cần Thơ đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 của Sở Thương mại (nay là Sở Công Thương), thành phố sẽ cải tạo, nâng cấp mở rộng 48 chợ. Trong đó, từ năm 2005-2010: 39 chợ; từ 2011-2020: 9 chợ. Đồng thời, giải tỏa và di dời 13 chợ, trong đó từ 2005-2010: 10 chợ, từ 2011-2020: 3 chợ. Bên cạnh đó, toàn thành phố sẽ xây mới 33 chợ. Bao gồm: 27 chợ từ giai đoạn 2005-2010 (trong đó có 3 chợ đầu mối: chợ lúa gạo, chợ nông sản, chợ thủy sản; 2 chợ trung tâm quận, huyện và 22 chợ dân cư). Còn giai đoạn từ 2011-2020 xây mới 6 chợ, gồm 1 chợ đầu mối thủy sản (giai đoạn 2) và 5 chợ dân cư. Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư xây mới, cải tạo nâng cấp, mở rộng đến năm 2020 cho hệ thống chợ theo quy hoạch đã được phê duyệt là 794 tỉ đồng. Giai đoạn đầu tư (2006-2010) là 611 tỉ đồng, 2011-2015: 166 tỉ đồng, 2016-2020: 17 tỉ đồng. Nguồn vốn này chủ yếu huy động từ các DN và các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng chợ, ngân sách nhà nước hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng chợ.
Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển mạng lưới chợ. Ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho rằng: “Thời gian qua, nhiều chợ sau khi được chuyển đổi giao cho DN và tư nhân xây dựng và tổ chức quản lý đã phát huy hiệu quả thấy rõ, khẳng định tính đúng đắn và phù hợp với yêu cầu phát triển. Chợ được giao cho DN xây dựng và quản lý giúp giải quyết được các khó khăn về vốn khi nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho chợ còn hạn chế. Tuy nhiên, số chợ do DN xây dựng và quản lý vẫn còn ít, mới đếm trên đầu ngón tay và chủ yếu tập trung tại quận Ninh Kiều”.
XÃ HỘI HÓA PHÁT TRIỂN CHỢ: CÒN NHIỀU VƯỚNG MẮC
Phát biểu tại “Hội nghị sơ kết đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 02 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ” do Sở Công Thương thành phố vừa tổ chức, đồng chí Nguyễn Hữu Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, cho rằng: Tốc độ phát triển chợ trong 5 năm qua còn chậm, số chợ xây mới còn ít, chưa đạt được 5 chợ/năm. Công tác quản lý còn những hạn chế cần khắc phục như: chợ quá tải, mất vệ sinh, phòng cháy chưa tốt... Vì vậy, Sở Công Thương, các sở ngành hữu quan và các địa phương phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc kêu gọi DN đầu tư xây dựng chợ, xem xét các chính sách ưu đãi cho DN. Kịp thời cùng với các DN tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục đầu tư, việc bồi hoàn giải phóng mặt bằng.
Thời gian qua, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ Nhà nước sang DN và các thành phần kinh tế khác còn chậm do gặp phải nhiều vướng mắc. Nguyên nhân do thủ tục đầu tư xây dựng chợ còn nhiêu khê, việc bồi hoàn giải phóng mặt bằng trong xây dựng chợ gặp khó. Nhiều xã, phường còn ngại giao chợ cho DN xây dựng và quản lý vì sợ mất nguồn thu của địa phương. Mặt khác, vốn đầu tư xây dựng lớn nhưng chậm thu hồi nên nhiều DN còn ngán ngại. Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “ Thời gian qua, có 4 chợ tại Vĩnh Thạnh được huyện thực hiện việc kêu gọi DN tham gia đầu tư, nhưng đến nay chưa có dự án nào được hoàn thành. Nguyên nhân chủ yếu do gặp vướng ở khâu bồi hoàn giải tỏa. Đặc biệt, đối với những chợ có mặt bằng hẹp, muốn đầu tư mở rộng diện tích chợ rất khó”. Còn ông Trịnh Hoàng Ba, Trưởng Ban quản lý chợ quận Ô Môn, cho biết thêm: “Việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ tại Ô Môn chưa thực hiện được do chưa có mô hình chuẩn và gặp vướng ở khâu thẩm định, xác định giá trị tài sản trước khi chuyển đổi chợ cho DN quản lý”.
NÊN MIỄN GIẢM THUẾ, TIỀN THUÊ ĐẤT CHO DN ĐẦU TƯ KHAI THÁC CHỢ
Ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, lưu ý: “Để giải quyết những tồn tại trên, trước hết các ngành chức năng ở các địa phương cần nghiên cứu nắm kỹ lại các văn bản pháp lý của Nhà nước về chợ để vận dụng tốt vào thực tế, đồng thời triển khai thực hiện quy hoạch phát triển cụ thể đối với từng chợ. Chợ nào cần kêu gọi đầu tư thì phải lên danh mục và kế hoạch kêu gọi đầu tư, còn những chợ nào nằm trong những vùng khó khăn chưa kêu gọi đầu tư được thì cũng phải tổ chức sắp xếp lại việc buôn bán và có đề xuất thành phố hỗ trợ ngân sách đầu tư”.
Theo các DN đang đầu tư vào lĩnh vực khai thác chợ, mong muốn lớn nhất của những DN này hiện nay là các thủ tục đầu tư cần được giải quyết mau lẹ. DN tham gia đầu tư, khai thác chợ cần được ưu đãi nhiều hơn, được hỗ trợ kịp thời trong bồi hoàn giải tỏa mặt bằng. Sau 4 năm tham gia vào việc đầu tư xây dựng và quản lý chợ, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng TP Cần Thơ đã xây dựng được 3 chợ. Trong đó có 2 chợ ở TP Cần Thơ và 1 ở tỉnh Hậu Giang. Ông Dương Văn Bé Hai, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng TP Cần Thơ, so sánh: “Việc giải quyết các thủ tục đầu tư và khâu giải tỏa bồi hoàn ở Cần Thơ chậm rất nhiều so với tỉnh Hậu Giang. Để đầu tư 1 chợ cấp phường, trị giá 5-7 tỉ đồng, phải mất thời gian làm thủ tục tới 1 năm. Thời gian tới, tôi rất mong các sở, ngành của thành phố cần có cơ chế phối hợp tốt với nhau để giúp giải quyết nhanh các thủ tục. Đồng thời, xem xét miễn, giảm tiền thuê đất cho các DN đầu tư khai thác chợ. Bởi nếu Nhà nước thu tiền thuê đất cao, buộc DN phải tăng tiền cho thuê mặt bằng đối với tiểu thương, như vậy sẽ rất khó khăn cho tiểu thương. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng nên xem xét để ấn định mức thu phí rác thải, phí giữ xe tại các chợ do DN quản lý sao cho hợp lý”.
Công ty cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ đã đầu tư và đang quản lý khai thác 3 chợ tại thành phố là chợ Tân An, Chợ cổ Cần Thơ và chợ Hưng Lợi. Ông La Văn Ba, Phó Tổng Giám đốc Công ty, kiến nghị: “Xã hội hóa phát triển chợ là chủ trương và đang được DN ủng hộ. Nhưng khi đầu tư chợ, DN thường phải tính đến hiệu quả, chính vì vậy các DN thường lựa chọn đầu tư khai thác các chợ ở khu vực nội ô, nơi có vị trí tốt. Riêng các chợ xã ở các huyện, DN chưa mặn mà tham gia đầu tư. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ thiết thực và cụ thể để thu hút DN tham gia phát triển mạnh mạng lưới chợ truyền thống trên địa bàn thành phố”.
(Theo báo Cần Thơ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com