Người tiêu dùng chưa biết tự bảo vệ và chưa được bảo vệ quyền lợi thích đáng trong khi cơ chế hiện nay chưa bảo đảm quyền lợi chính đáng của họ
Pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) đang từng bước được hoàn thiện nhưng chưa rõ ràng, người dân chưa được tuyên truyền phổ biến nên một số doanh nghiệp (DN) vẫn lợi dụng kẽ hở để xâm hại quyền lợi NTD.
Một vụ hòa giải khiếu nại tại Hội Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng TPHCM
(Ảnh do Hội Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng TPHCM cung cấp)
Sợ mất đủ thứ
Theo thống kê của Văn phòng phía Nam - Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam (Vinastas) và Hội Bảo vệ Quyền lợi NTD TPHCM, những năm gần đây, số vụ khiếu nại đến văn phòng năm sau đều giảm hơn năm trước. Trong năm 2010, Vinastas phía Nam tiếp nhận 158 vụ, giảm 23 vụ so với năm 2009. Hội Bảo vệ Quyền lợi NTD TPHCM tiếp nhận 98 vụ khiếu nại liên quan đến chất lượng hàng hóa dịch vụ, trong đó nhiều nhất là thực phẩm, điện tử, điện máy, mỹ phẩm, dịch vụ viễn thông, khuyến mãi, vận chuyển…Con số này quá thấp,cho thấy NTD còn e ngại, chưa có thói quen khiếu kiện khi bị xâm hại quyền lợi chứ không hề thiếu chuyện khiếu nại, kiện cáo.
Theo bà Đào Thị Cúc, chuyên viên Văn phòng phía Nam Vinastas, bằng chứng là năm 2010, số vụ nộp đơn khiếu nại giảm nhưng số cuộc gọi đến văn phòng nhờ tư vấn hoặc phản ánh về chất lượng hàng hóa dịch vụ lại tăng gần gấp 3 lần năm 2009, lên đến 602 vụ. Hầu hết ý kiến yêu cầu được tư vấn, hướng dẫn khi mua phải hàng hóa, dịch vụ không đạt chất lượng, bán hàng không đúng giá niêm yết, gian lận, quảng cáo sai sự thật… nhưng DN không giải quyết hoặc giải quyết chậm trễ.
Nhiều NTD nhẹ dạ, cả tin, không tìm hiểu kỹ thông tin về nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, không yêu cầu xuất hóa đơn nên khi mua nhầm hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng… rất khó khiếu nại. Ngoài ra, tâm lý sợ phiền hà, sợ mất thời gian, mù mờ về luật cộng với trình tự, thủ tục khiếu nại, khiếu kiện rắc rối nhưng không biết việc khiếu nại có đem lại kết quả hay không đã khiến nhiều NTD chọn thái độ im lặng.
Với hàng hóa giá trị thấp, NTD ngại khiếu nại vì sợ mất thời gian, với hàng hóa giá trị cao thì việc khiếu nại đòi quyền lợi thỏa đáng khó thành công (tại Vinastas phía Nam, số vụ khiếu nại không thành công tập trung ở các lĩnh vực nhà chung cư, đồ gỗ, xe máy, dịch vụ bưu chính viễn thông…). Nhiều trường hợp, các tổ chức bảo vệ NTD tiếp nhận khiếu nại, tổ chức hòa giải nhưng đơn vị bị khiếu nại vắng mặt hoặc cử người không có trách nhiệm, thẩm quyền đến… nên không hòa giải được hoặc hòa giải không thành, chỉ còn cách hướng dẫn NTD kiện ra tòa.
Chờ luật có hiệu lực
Theo Văn phòng phía Nam Vinastas, việc một số DN làm ăn bất chính vẫn ngang nhiên tồn tại, quá trình thực thi pháp luật chưa nghiêm minh của các cơ quan quản lý Nhà nước, chế tài chưa đủ mạnh (nhiều lĩnh vực vi phạm nghiêm trọng quyền lợi NTD như an toàn vệ sinh thực phẩm, liên kết tăng giá sữa, giá thuốc tây, gian lận xăng dầu, gas… nhưng việc thanh-kiểm tra, xử lý của cơ quan Nhà nước chưa đến nơi đến chốn)… đã gây khó khăn cho việc tiếp nhận giải quyết khiếu nại.
Bà Phan Thị Việt Thu, Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Quyền lợi NTD TPHCM, cho biết tháng 7-2011, Luật Bảo vệ Quyền lợi NTD sẽ bắt đầu có hiệu lực. Từ nay đến tháng 7 sẽ có nhiều chương trình tuyên truyền để NTD ý thức được quyền lợi của mình và hy vọng khi luật có hiệu lực, DN sẽ e dè hơn, quan tâm đến quyền lợi NTD nhiều hơn. Bởi luật quy định rõ tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo hành đối với hàng hóa do mình cung cấp, phải chịu chi phí về sửa chữa và vận chuyển hàng hóa, linh kiện được bảo hành…
Đối với hàng hóa có khuyết tật, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, tiến hành thu hồi và báo kết quả với cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD. Luật cũng quy định miễn nghĩa vụ chứng minh lỗi và miễn tạm ứng án phí cho NTD khi tiến hành khởi kiện các tổ chức, cá nhân vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình…
Tuy nhiên, còn một số quy định của luật còn bất cập, có lợi cho DN. Trong đó, quy định không cho báo chí tham dự các buổi giải quyết khiếu nại ngay từ đầu và không thông báo vụ việc nếu hòa giải thành công sẽ gây thiệt hại cho NTD trong trường hợp sản phẩm bị khiếu nại mang khuyết tật phổ biến. Nếu không thông tin cho báo chí, NTD và Hội Bảo vệ Quyền lợi NTD sẽ không thể cảnh báo và không chắc rằng DN sẽ chủ động rút những sản phẩm bị lỗi đó khỏi thị trường để những NTD tiếp theo không bị “bẫy”. Sắp tới, Hội Bảo vệ Quyền lợi NTD TPHCM sẽ có kiến nghị về quy định này.
Nâng cấp Tổ chức Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng Theo Luật Bảo vệ Quyền lợi NTD, các tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD được quyền khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền về các hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Tuy nhiên, hiện các tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD là tổ chức xã hội tự nguyện phi lợi nhuận, chủ yếu do cán bộ hưu trí điều hành, không có kinh phí và cũng không có nguồn thu ổn định nào, điều kiện hoạt động còn sơ sài… Cho nên, những việc cần làm hiện nay là nâng cấp các tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD, cấp kinh phí cho các tổ chức này hoạt động và thu hút đội ngũ nhân lực giỏi, tâm huyết để đủ sức đảm đương nhiệm vụ bảo vệ, khởi kiện thay NTD.
(Theo Thanh Nhân/nld)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com