Sáng nay (21/4) tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo "Sở hữu trí tuệ dành cho các nhà báo" do Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại Hoa Kỳ tổ chức. Buổi hội thảo đã tạo điều kiện cho các phóng viên báo chí và cơ quan truyền thông tìm hiểu thêm về các vấn đề sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.
Theo thông lệ trên thế giới cũng như quy định tại các điều ước quốc tế về quyền sở hữu trớ tuệ (đặc biệt là các điều ước quốc tế do Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới quản lý), sở hữu trí tuệ bao gồm 2 nhánh là quyền sở hữu công nghiệp và quyền tác giả.
Quyền tác giả: bao gồm quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật, và khoa học (bao gồm cả phần mềm máy tính) và quyền liên quan đối với buổi biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình và buổi phát sóng (bao gồm cả tín hiệu vệ tinh mang chương trình mã hoá).
Quyền sở hữu công nghiệp: bao gồm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, quyền chống cạnh tranh không lành mạnh và giống cây trồng (tuỳ pháp luật mỗi nước mà giống cây trồng có thể thuộc nhóm quyền sở hữu công nghiệp hoặc thuộc một nhóm riêng, tách biệt khỏi quyền sở hữu công nghiệp và Việt Nam đi theo hướng này).
Vai trò của quyền sở hữu trí tuệ
Vai trò của quyền sở hữu trí tuệ được thể hiện: Cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thúc đẩy sáng tạo và khuyến khích cạnh tranh lành mạnh. Cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thông qua hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ và việc thực thi hệ thống pháp luật đó tạo động lực cho sáng tạo, thiết lập một không gian thuận lợi cho sáng tạo, bao gồm cả sáng tạo công nghệ và sáng tạo trong kinh doanh. càng tạo ra các tài sản trí tuệ hữu ích càng thu được nhiều lợi ích. Có thể nói cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chính là công cụ để ngăn chặn và trừng phạt các hành vi cạnh tranh không lành mạnh cũng như các hành vi gian dối khác liên quan đến tài sản trí tuệ.
Cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sử dụng công cụ sức mạnh của nhà nước để xử lý các hành vi giả mạo, ăn cắp … tài sản trí tuệ, từ đó tạo điều kiện để chủ sở hữu khai thác tài sản trí tuệ của mình nhằm bù đắp chi phí, thu được lợi nhuận. Quyền sở hữu trí tuệ dành cho chủ sở hữu độc quyền để giúp chủ sở hữu có thể thu hồi vốn đầu tư và thu lợi một cách hợp lý (đối với các đối tượng sáng tạo) hoặc tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh (đối với các đối tượng là chỉ dẫn thương mại).
Thực tế trong những năm qua ở Việt Nam đã cho thấy các điều nguy hại do tác động của nạn hàng giả, hàng nhái và hàng sao chép lậu. Sự điêu đứng của một số ngành công nghiệp bản quyền non trẻ của Việt Nam (các hãng phim, hãng sản xuất băng, đĩa nhạc v.v.) do tệ nạn sao chép lậu là một trong các ví dụ về ảnh hưởng tiêu cực của căn bệnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống sở hữu trớ tuệ của Việt Nam
Ông Trần Việt Hùng - Cục trưởng, Cục Sở hữu trớ tuệ cho biết: Hoạt động bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ được bắt đầu triển khai tại Việt Nam vào những năm 1980 và đã trải qua một số cuộc đổi mới để từng bước phát triển. Cho đến nay, Việt Nam đã có một hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh. Trụ cột của hệ thống pháp luật này là Luật Sở hữu trí tuệ và dưới đó là các văn bản hướng dẫn thi hành, cùng với các văn bản pháp luật bổ sung, hỗ trợ như Bộ luật Hình sự, Luật Thương mại, Luật Hải quan... Theo đánh giá chung của các nước trên thế giới thì về cơ bản, Việt Nam đã có một hệ thống pháp luật hiện đại và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh hệ thống pháp luật thì hệ thống các cơ quan, tổ chức quản lý Nhà nước, thực thi quyền sở hữu trí tuệ và hỗ trợ cho việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng đã được phát triển. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thì năng lực của hệ thống này cũng ngày càng được nâng cao.
Mặc dù đã có sự gia tăng đáng kể về số lượng đơn đăng ký các đối tượng sở hữu trí tuệ cũng như các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được xử lý nhưng vẫn còn tồn tại những vấn đề sau: Số lượng đơn đăng ký sáng chế của các cá nhân, tổ chức Việt Nam chưa nhiều; số lượng nhãn hiệu đã đăng ký (khoảng 100.000) cũng chỉ ở mức khiêm tốn trong khi có hơn 300.000 doanh nghiệp Việt Nam; tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra phức tạp và ngày càng tinh vi, đặc biệt là đối với các đối tượng được bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan như sách báo, phim ảnh, băng đĩa...
Ông Hùng cho biết, trong thời gian tới, hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam sẽ được tiếp tục phát triển và hoàn thiện nhằm giữ gìn một môi trường trong sạch cho các hoạt động sáng tạo và kinh doanh, từ đó thúc đẩy chính các hoạt động sáng tạo nội tại và bảo đảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
Theo Nam Phương // diendandoanhnghiep
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com