Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vụ sập nhà tập thể ở Hà Nội: Thách nhau ra tòa

“Ra đường va chạm một tí cũng đã có người xin lỗi, nặng hơn tí thì được đưa đi viện đã, rồi bồi thường thuốc men. Đằng này người gây hại khiến nhà chúng tôi bị sập mà giờ họ ở đâu, bị xử lý thế nào chúng tôi cũng không biết”. 

Một tháng kể từ sau vụ sập nhà 6 tầng trên phố Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội, kết luận về nguyên nhân sập nhà lẫn đơn vị chịu trách nhiệm vẫn chưa được đưa ra. Kết quả kiểm định ngôi nhà có nguy hiểm, nhưng nguy hiểm mức độ nào cũng chưa hề được thông báo.

Trong khi dân mòn mỏi chờ thỏa thuận đền bù thì công ty thuê và cải tạo khiến nhà bị sập lại "thách" ra tòa.

Mù mờ thông tin

Hiện trường căn nhà số 49 Huỳnh Thúc Kháng bị sập. Ảnh: Trịnh Văn

10 ngày nay, hơn một chục hộ dân nhà tập thể 51 Huỳnh Thúc Kháng (nhà 51 là căn nhà bị sập một phần do căn nhà 49 đổ ập xuống) sau 20 ngày thực hiện lệnh di dời của UBND phường Láng Hạ, đã lại quay về sống chui nhủi và tạm bợ trong căn hộ của mình mà không có điện, nước sinh hoạt.

Anh Nguyễn Văn Dũng (phòng 504) bức xúc: lệnh cưỡng chế không nói đến bao giờ. Trong khi cơ quan nào kiểm định các căn hộ còn lại của chúng tôi có nguy hiểm không, có ở được không… thì không hề thông báo.

“Đi thuê nhà cũng đã hết tiền, tài sản trong nhà cũng không biết gửi đi đâu, đành liều quay về ở vừa trông nhà vừa tiết kiệm. Giờ phường không cho ở thì phải cho tôi xem quyết định giám định nhà. Cho biết ai sẽ sửa, hay cho chúng tôi tự sửa chứ”, anh Dũng kiến nghị.

Cũng đã dọn trở về căn phòng 405 trong tình cảnh không điện, không nước, bà Nguyễn Thế Nữ vừa ký vào đơn tập thể yêu cầu chính quyền phường và quận sớm cấp điện nước trở lại cho dân nếu không sớm cải tạo nhà hay có phương án tạm cư.

Ông Long, tổ phó dân phố, cũng là nạn nhân trọng vụ sập nhà, bức xúc: "Hơn một tháng rồi mà chưa có một thông tin về bên đã gây sập nhà. Ra đường va chạm một tí cũng đã có người xin lỗi, nặng hơn tí thì được đưa đi viện đã, rồi bồi thường thuốc men. Đằng này người gây hại khiến nhà chúng tôi bị sập mà giờ họ ở đâu, bị xử lý sao chúng tôi cũng không biết”.

Trước tình cảnh đó, các hộ dân vừa ký đơn tập thể yêu cầu các cấp chính quyền triệu tập họp dân phố để trả lời các kiến nghị này cũng như cho dân đối chất với bên gây sập nhà.

Chậm bồi thường cho dân

Ngày 28.4, UBND phường Láng Hạ đã triệu tập cuộc họp có đầy đủ các bên liên quan để trả lời các kiến nghị của người dân.

Bà Trương Thị Nhung, chủ tịch UBND phường Láng Hạ thông tin, cho tới khi vụ việc xảy ra thì công ty Pizza Việt Nam đang có hợp đồng thuê căn nhà 49 thời hạn 10 năm.

“Chính vì vậy, trước tiên công ty phải có hỗ trợ cho dân và thỏa thuận với dân về phương án đền bù. Còn phân chia trách nhiệm giữa công ty với bên thi công, thiết kế sửa chữa nhà thế nào là câu chuyện sau đó”, bà Nhung nói.

Bà chủ tịch phường cũng đưa ra lời khuyên “nên giải quyết bằng dân sự” thay vì các bên đưa nhau ra pháp luật.

Tuy nhiên, đại diện pháp lý của công ty Pizza Việt Nam lại cho rằng “kết luận đó là quá sớm” vì “vụ việc vẫn đang quá trình điều tra nên chưa thể nói ai sai, ai đúng”.

Dẫu khẳng định mong muốn trước tiên là khắc phục hậu quả bằng cách hỗ trợ cho dân tiền thuê nhà trước mắt, song vị luật sư này cũng khẳng định: “Trong trường hợp xấu nhất, khi yêu cầu của người dân khác biệt với phương án của công ty thì nhờ tòa án ra quyết định, tòa nói công ty chịu trách nhiệm, công ty sẽ tuân thủ”.

Theo đại diện các hộ dân, lời tuyên bố của đại diện pháp lý công ty Pizza Việt Nam là “thách đố” và “đưa công ty này vào thế phải ra tòa”.

“Đã có 10 văn phòng luật sư liên hệ với bà con để đưa vụ việc ra tòa. Tuy nhiên chúng tôi muốn trước hết là thỏa thuận, đòi lại quyền lợi chính đáng của dân chứ không muốn lấy thêm cái gì. Còn nếu công ty muốn ra tòa thì chúng tôi sẽ theo đến cùng, dù phải mất cả căn nhà để chịu án phí”, đại diện các hộ dân đồng loạt bày tỏ.

Liên quan đến yêu cầu công bố giám định chất lượng nhà để người dân buộc phải di cư hay có thể quay về ở, chiều 28.4, ông Phạm Hồng Việt, phó chủ tịch UBND quận Đống Đa cho hay, việc giám định chất lượng nhà, quận đã giao đơn vị quản lý nhà là công ty phát triển nhà Hà Nội và đơn vị chủ nhà là tổng công ty Tài nguyên môi trường.

“Quận không có quyền, cũng không thể làm thay họ được. Quận cũng đã giao phường Láng Hạ đốc thúc các đơn vị này cũng như kiên quyết buộc dân di dời”, ông Việt nói.

Bà chủ tịch phường Trương Thị Nhung cũng nhấn mạnh: trong thời gian chờ công bố kết quả kiểm định nhà, 19 hộ dân phải ra khỏi nhà.

Vậy nhưng, bất chấp các tuyên bố của bà chủ tịch phường lẫn nguy hiểm rình rập, các hộ dân vẫn cố bám trụ vì đã quá mệt mỏi chờ đợi các kết luận của các bên liên quan.

(Theo Chí Hiếu/sgtt)

  • Một khu đất - hai chợ
  • Tung gói cước tỷ phú, Beeline vi phạm luật cạnh tranh
  • Vi phạm an toàn các công trình dầu khí: Hiểm họa khôn lường (1)
  • Khổ vì con dấu!
  • Kinh hãi công nghệ làm tương ớt ... đóng can
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%