Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ sự thất vọng đối với phán quyết được xem là chưa từng có tiền lệ của một thẩm phán người Ý.
Thẩm phán Oscar Magi tuyên án tại phiên xử hôm 4-11.
Thẩm phán người Ý Oscar Magi hôm 4-11 đã kết tội 23 người Mỹ và 2 cựu mật vụ Ý trong vụ bắt cóc giáo sĩ người Ai Cập Hassan Mustafa Osama Nasr, còn được gọi là Abu Omar, vào năm 2003. Ông Robert Seldon Lady, trưởng trạm của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ở thành phố Milan vào thời điểm nói trên, bị kết án 8 năm tù. 22 người Mỹ còn lại, bao gồm 21 cựu nhân viên CIA, bị kết án 5 năm tù.
Cả 23 người Mỹ bị kết án đều không có mặt tại phiên tòa do Washington từ chối dẫn độ họ sang Ý. Trong khi đó, 2 cựu nhân viên Cơ quan Tình báo quân sự Ý (SISMI) bị kết án 3 năm tù. Phán quyết cũng yêu cầu những người bị kết tội bồi thường 1 triệu euro cho giáo sĩ Abu Omar và 0,5 triệu euro cho vợ ông ta.
Cũng tại phiên xử, thẩm phán Oscar Magi đã quyết định bỏ cáo buộc chống lại 3 người Mỹ, bao gồm trưởng trạm tình báo của CIA ở thành phố Rome vì quyền miễn trừ ngoại giao. Ngoài ra, theo hãng tin Reuters, các cáo buộc nhằm vào 5 người Ý, trong đó có ông Nicolo Pollari, cựu giám đốc SISMI, vì những bằng chứng chống lại họ đã vi phạm quy định về bí mật quốc gia, cũng bị hủy bỏ.
Reuters nhận định phiên tòa nói trên là một sự lên án đối với chương trình “dẫn độ đặc biệt” được chính phủ của Tổng thống Mỹ George W. Bush lập ra sau vụ khủng bố 11-9-2001. Chương trình này cho phép bắt giữ các nghi can khủng bố tại một nước và đưa sang những nước được phép sử dụng các biện pháp thẩm vấn hà khắc hơn.
Công tố viên Armando Spataro nói: “Những bản án được đưa ra đã phát đi một thông điệp rõ ràng đối với mọi chính phủ rằng ngay cả trong cuộc chiến chống khủng bố, họ cũng không thể phủ nhận những quyền cơ bản trong nền dân chủ của chúng tôi”. Ngược lại, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ sự thất vọng đối với phán quyết được xem là chưa từng có tiền lệ nói trên.
Sau khi bị bắt giữ tại một con đường ở Milan năm 2003,giáo sĩ Abu Omar đã bí mật được chuyển từ căn cứ không quân Aviano ở Tây Bắc nước Ý qua căn cứ Ramstein ở Đức để đến Ai Cập thẩm vấn. Tại đó, giáo sĩ Abu Omar cho biết ông đã bị tra tấn và giam giữ đến năm 2007 mà không có cáo buộc nào được đưa ra. Vào thời điểm giáo sĩ Abu Omar bị bắt giữ, cảnh sát Ý cũng đang theo dõi ông vì nghi ông tuyển mộ các tay súng cho Iraq.
(Theo NLĐ // An Giang Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com