![]() |
Một góc cơ sở sản xuất nước mắm tại Phú Quốc - Ảnh: TL. |
LTS: Sau khi đọc bản tin Đăng ký nước mắm xuất xứ Phú Quốc, luật sư Điêu Ngọc Tuấn đã gửi đến bài viết nêu ra một số lưu ý về tình trạng đăng ký sản phẩm cũng như các khía cạnh pháp lý cần quan tâm. Tòa soạn xin giới thiệu bài viết này:
Theo bản tin “Đăng ký nước mắm xuất xứ Phú Quốc” trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online và theo thông tin đăng tải trên website http://www.kiengiang.gov.vn của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, Hiệp hội sản xuất nước mắm Phú Quốc đang làm thủ tục đăng ký tên gọi xuất xứ Phú Quốc, thay vì đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nước mắm sản xuất tại Phú Quốc, tại thị trường châu Âu. Và ngày 13/04/2009 Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt cho phép Hiệp hội sản xuất nước mắm Phú Quốc làm chủ đơn đăng ký tên gọi xuất xứ “Phú Quốc” tại Liên minh châu Âu cho sản phẩm nước nắm sản xuất tại Phú Quốc.
Hồ sơ đăng ký tên gọi xuất xứ nước mắm Phú Quốc tại Liên minh châu Âu được xây dựng với sự hỗ trợ của Dự án hỗ trợ đa biên giai đoạn II (MUTRAP). Sản phẩm cuối cùng của dự án là bản mô tả tính chất, chất lượng đặc thù và danh tiếng của sản phẩm phù hợp với quy định của Quy chế EC về bảo hộ chỉ dẫn tên gọi xuất xứ của nông sản và thực phẩm của Liên minh châu Âu.
Tuy nhiên, theo tra cứu của Văn phòng luật sư Lê & Lê thì hiện nay tên gọi “Phú Quốc” đã được một công ty có trụ sở tại Mỹ đã đăng ký bảo hộ với danh nghĩa là nhãn hiệu tại Mỹ, Cộng đồng châu Âu và Úc. Cụ thể:
- Nhãn hiệu “Phú Quốc, hình” đã được đăng ký tại Cộng đồng châu Âu (CTM) cho sản phẩm “nước mắm” theo đăng ký số 003022654 ngày 12/05/2004 dưới tên chủ sở hữu là Viet Huong Fishsauce Company, Inc có địa chỉ đăng ký tại Mỹ.
- Nhãn hiệu “Phú Quốc, hình” nêu trên cũng đã được đăng ký tại Mỹ cho sản phẩm “nước mắm” theo đăng ký số 3173367 ngày 21/11/2006 cũng dưới tên chủ sở hữu là Viet Huong Fishsauce Company, Inc.
- Tại Úc, nhãn hiệu “Phú Quốc, hình” nêu trên cũng đã được đăng ký cho sản phẩm “nước mắm” theo đăng ký số 940255 ngày 19/11/2003 cũng dưới tên chủ sở hữu là Viet Huong Fishsauce Company, Inc.
![]() |
Nhãn hiệu đã được Viet Huong Fishsauce Company, Inc đăng ký bảo hộ tại Cộng Đồng Châu Âu, Mỹ, Úc. |
Căn cứ theo các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ của Cộng đồng châu Âu, Mỹ, Úc, việc đăng ký bảo hộ tên gọi xuất xứ nước mắm Phú Quốc tại các thị trường này chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn và nhiều khả năng sẽ bị từ chối bảo hộ.
Theo quy định tại Điều 3 của Quy chế (EC) số 510/2006 ngày 20/03/2006 về bảo hộ chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm, “Tên gọi xuất xứ hoặc chỉ dẫn địa lý sẽ không được đăng ký, nếu việc đăng ký có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc thực sự của sản phẩm, khi xét đến uy tín của nhãn hiệu, danh tiếng và thời gian sử dụng của nhãn hiệu” (“A designation of origin or geographical indication shall not be registered where, in the light of a trademark's reputation and renown and the length of time it has been used, registration is liable to mislead the consumer as to the true identity of the product”).
Theo pháp luật của Mỹ, chỉ dẫn địa lý/tên gọi xuất xứ thường được bảo hộ ở Mỹ dưới dạng nhãn hiệu chứng nhận (certification mark) hoặc nhãn hiệu tập thể (collective mark) bằng cách đăng ký tại Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO). Vì vậy, việc đăng ký bảo hộ tên gọi xuất xứ nước mắm “Phú Quốc” ở Mỹ cũng chắc sẽ bị từ chối đăng ký vì bị coi là tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “Phú Quốc, hình” đã được đăng ký dưới tên chủ sở hữu là Viet Huong Fishsauce Company, Inc.
“Phú Quốc”là tên gọi xuất xứ cho sản phẩm nước mắm rất nổi tiếng cả ở trong và ngoài nước, đồng thời đây cũng là một tài sản trí tuệ rất có giá trị lớn không chỉ của Kiên Giang mà còn của cả Việt Nam. Tuy nhiên, việc chậm trễ trong việc đăng ký bảo hộ tên gọi Phú Quốc tại nước ngoài có thể dẫn đến những hệ quả và thiệt hại rất lớn. Tên gọi xuất xứ nước mắm “Phú Quốc” không những có thể bị từ chối đăng ký ở Cộng đồng châu Âu, Mỹ, Úc, mà các sản phẩm nước mắm Phú Quốc của Việt Nam còn có thể không được phép xuất khẩu sang các thị trường này do bị coi là hàng xâm phạm nhãn hiệu của người khác đã được đăng ký bảo hộ.
Để bảo vệ quyền đối với tên gọi nước mắm “Phú Quốc”, Hiệp hội sản xuất nước mắm Phú Quốc cần tích cực, chủ động và nhanh chóng hơn trong việc thực hiện các thủ tục đăng ký bảo hộ tên gọi này ở nước ngoài. Để có thể tìm giải pháp bảo hộ tên gọi Phú Quốc hiệu quả với chi phí hợp lý, hiệp hội cũng nên liên lạc với các văn phòng luật chuyên và có kinh nghiệm trong lĩnh vực luật sở hữu trí tuệ.
(Theo LS. Điêu Ngọc Tuấn, Văn phòng luật sư Lê&Lê // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com