Thật ra, mục đích của giám đốc nhà tù Aranjuez nhằm bảo đảm những đứa trẻ dưới 3 tuổi được gần gũi với cha mẹ là tội phạm và dạy các cặp tù nhân những kỹ năng tái hòa nhập xã hội sau khi mãn hạn tù.
Quan điểm này xuất phát từ một vấn đề còn gây tranh cãi: Trừng phạt nặng tay cho tù nhân sợ không dám tái phạm hay giúp họ tái hòa nhập xã hội? Nhà tù Aranjuez đã quyết định thử nghiệm chương trình buồng giam gia đình giúp những cặp tù nhân quay trở về với những giá trị gia đình và học những kỹ năng làm cha, làm mẹ.
Buồng giam 5 sao
Victor Manuel Lozano sống một cuộc sống bình thường như mọi đứa trẻ 2 tuổi khác. Bé đi nhà trẻ, học vẽ, học cưỡi xe đạp... Điểm khác biệt duy nhất là Victor sống trong nhà tù Aranjuez với mẹ là tội phạm giết người và cha phạm tội buôn lậu ma túy. “Nhà” của em là một trong số 36 buồng giam gia đình ở khu vực F1.
Mỗi buồng giam - rộng rãi hơn nhiều so với buồng giam bình thường - đều có giường cũi trẻ em, trên tường dán đầy hình ảnh nhân vật phim hoạt hình Walt Disney, lối ra sân chơi dành cho trẻ em. Tiếng lóng của tù nhân trong nhà tù Aranjuez gọi là “buồng giam 5 sao”.
Carmen Garcia, 28 tuổi, mẹ của Victor Manuel Lozano, nói với phóng viên của hãng tin AP: “Họ đối xử với chúng tôi rất tốt. Được ở chung với chồng con làm cho tôi cảm thấy rất hạnh phúc”. Carmen vào tù năm 1998 với mức án 10 năm tù về tội ngộ sát bạn trai.
Còn Victor Lozano vào tù năm 1999 với bản án 11 năm về tội mua bán ma túy. Carmen làm quen với Victor Lozano năm 2003 và làm đám cưới trong nhà tù. Victor Manuel Lozano là kết quả cuộc hôn nhân này. Để được ở trong buồng gia đình, họ phải trải qua 2 tháng thử thách xem có phù hợp với cuộc sống lứa đôi và nuôi dạy con cái hay không. Những cặp tù nhân mắc các tội liên quan đến tình dục đều bị loại.
Aranjuez là tên một thị trấn nằm cách thủ đô Madrid 40 km về phía Nam. Nhà tù mang tên thị trấn bắt đầu xây buồng giam gia đình từ năm 1998 với 36 buồng. Do các cặp tù nhân tương đối ít, số buồng giam gia đình có người ở không nhiều. Có thời điểm chỉ có 16 buồng có chủ (năm 2007). Hầu hết những cặp tù nhân này là dân nhập cư từ châu Mỹ La tinh không có bà con thân thích ở bên ngoài để gửi con.
Buồng giam gia đình ở nhà tù Aranjuez. Ảnh: AP
Cuộc sống hằng ngày của gia đình Carmen Garcia trong nhà tù Aranjuez bắt đầu từ tiếng kẻng đầu tiên đánh thức họ lúc hừng sáng. Sau đó, họ được tự do, tham gia các hoạt động của nhà tù. 21 giờ, tiếng kẻng lại thúc giục họ trở về “nhà”. Sau một ngày vui đùa với những đứa trẻ khác trong tù, Victor Manuel Lozano thỉnh thoảng giở chứng đứng khóc ngoài buồng giam vì không muốn trở vào căn buồng có song sắt. Carmen giải thích: “Đó là thời điểm buồn nhất trong ngày đối với cháu”.
Câu chuyện nhà Montoya
Ramona Montoya, 33 tuổi, lãnh án 11 năm về tội buôn bán ma túy. Chồng chị, anh Manuel, cũng vào tù về tội buôn bán ma túy. Đáng lý ra họ ở một nhà tù khác nhưng vợ chồng nhà Montoya xin tòa cho ở Aranjuez. Lướt mạng internet, họ biết nhà tù này có buồng giam gia đình cho nên họ muốn đến đó nuôi 4 đứa con còn nhỏ tuổi. Họ còn 3 đứa khác lớn tuổi hơn đang gửi ở nhà bà nội nhờ chăm sóc giùm.
Ramona cho biết hằng ngày chị đi học lớp cắt may của nhà tù. Chồng chị làm việc trong siêu thị của nhà tù. Đứa con gái tên Marina gửi ở nhà trẻ của nhà tù. Buồng giam 113 là “nhà” của họ. Căn buồng rộng 45 m² có một giường đôi, một giường cũi đầy đồ chơi, một phòng tắm nhỏ và cửa sổ ngó ra ngoài nhà tù.
Chị Ramona khoe: “Đây là thiên đường so với các buồng giam khác mà tôi từng ở. Căn buồng được thiết kế để nuôi trẻ. Nhà tù cung cấp sữa tốt nhất cho bé. Bác sĩ đến thăm cháu mỗi tuần hai lần. Các phòng đều đẹp, nhất là phòng trẻ em. Điều duy nhất làm cho tôi nhớ mình vẫn còn ở trong tù là ba hồi kẻng mỗi ngày”.
Điều tuyệt vời kể trên lại có mặt trái. Khi đứa trẻ gần 3 tuổi – hạn tuổi cuối cùng để bé được ở chung với cha mẹ- nhiều nữ tù tìm cách có thai để được lưu lại buồng giam gia đình.
Ở các nước, nhiều nhà tù có nhà trẻ và buồng giam dành cho mẹ có con nhỏ. Nhưng trên thế giới chỉ có nhà tù Aranjuez cho phép vợ chồng tù nhân sống chung với con.
Tranh cãi
Nên hay không bắt trẻ con sống đằng sau song sắt trong bất cứ hoàn cảnh nào là một câu hỏi vẫn còn gây tranh cãi. Bà Frances Crook, người đứng đầu tổ chức cải tổ hình phạt Howard League for Penal Reform của Anh, nhận xét: “Đó không phải là một tiến bộ. Nhà tù không phải là nơi dành cho trẻ em. Về lâu dài, nhiều chứng cớ cho thấy tâm lý các em bị ảnh hưởng xấu. Trẻ em không nhìn thấy cây cối, thú vật. Chúng không có sự kích thích cần thiết để lớn lên một cách lành mạnh”.
Nhà cầm quyền Tây Ban Nha nói chương trình buồng giam gia đình ở nhà tù Aranjuez là một thành công. Nhưng họ cũng thừa nhận rằng trẻ con 3 tuổi sẽ đau khổ khi phải tách rời cha mẹ, theo quy định của nhà tù. Do đó, họ không có kế hoạch phát triển rộng mô hình buồng giam gia đình.
(Theo Văn Anh // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com