Đã đến giờ chót trong tối hậu thư của ngân hàng, nhưng Công ty Cổ phần Bông Bạch Tuyết (BBT) vẫn không lấy đâu ra tiền trả nợ. Công ty này tiếp tục xin khất lại để cầu mong một cơ may, nhưng cơ may vẫn mịt mù.
Vùng vẫy trong tuyệt vọng
Ngày 06/8, là ngày hẹn cuối cùng của Ngân hàng Hàng Hải (Maritimes Bank) dành cho Công ty Cổ phần Bông Bạch Tuyết về khoản nợ. Tuy nhiên, đến cuối ngày 05/8, công ty này vẫn không còn một đồng để trả nợ.
Trong khi đại diện phần vốn Nhà nước là Công ty Dệt may Gia Định (DMGĐ) vẫn giữ nguyên lập trường không tán thành phát hành tăng vốn, khiến phương án kiếm tiền để cứu công ty hoàn toàn bế tắc.
BBT đến giờ này đã hoàn toàn tê liệt, như con cá nằm trên thớt, và sự nghiệp một thương hiệu hàng chục năm nguy cơ tan tành.
Chiều 04/08, ông Tạ Xuân Thọ, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bông Bạch Tuyết, cho VietNamNet biết, ông đã làm văn bản gửi cho Ngân hàng Hàng Hải, xin khất nợ lại thêm “một thời gian ngắn”, để hy vọng có thể tìm ra phương cách giải quyết.
Mới đây nhất, ngày 31/7, Công ty Trúc Anh, đơn vị đồng ý mua cổ phần tăng vốn, cũng đã thông báo rút lui quyết định đầu tư. Như vậy là niềm hy vọng cuối cùng cũng đã chấm dứt, và BBT cũng không còn một cơ sở nào để thuyết phục được Ngân hàng Hàng Hải chấp nhận cho kéo dài thêm thời gian khất nợ.
Cùng ngày 31/7, BBT đồng thời làm công văn thuyết phục Công ty Trúc Anh khoan rút lui ý định đầu tư. Cơ sở mà BBT đưa ra để thuyết phục Công ty Trúc Anh cũng chỉ là “hy vọng DMGĐ sẽ thông qua phương án phát hành tăng vốn”. BBT khất, đến trước 10/08 sẽ có phản hồi chính thức cho Trúc Anh về quyết định cuối cùng của BBT.
Tất cả đều mong manh vì đến giờ này BBT vẫn chưa đưa ra được bất cứ điều gì khả dĩ có thể lay chuyển được Công ty DMGĐ, kể cả sau đại hội đồng cổ đông 14/7 và cuộc làm việc của UBND TP.HCM với “hai bên”.
Cũng trong thời gian này, HĐQT BBT triệu tập các cuộc họp để bàn việc công ty nhưng cũng bất thành vì DMGĐ thông báo bận, 3 cán bộ của DMGĐ đại diện quản lý phần vốn Nhà nước tham gia vào HĐQT BBT đã không đến dự họp.
Ai cứu được Bông Bạch Tuyết?
Đến giờ này, dư luận đã có nhiều ý kiến phê phán, trách cứ nhiều phía. Báo chí đã phê phán BBT đã thông tin thiếu minh bạch từ nhiều năm qua, khiến không ít những cổ đông bị thua lỗ vì bưng tai bịt mắt.
Nhưng cũng có không ít ý kiến lên án Dệt may Gia Định đã “nhẫn tâm” với số phận của một công ty và 500 con người, đồng thời không có trách nhiệm, nỗ lực cứu một thương hiệu quốc gia khi DMGĐ cũng là một thành viên, mà tiếng nói lại mang tính quyết định đến số phận của BBT. Những ý kiến này cho rằng, DMGĐ không chấp hành phương án tăng vốn điều lệ vì lo mất quyền cổ đông chi phối. Hiện nay DMGĐ chiếm 30% vốn điều lệ 86 tỷ, nên khi tăng vốn điều lệ lên 150 tỷ thì tỷ lệ phần vốn của DMGĐ chỉ còn 17,2%.
Trong khi đó, giữa BBT và DMGĐ thời gian qua đã có những điều tiếng qua lại ngày càng căng thẳng. DMGĐ đưa ra nhiều lý do để khẳng định BBT có những lỗi không chấp nhận được, không thể tin tưởng khi phát hành tăng vốn sẽ hiệu quả. Còn BBT cũng có văn bản đáp trả, cho rằng DMGĐ đã không những không hiểu vấn đề, lại còn không thấy rõ trách nhiệm của mình trong quá trình tham gia vào HĐQT, điều hành công ty trong thời gian qua.
Qua những diễn biến đó, có thể hiểu được quyết định rút lui của Công ty Trúc Anh. Đầu tư vào một công ty thua lỗ liên tục trong nhiều năm đã là một sự dũng cảm, song có lẽ không thể liều lĩnh hơn nữa khi đã thua lỗ đến tan nát, đến vô phương cứu chữa. Mà trong công ty còn có những mâu thuẫn nội bộ căng thẳng. Khó ai có thể tin được một công ty đang trên bờ vực phá sản lại có thể hồi sinh trong khi bộ máy lãnh đạo cao nhất lại lục đục, căng thẳng đến độ không hòa giải được.
Biến mất một thương hiệu quốc gia?
Lần này không phải ngân hàng ra tối hậu thư cho BBT, mà chính BBT đã ra tối hậu thư cho mình, bằng những văn bản gửi đi xin trì hoãn thời gian. Sắp tới đây nếu BBT bị phát mãi tài sản chắc chắn sẽ không có sự ngạc nhiên nào nữa vì ai cũng đã chuẩn bị cho tinh thần nhìn thấy điều này. Điều duy nhất còn lại có thể còn quan tâm là, khi BBT bị phát mãi, thì có đồng nghĩa với việc giải thể doanh nghiệp. Tức là Công ty Bông Bạch Tuyết hoàn toàn bị xóa sổ, biến mất, hay vẫn có quyền giữ lại toàn bộ thủ tục công ty để chờ dịp, nếu có điều kiện, lại tiếp tục hoạt động, đưa thương hiệu hồi sinh?
Theo một số chuyên gia kinh tế, một trong các giải pháp để cứu thương hiệu BBT là các công ty lớn có thể mua lại nợ, hoặc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Rất tiếc các hoạt động này ở nước ngoài rất phổ biến, nhưng với Việt Nam lại quá mới mẻ. Như vậy, lại một cơ hội cứu giữ BBT nữa trôi qua?
( Nguồn: Vietnamnet )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com