Kể từ ngày 1/9/2010, Nghị định số 80/2010/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KHCN) sẽ có hiệu lực thi hành. Theo đó, khuyến khích tổ chức, cá nhân nước ngoài hợp tác, đầu tư trong 6 lĩnh vực.
Tự động hóa và cơ điện tử là một trong những lĩnh vực khuyến khích tổ chức, cá nhân nước ngoài hợp tác, đầu tư - Ảnh minh họa |
6 lĩnh vực này gồm: 1- Nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên; 2- Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, vật liệu mới, tự động hóa và cơ điện tử, năng lượng nguyên tử và các dạng năng lượng mới, công nghệ vũ trụ, công nghệ cơ khí – chế tạo máy, bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm, công nghệ xử lý chất thải; 3- Đào tạo và phát triển nhân lực công nghệ cao; 4- Phát triển doanh nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam; 5- Chuyển giao công nghệ và dịch vụ KHCN; 6- Lập hoặc đóng góp xây dựng các quỹ phát triển KHCN tại Việt Nam.
Phải lập hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận hợp tác
Theo Nghị định, việc hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực KHCN thông qua nhiều hình thức như: Viện trợ, tài trợ, biếu, hiến, tặng (gọi chung là tài trợ) để hoạt động KHCN; Hợp đồng KHCN; Liên kết, tham gia hoạt động KHCN với nước ngoài. Việc hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực KHCN phải lập thành hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận hợp tác.
Còn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực KHCN tại Việt Nam được thực hiện thông qua hai hình thức là đầu tư gián tiếp và đầu tư trực tiếp. Trong đó với đầu tư trực tiếp, cần thành lập tổ chức KHCN, doanh nghiệp KHCN 100% vốn đầu tư nước ngoài hoặc liên doanh.
Tổ chức KHCN có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được phép hoạt động KHCN tại Việt Nam sau khi thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KHCN; nộp phí và lệ phí theo quy định.
Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập tổ chức KHCN 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Điều kiện đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực KHCN
Ngoài các quy định của pháp luật về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực KHCN còn phải đáp ứng 3 điều kiện: Có dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực KHCN; được phép của Bộ KHCN và được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp GCN đầu tư.
Thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam
Để thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam, tổ chức KHCN nước ngoài phải đáp ứng một số điều kiện như: Là tổ chức được pháp luật quốc gia nơi tổ chức đó thành lập hoặc đăng ký hoạt động công nhận hợp pháp; đã hoạt động từ 1 năm trở lên (trường hợp lập văn phòng đại diện) hoặc 5 năm trở lên (trường hợp lập chi nhánh) kể từ khi được thành lập hoặc đăng ký hoạt động hợp pháp; có điều lệ hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh…
Bộ KHCN là cơ quan cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh.
(Theo Tuấn Khang // Tin Chính phủ // Nghị định 80/2010/NĐ-CP)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com