Chính sách về thủ tục hải quan vẫn gây không ít phiền hà cho doanh nghiệp. Ảnh: Đức Than |
Ông Phí Văn Cương, đại diện Công ty Samsung Electronics Vietnam cho biết, DN đã tham gia thực hiện thủ tục hải quan điện tử được 2 tháng nay. “Mặc dù giảm được thời gian tới cơ quan hải quan để mở tờ khai xuất nhập khẩu, song do sự thiếu đồng bộ trong áp dụng thủ tục điện tử, nên một số cơ quan có liên quan vẫn yêu cầu DN cung cấp các chứng từ giấy”, ông Cương nói.
Hiện vẫn thường xuyên xảy ra trường hợp DN thực hiện khai điện tử tại một chi cục hải quan, nhưng khi tới hải quan cửa khẩu làm các thủ tục khác thì vẫn phải xuất trình bộ hồ sơ gốc, nên trên thực tế, cũng không giúp giảm áp lực chứng từ cho DN. “Hiện tại, chúng tôi làm thủ tục xuất nhập khẩu cho khoảng 100 lô hàng/ngày. Sắp tới, lượng hàng còn tăng gấp đôi, nên nếu các cơ quan chức năng không có chính sách đồng bộ thì áp lực đè lên DN là rất lớn”, ông Cương cho biết thêm.
Ông Đặng Quang Toàn, đại diện Công ty LG Electronics thì than phiền về tình trạng có sự khác biệt trong việc thực thi chính sách đối với DN. “Đang xảy ra sự thiếu công bằng khi áp dụng chính sách quản lý với các DN và thiệt thòi thuộc về các DN nghiêm chỉnh chấp hành chính sách. Đơn cử như DN chúng tôi đề nghị được hoàn thuế với mặt hàng bản mạch linh kiện cho máy giặt (do thay đổi thuế suất), mà chờ mãi vẫn chưa được xử lý “, ông Toàn nêu thực tế của DN.
Theo đại diện nhiều DN, dù đã được coi là có cải cách, tiến bộ, nhưng chính sách về thủ tục hải quan vẫn gây không ít phiền hà cho DN. Đại diện một DN thương mại phàn nàn rằng, trước đây, khi DN xuất khẩu hàng thì hải quan cửa khẩu là cơ quan xác nhận thực xuất cho DN, còn hiện tại, DN phải mang hồ sơ về cơ quan hải quan nơi mở tờ khai để xác nhận thực xuất và tốn thêm tiền phí đóng dấu. “Đây không phải là cải tiến, mà còn làm DN vất vả hơn vì khoảng cách giữa hải quan, nơi DN xuất hàng và làm thủ tục không phải lúc nào cũng gần nhau”, vị đại diện DN này nói.
Đại diện lãnh đạo ngành thuế, hải quan, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận, tính đồng bộ trong việc áp dụng thủ tục điện tử giữa các cơ quan chưa cao, nên DN còn gặp khó khăn. Lãnh đạo Bộ Tài chính cam kết sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành có liên quan để giải quyết tình trạng bất hợp lý này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN.
Nhận xét về các vướng mắc của DN liên quan tới chính sách, thủ tục hải quan trong thời gian qua, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, việc áp mã hàng hoá và giá tính thuế vẫn là những vướng mắc lớn nhất. “Bản chất của những vướng mắc này là do hệ thống thuế phức tạp, các mức thuế phức tạp, nên khi áp mã hàng hoá dễ dẫn tới những cách hiểu khác nhau. Chẳng hạn, riêng mặt hàng thép đã có tới 12 mức thuế. Hàng năm, Bộ Tài chính đều công bố biểu thuế mới. Các DN cần giúp Bộ Tài chính xây dựng biểu thuế theo hướng đơn giản hơn, thì mã hàng hoá cũng sẽ đơn giản. Đáng tiếc là còn ít DN tham gia vào việc này”, ông Tuấn nói.
Giải đáp một số thắc mắc của DN, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian qua, ngành hải quan đã phối hợp với các ngành khác nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu tăng. “Các giải pháp chống nhập siêu để duy trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là hết sức quan trọng, nên nếu có DN nào bị ảnh hưởng thì cũng cần chấp nhận vì mục tiêu chung phát triển đất nước”, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn kêu gọi cộng đồng DN.
Liên quan tới sự thiếu đồng bộ trong chính sách, lãnh đạo Bộ Tài chính cam kết sẽ nỗ lực cùng các cơ quan khác hỗ trợ DN hoạt động tốt nhất. Lãnh đạo Bộ Tài chính vẫn khẳng định rằng, việc DN tham gia góp ý kiến vào quá trình ban hành chính sách của cơ quan chức năng là rất quan trọng để chính sách được vận hành hiệu quả trong cuộc sống.
(Theo Duy Đông // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com