CHỦ TỌA CUỘC HỌP: Ông có thể nói thêm về việc đào tạo hay diễn thuyết mà ông tiến hành ở nước ngoài?
HOWARD: Tôi đã tới một số quốc gia khác, xem xét hoạt động lập pháp và nói chuyện với người dân về những gì chúng tôi làm. Tôi giải thích rằng, nếu bạn không có các nguồn lực để có một cơ sở dữ liệu về tất cả các quyền sở hữu trí tuệ có thể bị xâm phạm, sẽ là hợp lý khi tối thiểu bạn có một cơ chế để người ta có thể thu hút sự chú ý của bạn. Nhiều quốc gia đã cho rằng đó là điều hữu ích.
Cục Hải quan Hoa Kỳ cũng đã thi hành những lệnh ngăn chặn (lệnh mang tính ràng buộc pháp lý, ngăn cản những hàng hóa bị tố cáo là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vào Hoa Kỳ) do Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) ban hành. Chỉ trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ mà chúng tôi ghi nhận, thông tin về các lệnh ngăn chặn do USITC ban hành được đưa vào các mô-đun để chuyển tới các nhân viên làm việc trực tiếp. Bản mô-đun IPR dành cho công chúng có thể dễ dàng được tiếp cận qua trang web http://www.cbp.gov. Bạn chỉ cần nhấp chuột vào mục “quick link” trong trang đó để có thông tin về “Sở hữu Trí tuệ” và ở trang tiếp theo vào mục “Intellectual Property Rights Search (IPRS)”. Trang web cũng bao gồm rất nhiều thông tin về các chương trình của chúng tôi về thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại khu vực biên giới.
CHỦ TỌA CUỘC HỌP: Và đây chính là trường hợp mà công nghệ mới thực sự giúp ích cho việc thực thi?
HOWARD: Đúng vậy. Nhưng như các bạn đồng nghiệp của tôi vừa chỉ ra, người ta cần phải muốn thực hiện điều đó. Đó là điều thiết yếu.
CHỦ TỌA CUỘC HỌP: Ông có ví dụ nào về các quốc gia mà ông thấy có những tiến bộ và sự quan tâm ngày càng tăng đối với việc bảo vệ IPR?
HOWARD: Tôi đã ở Ai Cập vào thời điểm người ta đang bàn về các vấn đề thực thi IP và những người mà tôi trò chuyện nói rằng họ muốn có một hệ thống hải quan giống như ở Hoa Kỳ. Có vẻ như là tất cả mọi người trên thế giới đều nhìn vào chính phủ của chúng ta để có được những chỉ dẫn trong những vấn đề nhất định nào đó. Trong một số trường hợp, có thể họ không thích những gì chúng ta nói, nhưng họ lại cởi mở trong việc xem xét những gì chúng ta cần phải nói.
SMITH: Tôi cho rằng hầu hết các quốc gia đều đồng ý rằng hệ thống bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở các khu vực biên giới của Hoa Kỳ là một trong những hệ thống hiệu quả nhất trên thế giới. Tuy nhiên, có rất nhiều thứ được thực hiện tại Hoa Kỳ lại không mang tính thực tế đối với hầu hết các quốc gia. Chắc chắn là các quốc gia đang phát triển và kém phát triển nhất không có được những nguồn lực mà Chính phủ Hoa Kỳ có được. Hầu hết các quốc gia khác cũng không có nhiều trạm kiểm soát biên giới như Hoa Kỳ.
Các cơ quan hải quan ở các quốc gia này cần phải quyết định việc làm thế nào để sử dụng một cách tốt nhất những nguồn lực mà họ có. Trong các chương trình hỗ trợ kỹ thuật ở nước ngoài, Văn phòng Sáng chế sử dụng điều đó như một điểm khởi đầu để khuyến khích việc tuân thủ các quy định của một quốc gia theo Hiệp định TRIPS. TRIPS đưa ra các chuẩn mực tối thiểu, chẳng hạn như việc thiết lập một hệ thống mà nhờ đó chủ sở hữu có thể nhận được sự thực thi các quyền của mình.
Như tôi đã nói, một quốc gia có thể tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ tối thiểu trong Hiệp định TRIPS song vẫn còn rất nhiều việc cần làm ở khu vực biên giới. Chẳng hạn như, Hiệp định TRIPS yêu cầu các quốc gia bảo vệ chống lại việc nhập khẩu hàng hóa ăn cắp bản quyền hoặc hàng hóa mang nhãn hiệu thương mại giả. Hiệp định không yêu cầu các quốc gia đưa ra sự bảo vệ tại khu vực biên giới đối với việc xuất khẩu các hàng hóa đó hoặc sự lưu chuyển của những hàng hóa đó trong phạm vi quốc gia mà chúng được xuất khẩu sau này.
Do đó, một trong những mối quan ngại đầu tiên của Chính phủ Hoa Kỳ là việc xuất khẩu hàng giả và hàng ăn cắp bản quyền từ một quốc gia sang các quốc gia khác, chẳng hạn như trong phạm vi châu Âu hoặc châu Á. Trong trường hợp đó, chúng tôi chủ trương những điều khoản “TRIPS +”. Chúng tôi đưa ra các điều khoản đó trong các cuộc đàm phán song phương như một phần trong tiến trình đàm phán các hiệp định thương mại tự do. Trong việc đào tạo, chúng tôi nhấn mạnh việc vì sao những điều khoản này thường là cần thiết nhằm có được một hệ thống thực thi hiệu quả, dù chúng không phải là những yêu cầu của Hiệp định TRIPS.
CHỦ TỌA CUỘC HỌP: Các quốc gia có tiếp thu yêu cầu đó không?
SMITH: Đến nay đã là hơn 10 năm. Tôi nghĩ rằng, khi mà các quốc gia ngày càng cảm thấy dễ chịu hơn với những nghĩa vụ của họ theo Hiệp định TRIPS và đã có những đạo luật, thì họ cũng ngày càng trở nên dễ tiếp thu hơn.
Điều đặc biệt đáng quan tâm đối với Chính phủ Hoa Kỳ ngay thời điểm hiện tại là nạn ăn cắp bản quyền các đĩa quang (như CD, VCD, DVD, .v.v) tại các quốc gia nơi mà lượng sản xuất đã vượt quá nhu cầu cần thiết. Rõ ràng là việc sản xuất quá nhiều các sản phẩm ăn cắp bản quyền này không thể thu được lợi nhuận từ nền kinh tế địa phương, do đó chúng đang được xuất khẩu. Trong những trường hợp như vậy, chúng tôi chủ trương kiểm soát xuất khẩu tại các khu vực biên giới và có quy định về các loại đĩa quang.
CHỦ TỌA CUỘC HỌP: Vấn đề tham nhũng có liên quan như thế nào đến IPR?
GULL: Tham nhũng là một vấn đề lớn tại nhiều quốc gia hiện đang cố gắng để thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên thế giới.
Một phần của vấn đề liên quan đến việc có bao nhiêu tiền trong các phi vụ. Khi có rất nhiều tiền trong một hoạt động phi pháp, chắc chắn có hiện tượng tham nhũng.
Một khía cạnh khác của việc ăn cắp tài sản trí tuệ và việc làm hàng giả là tội phạm có tổ chức. Các băng nhóm tội phạm, cả ở nước Mỹ cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới, có liên quan đến việc sản xuất và phân phối hàng giả và hàng ăn cắp bản quyền với những mức độ khác nhau. Tất nhiên, việc tham nhũng của nhân viên nhà nước không chỉ xảy ra duy nhất trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Song ở những nơi mà tham nhũng lan tràn, nó sẽ ảnh hưởng đến việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
SMITH: Ông đã hỏi: “Đâu là những rào cản đối với việc thực thi một cách hiệu quả?”. Tôi nghĩ điều đó phụ thuộc vào việc ông đang nói tới việc thực thi trong lĩnh vực dân sự, hình sự hay tại khu vực biên giới.
Việc thực thi mang tính hình sự và tại khu vực biên giới có thể được nhóm lại với nhau vì chúng là những hành động được chính phủ thực hiện. Về khía cạnh dân sự, đó là trường hợp một cá nhân đương tụng tới tòa dân sự để giải quyết vấn đề thiệt hại của mình.
Các rắc rối trong khu vực dân sự thì đều tương tự nhau ở nhiều quốc gia trên thế giới. USPTO đã nhận thấy rằng, mặc dù rất nhiều quốc gia đã có các đạo luật và bộ luật tố tụng dân sự cho phép chủ sở hữu tới tòa và nhận được sự trợ giúp hoặc lệnh hạn chế tạm thời, song những đạo luật này lại không được áp dụng trong thực tế.
Chúng tôi cũng đã nhận thấy rằng sự đền bù thiệt hại mà tòa đưa ra thấp tới mức chúng không thực sự ngăn chặn được những người ăn cắp bản quyền hoặc làm hàng giả và không đền bù được thích đáng những thiệt hại mà chủ sở hữu đã phải chịu.
Cuối cùng, chúng tôi nhận thấy rằng, hàng hóa vi phạm và máy móc để sản xuất ra chúng không thực sự bị tiêu huỷ. Chúng có thể lại được đưa vào thị trường thương mại. Điều đó rõ ràng là không có lợi cho chủ sở hữu hay công chúng.
Về phía chính phủ, một rào cản đối với việc thực thi tại biên giới là: một công việc đòi hỏi nhiều nỗ lực. Bạn cần có những nhân viên hải quan ở biên giới - là những người tiêu dùng sành sỏi, quen thuộc các nhãn hiệu thương mại đã được đăng ký và là những người có lợi trong việc thực thi quyền của các chủ sở hữu nhãn hiệu thương mại. Bạn cũng sẽ gặp vấn đề trong việc thực thi có hiệu quả ở biên giới khi không có các thanh tra hải quan sành sỏi.
Trong lĩnh vực hình sự, một vấn đề nữa là các quốc gia ban đầu có thể đã truy tố nhiều đại lý bán hàng giả hoặc hàng ăn cắp bản quyền trên phố. Mặc dù làm như vậy có thể giúp cho trên phố không còn những kẻ vi phạm, nhưng nó không đi đến được ngọn nguồn của hoạt động này. Ở nhiều quốc gia, việc xâm phạm các quyền sở hữu trí tuệ có cơ sở là tội phạm có tổ chức. Do đó, việc sử dụng thời gian và tiền của của chính phủ một cách hiệu quả hơn có thể nên là việc sử dụng những quy định về tội phạm có tổ chức để truy tố những trường hợp này tại nơi nguồn cung cấp tài chính.
GULL: Đúng vậy. Sẽ hiệu quả hơn nếu theo sau “những con cá lớn” hơn là những con nhỏ, bởi vì bạn cắt đứt được nguồn cung. Nhìn chung, tác động lớn nhất của việc chạy theo những người bán hàng trên phố là việc nạn ăn cắp bản quyền không xuất hiện công khai trên phố nữa. Có nghĩa là, thay vì một chiếc bàn bày bán đầy các loại đĩa ăn cắp bản quyền, bạn sẽ thấy một gã có biểu hiện bán CD và DVD, và hắn sẽ bán cho bạn một bản copy hoặc một bản nhái lấy từ một xe tải hoặc một căn hộ nào đó dưới phố.
Michael đã đề cập đến tầm quan trọng của việc có những biện pháp dân sự hiệu quả. Tại Hoa Kỳ, phần lớn việc thực thi được thực hiện bởi người giữ tác quyền hoặc chủ sở hữu nhãn hiệu thương mại – là những người khởi đầu các hành động. Hoa Kỳ có những biện pháp dân sự hiệu quả: khuyên răn, bắt giữ hàng giả và phạt tiền. Ở đây, người ta có được cơ hội thực tế nhận được sự hỗ trợ từ các biện pháp này, và ở nhiều quốc gia khác với nhiều cơ chế luật dân sự đã được thiết lập hơn.
Ở một số nơi, người ta chưa có được một hệ thống thực thi dân sự trưởng thành như vậy. Tại những nơi đó, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, những cơ chế thực thi hình sự và thực thi ở khu vực biên giới là cơ hội duy nhất để làm giảm sự vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ở một số quốc gia, việc tố tụng hoặc điều tra hình sự không thể được bắt đầu nếu không có khiếu nại từ chủ sở hữu. Đây là một rào cản lớn bởi vì sẽ không thực tế để một chủ sở hữu có thể khiếu nại bất cứ lúc nào. Điều đó có nghĩa là, ở một số nước, cảnh sát không được trao quyền để bắt giữ hàng vi phạm mà họ phát hiện trên phố hoặc trong một doanh nghiệp vi phạm. Chúng tôi khuyến khích các quốc gia loại bỏ đòi hỏi này, dù là nó được quy định trong luật hay là chính sách đối với cảnh sát hoặc nguyên đơn hay không.
Tương tự như vậy, một số quốc gia dựng lên hoặc duy trì những rào cản nhân tạo gây khó khăn cho việc xác định chủ sở hữu nhãn hiệu thương mại hoặc tác quyền. Tòa án có thể yêu cầu cần phải có điều trần của chủ sở hữu tác quyền thực sự, chứ không phải là chỉ trình ra giấy chứng nhận sở hữu tác quyền trên cơ sở “prima facie” (chú thích của người biên tập: tiếng La-tinh có nghĩa là nhìn thoáng qua, thoạt nhìn) do một văn phòng về quyền tác giả cấp. Thủ tục rườm rà này có thể cản trở việc thực thi hiệu quả. Những điều vụn vặt như vậy vẫn thường tồn tại thậm chí sau khi nhiều bước đi quan trọng, chẳng hạn như việc tham gia Hiệp định TRIPS, đã được hoàn thành.
CHỦ TỌA CUỘC HỌP: Sự tham gia của chủ sở hữu đóng vai trò quan trọng như thế nào?
HOWARD: Chương trình Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ phụ thuộc nhiều vào các chủ sở hữu - những người đã đăng ký - để cung cấp cho chúng tôi thông tin về những rắc rối có thể xảy ra. Thường thì các chủ sở hữu có thể biết được ngày mà hàng hóa vi phạm sẽ đến, cảng nào hay con tàu nào, hay là hình thức chúng du nhập vào nước Mỹ. Điều đó giúp cho chúng tôi tập trung được các nỗ lực và không lãng phí những nguồn lực có hạn của chúng tôi.
Người nắm giữ các quyền sở hữu trí tuệ cũng có thể tự giúp mình thông qua việc thông tin cho người tiêu dùng hiểu rằng không nên đưa ra tất cả các quyết định chỉ dựa trên cơ sở giá cả. Hàng giả có thể được bán với giá thấp hơn, nhưng có thể sẽ không có những đặc trưng như sản phẩm thật, hoặc nó có thể không an toàn hoặc không bền. Tương tự như vậy hay thậm chí còn quan trọng hơn là, bạn sẽ không nhận được hỗ trợ mà lẽ ra bạn sẽ nhận được từ nhà sản xuất nếu như sản phẩm bị lỗi.
CHỦ TỌA CUỘC HỌP: Liệu cơ quan y tế có thẩm quyền có đóng vai trò trong việc nói cho người tiêu dùng biết rằng hàng giả có thể không an toàn hoặc nguy hiểm?
GULL: Tại Hoa Kỳ, có nhiều đạo luật Liên bang và nhiều cơ quan bảo vệ chống lại những loại hàng giả có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe. Việc bán thuốc giả qua mạng Internet, như loại thuốc Viagra giả do “những kẻ làm hàng giả” quảng cáo qua thư điện tử, là vi phạm các đạo luật Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm liên quan đến an toàn dược phẩm, cũng như là vi phạm quy định nhãn hiệu thương mại Liên bang. Đó cũng có thể là sự vi phạm luật pháp ở 50 bang khác nhau.
Khi xuất hiện một thứ hàng giả, khó có cách nào để truy tìm ra đúng kẻ đã sản xuất ra chúng. Ví dụ như rượu giả hiện phổ biến ở nhiều quốc gia Đông Âu. Khi rượu thật không đáp ứng các tiêu chuẩn y tế và an toàn, nguồn gốc của sản phẩm có thể được tìm ra. Nhà máy sản xuất loại rượu này có thể bị điều tra và bị buộc phải cải thiện chất lượng. Nhưng với rượu giả, điều đó là không thể, bởi vì nguồn gốc của sản phẩm là không rõ.
SMITH: Điều này gắn với nhận thức của công chúng. Chính phủ có thể đóng vai trò trong việc giáo dục người dân rằng việc bảo vệ sở hữu trí tuệ không chỉ là một vấn đề kinh tế mà nó còn là vấn đề y tế và an toàn nữa. Thực phẩm làm giả và thuốc giả đã từng gây chết người. Hoặc là chúng không chứa các thành phần cần thiết hoặc chúng chứa những thành phần có thể gây chết người mà người ta vô tình mua chúng.
Hoặc chúng ta hãy xem xét các phụ tùng máy bay, một sản phẩm giả hoặc sản phẩm ăn cắp bản quyền được dán nhãn là đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, song thực tế thì chúng lại có những chi tiết sai sót.
Các vấn đề y tế và an toàn có thể đưa cuộc thảo luận của chúng ta tới cấp độ cá nhân nhiều hơn là về các khía cạnh kinh tế của việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, vì chúng đề cập đến cuộc sống của con người.
(Theo maxreading)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com