Phát biểu tại Hội thảo, bà Phạm Thị Thu Hằng – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI) đã đưa ra những khó khăn của các doanh nghiệp khi khởi sự như thiếu vốn; thiếu nguồn nhân lực; thiếu mặt bằng để sản xuất, kinh doanh…
Tuy nhiên, bà cho biết, những khó khăn trên sẽ được giải quyết thông qua vườn ươm doanh nghiệp bởi vườn ươm doanh nghiệp sẽ giúp các doanh nghiệp giải quyết được một số khó khăn, trong đó lớn nhất là mặt bằng, văn phòng, và cơ sở vật chất, hỗ trợ lập kế hoạch kinh doanh, tư vấn đầu tư, thành lập doanh nghiệp và hỗ trợ đào tạo nhân lực, cán bộ quản lý và giúp tìm nguồn vốn đầu tư. Dịch vụ của vườn ươm hiện được các doanh nghiệp đánh giá mức độ thoả mãn cao nhất thuộc về: Hỗ trợ giải quyết khó khăn về ý tưởng kinh doanh, lập kế hoạch kinh doanh và hỗ trợ mặt bằng.
Nhiều đại biểu tại hội thảo đã có những ý kiến đóng góp xung quanh việc xây dựng và kết nối mạng lưới dịch vụ phát triển kinh doanh trong câu lạc bộ vườn ươm doanh nghiệp đồng thời cũng đã đưa ra những đề xuất về chương trình hành động của Câu lạc bộ vườn ươm.
Để hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp mới khởi sự, nhiều đại biểu cho rằng Câu lạc bộ vườn ươm cần tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, tiếp thị về vườn ươm để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và xã hội về vị trí, vai trò và các dịch vụ của Vườn ươm doanh nghiệp.
Vườn ươm nên kiến nghị với các cơ quan Nhà nước cho phép sử dụng một phần diện tích và dịch vụ để hỗ trợ các doanh nghiệp mới khởi sự trong các ngành khác. Những dịch vụ cho các đối tượng doanh nghiệp không phải là công nghệ cao có thể thu phí theo thị trường để bù đắp các chi phí hoạt động của Vườn ươm doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp mới khởi sự gặp phải ba khó khăn lớn nhất là: vốn, nhân lực và mặt bằng sản xuất kinh doanh. Để hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các khó khăn này vườn ươm có thể: Kết nối doanh nghiệp có ý tưởng tốt tới các nguồn vốn hỗ trợ khoa học-công nghệ của Chính phủ, các nhà đầu tư mạo hiểm, các nguồn vốn trong và ngoài nước khác; Tăng cường công tác đào tạo, tư vấn nâng cao năng lực quản lý và các kỹ năng làm việc cho nhân sự của các doanh nghiệp; Vườn ươm doanh nghiệp nên kiến nghị với các cơ quan Nhà nước cho phép mở rộng mặt bằng và mở rộng đối tượng phục vụ ra cả các doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp công nghệ cao.
Vườn ươm doanh nghiệp cũng nên thường xuyên nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của doanh nghiệp để thiết kế các dịch vụ hỗ trợ cho sát thực tế và hiệu quả; tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật để đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp; đa dạng hóa dịch vụ và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của vườn ươm để đáp ứng nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Vườn ươm doanh nghiệp cũng nên cải tiến công tác tổ chức, quản lý và nâng cao khả năng bền vững về tài chính và hoạt động; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, nhân viên của Vườn ươm; sử dụng đội ngũ cộng tác viên, chuyên gia tư vấn, hình thành mạng lưới trên khắp cả nước. Xúc tiến việc chính thức hóa tổ chức vườn ươm để tổ chức hoạt dộng thuận lợi hơn khi có tư cách pháp nhân.
Đề nghị Nhà nước hỗ trợ hoạt động của các Vườn ươm doanh nghiệp, trong đó bao gồm: tạo khung khổ pháp lý để các Vườn ươm hoạt động một cách bền vững; hỗ trợ thành lập nhiều loại hình vườn ươm khác nhau để phục vụ sự phát triển đa dạng của doanh nghiệp như: Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao; vườn ươm doanh nghiệp mới khởi sự; Vườn ươm doanh nghiệp chuyên ngành v.v…
Tăng cường liên kết các thành viên để chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của từng thành viên, hình thành nên các chuẩn thống nhất hoạt động giữa các Vườn ươm doanh nghiệp.
(Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com