Một ngôi biệt thự cổ trên đường Nguyễn Du (Đà Lạt). Ảnh: H.N |
Theo đó, với Văn bản 6986/UBND-XD (ban hành ngày 22/9/2009 do ông Huỳnh Văn Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ký), UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo thu hồi 11/20 biệt thự (toạ lạc trên đường Nguyễn Du và Phó Đức Chính, TP. Đà Lạt) đã cho HAGL thuê từ năm 2003 (thời hạn thuê 50 năm).
LS. Lê Hành Kính cho rằng, có 3 vấn đề đặt ra đối với UBND tỉnh Lâm Đồng trong việc ra văn bản trên là: trình tự ban hành, hình thức văn bản pháp luật và nội dung; song điều quan trọng là tính minh bạch của văn bản.
Thứ nhất, trong trường hợp bên thuê đất (tức HAGL) không thực hiện đúng các yêu cầu của UBND tỉnh, hay các điều khoản trong hợp đồng, UBND tỉnh Lâm Đồng phải cho tiến hành thanh tra, nhắc nhở trước khi ra quyết định thu hồi. Hơn nữa, theo Luật Đất đai, Sở Tài Nguyên và Môi trường Lâm Đồng phải là cơ quan tham mưu cho việc thu hồi, chứ không phải do Sở Tài chính chủ trì như Văn bản 6986/UBND-XD đề cập.
Thứ hai, việc thu hồi của UBND tỉnh phải thông qua quyết định, chứ không phải văn bản. Ngoài ra, chuyện giải quyết hệ quả sau thu hồi cho bên thuê (HAGL) đã không được đề cập trong văn bản. Nhìn chung, quyết định thu hồi phải cho biết được lý do, mục đích và giải quyết hậu thu hồi.
Nguyên nhân mà UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định thu hồi 11 biệt thự đã cho HAGL thuê là do tiến độ triển khai rất chậm, nhiều biệt thự đã được bàn giao năm 2008, nhưng đến nay, vẫn chưa được đầu tư xây dựng, một số biệt thự chậm hợp tác với địa phương trong bồi thường giải phóng mặt bằng.
Ông Trà Văn Hàn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần HAGL bức xúc, doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính với các đơn vị liên quan (ký quỹ 100.000 USD như cam kết trong hợp đồng với Sở Tài chính, pháp nhân trên hợp đồng cho thuê tài sản với HAGL) và ứng 974 triệu đồng cho UBND TP. Đà Lạt thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (theo yêu cầu của UBND tỉnh Lâm Đồng)…
“Những điều này thể hiện cam kết đầu tư của HAGL với tỉnh. Ngược lại, nếu căn cứ theo Hợp đồng Kinh tế đã ký năm 2003, tỉnh phải bàn giao toàn bộ số biệt thự cho doanh nghiệp vào năm 2006 để nâng cấp, khai thác, nhưng đến nay, việc giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn tất”, ông Hàn nói.
Đến thời điểm này, HAGL đã nhận bàn giao 15/20 biệt thự được thuê. Trong đó, ngay khi nhận bàn giao 12 biệt thự (giai đoạn I), doanh nghiệp đã tiến hành xây dựng và đưa vào khai thác 8 biệt thự có vị trí liền kề (chiếm 53,25% tổng diện tích được thuê). Giải thích về việc tại sao không triển khai toàn bộ biệt thự đã được bàn giao, ông Trà Văn Hàn cho biết, UBND tỉnh cũng đề cập việc “giao cái nào làm cái nấy”, nhưng doanh nghiệp phải có mặt bằng hoàn chỉnh, thì mới tiến hành xây dựng tập trung. Điều này, HAGL đã có trình bày với UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan.
Cụ thể, tại cuộc họp với HAGL vào ngày 7/9/2009, ông Trương Văn Thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo HAGL phải triển khai nâng cấp các biệt thự được giao trước ngày 10/10/2009, nếu không, UBND tỉnh sẽ thu hồi và tổ chức đấu thầu, cho thuê lại.
Thế nhưng, đến ngày 22/9/2009, ông Huỳnh Văn Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng lại ra Văn bản 6986/UBND-XD, trong đó có nội dung phủ định các văn bản trước đây mà UBND tỉnh ban hành. Cũng ngay thời điểm này, Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Thủy (TP.HCM) có công văn xin đầu tư, cải tạo khu biệt thự cũ tại đường Nguyễn Du (TP. Đà Lạt). Đến ngày 9/10/2009, ông Trương Văn Thu, Phó chủ tịch tỉnh đã ký văn bản thống nhất chủ trương cho Công ty Trung Thủy được thuê 11 căn biệt thự mà HAGL đang thuê (bao gồm phần đã bàn giao và số biệt thự chưa bàn giao). Đó là chưa kể việc vào tháng 8/2010, UBND TP. Đà Lạt lại có quyết định yêu cầu HAGL chi bổ sung 6,75 tỷ đồng cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Chính tình trạng “tiền hậu bất nhất” giữa các văn bản hành chính, các cơ quan quản lý đã khiến nhà đầu tư (HAGL) đặt nghi vấn.
Khi vụ việc xảy ra, phóng viên Báo Đầu tư đã đến liên hệ trực tiếp để nghe ý kiến chính thức từ UBND tỉnh Lâm Đồng, nhưng ông Trương Văn Thu, Phó chủ tịch tỉnh cho rằng, ông không phải là người có quyền phát ngôn về vấn đề này (người phát ngôn của UBND tỉnh là ông Võ Ngọc Hiệp, Chánh văn phòng, song hiện tại, ông Hiệp đã không còn đảm nhiệm).
“Quan điểm của HAGL khi quyết tâm đi đến cùng vụ việc không đặt nặng vào chuyện bồi thường hay lấy lại tài sản, mà đây sẽ là kinh nghiệm ứng xử giữa địa phương với nhà đầu tư. Còn việc có tiếp tục đầu tư tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng nữa hay không, thì Ban giám đốc và HĐQT HAGL đang xem xét”, ông Hàn nói.
(Theo Hàn Nguyên // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com