Đã hơn 2 năm nay, nữ doanh nhân Cao Thị Sáu – Giám đốc Cty TNHH Sơn Phương (có trụ sở tại Hà Nội) theo kiện UBND huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) vì đã ra quyết định gây thiệt hại cho DN hàng trăm triệu đồng. Chỉ vì lỗi nhân viên đưa nhầm bộ hồ sơ thuế hải quan hơn 40 tấn đỗ xanh (đã được giải trình đầy đủ hồ sơ ngay trong cùng ngày), lô hàng trên vẫn bị Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng ra quyết định tịch thu.
Trao đổi với phóng viên DĐDN, bà Sáu cho biết: không biết hành trình theo kiện của bà bao giờ mới kết thúc |
Bà Sáu nhớ lại, khoảng 6 giờ 10 ngày 9/10/2007, khi chiếc xe chở 40.850 kg đỗ xanh của Cty từ cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng) về Hà Nội khi đi qua địa bàn xã Tân Lãng, huyện Văn Lãng đội chống buôn lậu huyện Văn Lãng kiểm tra xe và hàng hoá. Lúc này lái xe Nguyễn Huy Toàn (lái xe thuê cho Cty) xuất trình giấy tờ lô hàng là đậu tương, do trước đó, nhân viên của Cty Sơn Phương đã đưa nhầm bộ giấy tờ hàng hóa cho lái xe Toàn. Hơn 9 tiếng sau bà Sáu đã có mặt tại đội chống buôn lậu huyện Văn Lãng và xuất trình đầy đủ giấy tờ của lô hàng đỗ xanh trên như: Lệnh điều động hàng hoá; phiếu xuất kho; Biên lai thu lệ phí hải quan; Tờ khai hàng hoá nhập khẩu; Giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước; giấy chứng nhận kiểm dịch.
Trong đó, tờ khai nhập khẩu hàng hóa số 736 và 737 được hoàn thành thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan Tà Lùng (Cục Hải quan Cao Bằng phát hành) ngày 8/10/2007. Giấy nộp tiền vào ngân sách, giấy kiểm dịch thực vật cũng được hoàn thành ngày 8/10/2007.
Mặc dù vậy, đến 22 giờ ngày 10/10/2007, đội chống buôn lậu vẫn lập biên bản sai phạm trong lĩnh vực thương mại. Và sau đó, Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng đã ra Quyết định xử phạt hành chính số 1684 (ngày 11/10). Theo đó, xử phạt bà Cao Thị Sáu vì “đã vi phạm chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường lô hàng 40.850 kg đỗ xanh”. Tuy nhiên, điều lạ lùng là UBND huyện Văn Lãng lại áp dụng Điều 16, Nghị định 175/2004 để xử phạt hành vi buôn lậu đối với bà Sáu. Hình thức xử phạt được áp dụng là phạt 15 triệu đồng và phạt bổ sung: Tịch thu, sung công quỹ nhà nước 40.850 kg đỗ xanh xuất xứ Trung Quốc của Cty Sơn Phương.
Hệ lụy DN gánh
Hơn 20 chuyến đi lại Hà Nội – Lạng Sơn, hơn 100 triệu tiền phạt hợp đồng, tiền lãi ngân hàng... tính đến nay, số tiền chi phí phát sinh từ vụ việc đã lên hơn 400 triệu đồng. Thiệt hại của DN gần bằng giá trị lô hàng bị tịch thu. Không biết chúng tôi còn mất bao nhiêu thời gian và chi phí cho vụ kiện ?” - Bà Sáu buồn bã. |
Bà Sáu đã nộp đơn khiếu nại lên UBND huyện Văn Lãng nhưng không được chấp nhận. Vì vậy, bà đã khởi kiện quyết định hành chính trên ra TAND huyện Văn Lãng nhưng bị... bác đơn. Vụ án được đưa lên phúc thẩm tại TAND tỉnh Lạng Sơn, nhưng lại tiếp tục bị bác đơn một lần nữa.
Bà Sáu đã tiếp tục khiếu nại lên nhiều cấp. Ngày 18/12/2008, Tổng cục Hải quan đã có Công văn số 6606 xác định lô hàng trên của Cty TNHH Sơn Phương đã được làm các thủ tục nhập khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Tà Lùng đúng quy định của pháp luật.
Ngày 28/4/2009, VKSND tối cao cũng ra Kháng nghị số 12 nêu rõ: “Nghị định 175/2004 không có quy định nào xử phạt đối với hàng nhập khẩu đang vận chuyển trên đường, khi bị kiểm tra mà xuất trình không đầy đủ hoặc không có hóa đơn, chứng từ để xuất trình tại thời điểm kiểm tra, nhưng sau đó chủ hàng xuất trình đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng nhập khẩu đó, thì bị coi là hàng lậu và bị xử phạt về kinh doanh hàng nhập lậu”.
Kháng nghị cũng cho rằng, “Việc Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng viện lý do Cty TNHH Sơn Phương không xuất trình hóa đơn, chứng từ tại thời điểm kiểm tra để cho rằng lô hàng đỗ xanh của Cty là hàng lậu và xử phạt vi phạm hành chính như trên là không đúng quy định của pháp luật”. Bên cạnh đó, kháng nghị của VKSND tối cao cũng chỉ ra rằng, “Tòa án cấp phúc thẩm (tòa án tỉnh Lạng Sơn) căn cứ vào số lượng đỗ xanh có sự chênh lệch (42.000 kg với 40.850 kg) mà không chú ý đến tình tiết khác để cho là hàng nhập lậu là không khách quan, vì lô hàng này có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”.
Tiếp theo kháng nghị của VKSND tối cao, ngày 22/9/2009, Tòa Hành chính, TAND tối cao cũng đưa vụ án trên ra xét xử cấp giám đốc thẩm. Tòa giám đốc thẩm đã nhận định việc tòa án hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm bác đơn khởi kiện của bà Cao Thị Sáu đối với quyết định xử phạt hành chính của UBND huyên Văn Lãng là không đúng pháp luật. Tòa giám đốc thẩm cũng cho rằng Kháng nghị số 12 của VKSND tối cao là cần thiết. Đồng thời Hội đồng giám đốc thẩm đã ra quyết định hủy bản án hành chính sơ thẩm của TAND huyện Văn Lãng và hủy bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Lạng Sơn đối với vụ việc trên. Theo quy định của pháp luật, Hội đồng giám đốc thẩm giao cho TAND huyện Văn Lãng xét xử sơ thẩm lại vụ án.
Được biết, sau khi tịch thu hàng, huyện Văn Lãng đã phát mại lô hàng nói trên. Cuối cùng, sau nhiều lòng vòng, bà Sáu vẫn mua lại được số hàng của chính mình bằng chính giá trị lô hàng: 540 triệu đồng.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com