Chuyện do thám lẫn nhau giữa Nga và Anh rồi trục xuất các nhà ngoại giao tình nghi làm gián điệp là chuyện có từ thời chiến tranh lạnh. Một chuyện mà phần lớn mang tính biểu tượng bởi ít gây hậu quả nghiêm trọng.
Nếu một số điệp viên Nga (và Liên Xô trước đây) bị lật tẩy ở Anh được báo chí phương Tây nói nhiều thì ngược lại những điệp viên Nga làm việc cho MI6 (tình báo hải ngoại Anh) lại ít được biết hơn. Vụ án Litvinenko cho thấy ít nhiều tầm hoạt động của MI6 ở Nga
Trong mấy ngày qua, quan hệ ngoại giao Anh-Nga đã trở nên căng thẳng sau khi mỗi bên trục xuất 4 nhà ngoại giao. Lần này, khác những lần trước, thật kỳ lạ lại không liên quan gì đến chuyện gián điệp.
Nguyên nhân, do chính quyền London đưa ra, là Nga từ chối dẫn độ một cựu nhân viên tình báo KGB thời Liên Xô tên Andrei Lugovoi. London nghi ngờ Lugovoi đầu độc Alexander Litvinenko, một cựu điệp viên KGB chạy trốn sang Anh vì chống đối chính phủ của ông Putin.
Cái chết của Litvinenko – một điệp viên của MI6 theo lời tố giác của Lugovoi – hết sức bí ẩn. Cho đến nay, vẫn chưa biết rõ ai đích thực là thủ phạm ngoài kẻ tình nghi Lugovoi. Nhưng ở Nga lại có một nhân vật khác cũng liên quan đến kỳ án Litvinenko: Vyacheslav Zharko.
Công dân Nga này hồi cuối tháng 6 vừa qua đã tự nguyện đến FSB (Cơ quan An ninh Nga) xin được bảo vệ tính mạng sau khi thú nhận mình bị MI6 chiêu dụ cung cấp thông tin!
Cầu cứu FSB
Giải thích nguyên nhân đến FSB để cầu cứu, Zharko – nguyên là cảnh sát kinh tế đã nghỉ việc, năm nay 36 tuổi - cho biết, chính Litvinenko đã dẫn người của MI6 ở Nga đến gặp anh cách đây 5 năm đề nghị hợp tác theo phương thức “anh cung cấp tin cho tôi, tôi sẽ trả thưởng cho anh”.
Từ khi Litvinenko chết một cách bí ẩn, Zharko đâm ra hoảng sợ. Tâm sự trên một tờ báo phương Tây, Zharko thú thật anh sợ bị hút vào một vòng xoáy nguy hiểm có thể mất mạng. Vì vậy, anh đầu thú tại FSB với hy vọng được an toàn tính mạng.
Vyacheslav Zharko |
Theo nhật báo Times xuất bản tại Anh, năm 2002, Zharko sang London, gặp nhà tỉ phú Nga Berezovsky, một nhân vật tự cho là “không đội trời chung với tổng thống Vladimir Putin”, đang sống lưu vong ở Anh.
Không rõ Zharko gặp Berezovsky trong hoàn cảnh nào, chỉ biết rằng chính Berezovsky giới thiệu Alexander Litvinenko với Zharko tại London.
Rồi Litvinenko lại giới thiệu Zharko với một số “bạn bè” làm nghề tư vấn mà sau này Zharko mới biết là nhân viên MI6.
Zharko cho biết thêm trong một cuộc phỏng vấn của báo Russia Today: “Mọi việc bắt đầu từ năm 2002. Litvinenko giới thiệu tôi làm quen với hai người bạn. Hai người này đề nghị tôi cộng tác với họ, cung cấp một số thông tin. Bù lại họ sẽ trả tiền cho tôi.
Họ quan tâm đến tình hình kinh tế và chính trị ở Nga và ở các nước CIS (Cộng đồng các quốc gia độc lập thuộc Liên Xô trước đây). Họ trả tôi mỗi tháng 2.000 euro chưa kể công tác phí. Họ trả bằng tiền mặt để trong bao thư dán kín”.
Những “người bạn tốt bụng” này cấp cho Zharko một chiếc điện thoại di động với lời dặn: chỉ được liên lạc với họ khi ở ngoài nước Nga và không nên sang London nữa vì tình báo Nga theo dõi rất sát Berezovsky.
Sau đó, Zharko thường xuyên gặp các nhân viên MI6 (tổng cộng 4 người) ở Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Cyprus. Zharko cung cấp những thông tin theo yêu cầu của MI6 và đã nhận tổng cộng 60.000 bảng Anh (khoảng 2 tỉ VNĐ) và 150.000 bảng công tác phí.
Zharko thú thật: “Lúc đó tôi cần tiền. Bởi vậy khi Litvinenko gợi ý tôi nên gặp những người bạn của anh ta và cộng tác, tôi gật đầu ngay”. Cũng theo Zharko, Litvinenko hình như cũng gạt MI6 bằng cách giới thiệu Zharko từng làm việc trong ngành tình báo. Điều này khiến MI6 tưởng đã câu được một con cá bự trong ngành tình báo Nga.
Trong khi đó, trên thực tế những thông tin mà Zharko cung cấp cho MI6 đều là thông tin mở, công khai trên các phương tiện truyền thông Nga. Cái giỏi của Zharko là phân tích và tổng hợp các nguồn thông tin đó.
Về vấn đề nêu trên, Zharko khẳng định trên tờ Russia Today: “Tôi không thu thập bất kỳ thông tin nào từ FSB bởi nếu làm như vậy là bất hợp pháp. Tôi không dám làm chuyện đó. Năm 2005, họ yêu cầu tôi cung cấp thông tin về các tổ chức phi chính phủ ở Nga.
Họ muốn biết ngoài FSB, có cơ quan chính phủ nào khác quan tâm đến các tổ chức này, quan tâm đến mức nào? Họ cũng muốn tôi đánh giá các tổ chức này, có liên quan gì đến tình báo không?”.
Không phản quốc
Tóm lại, Zharko tự đánh giá là không phản bội Tổ quốc. Anh chỉ cung cấp cho MI6 những thông tin không thuộc diện bí mật quốc gia. Theo tờ Times, FSB đã quyết định không khởi tố Vyacheslav Zharko về tội làm gián điệp vì hai lẽ. Thứ nhất, Zharko không tiết lộ bí mật nhà nước cho địch. Thứ hai, y tự đầu thú.
Alexander Litvinenko từng làm việc cho MI6 |
Còn một việc nữa mà FSB rất quan tâm: Zharko cung cấp những thông tin quý giá về cách dùng người và hoạt động của MI6 ở Nga. FSB cho biết đã chính thức mở cuộc điều tra hình sự đối với những lời khai của Zharko.
Nếu đúng những gì Zharko cung khai là thật thì Nga có thêm những bằng chứng cụ thể về hoạt động bất hợp pháp của MI6 trên đất nước Nga.
Ngày 7/7/2007, Sergey Ignatchenko, trưởng phòng quan hệ công chúng (PR) của FSB, tuyên bố: “Chúng tôi đã kiểm tra những lời khai của Zharko về việc ông này cộng tác với cơ quan tình báo Anh.
Những dữ liệu mà chúng tôi thu thập được cho thấy trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến 2007, nhân viên MI6 đã tuyển dụng Zharko để tiến hành các hoạt động tình báo.
Trên cơ sở đó, chúng tôi đã mở một cuộc điều tra hình sự đối với các hoạt động lật đổ chính quyền Nga của mật vụ Anh, làm phương hại đến an ninh của Liên bang Nga”.
Một trong những điều lý thú là đánh giá của Zharko về con người của Litvinenko. Theo Zharko, Litvinenko là một người không biết mình đứng ở đâu, thù hận Tổ quốc mình một cách bệnh hoạn. Litvinenko ăn nói vung vít.
Zharko kể lại: “Có lần Litvinenko nói với tôi rằng nếu sau này trở thành giám đốc FSB, y sẽ giao hết kho tàng bí mật của cơ quan này cho MI6 và phong cho tôi phó giám đốc! Tôi chỉ biết cười trừ”.
(Theo NLĐO/vietnamnet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com