Jorge Roman, một thủ lĩnh của tập đoàn ma túy Cruenza, từng bày tỏ lòng biết ơn Chính phủ Mexico tiến hành cuộc chiến chống ma túy vì “có lợi cho việc làm ăn của chúng tôi”
Có gì mâu thuẫn trong lời tuyên bố ngạo mạn của thủ lĩnh Cruenza, một trong những tập đoàn buôn lậu ma túy lớn nhất ở Mexico?
Theo Johann Hari, một cây bút có tiếng của nhật báo Anh The Independent, đó là một thực tế phũ phàng đang diễn ra hằng ngày ở Mexico. Thực trạng đó phản ánh một nguyên lý đã từng được chứng minh: Bạo lực sinh bạo lực. Nó chỉ có lợi cho các tổ chức tội phạm chuyên sống nhờ bạo lực.
Thách thức cảnh sát và chính khách
Bạo lực đã giết chết 28.000 người kể từ khi Tổng thống Felipe Calderon phát động cuộc chiến chống ma túy ở trong nước nhằm tiêu diệt các tập đoàn buôn lậu ma túy cách đây 4 năm. Số nạn nhân không ngừng tăng lên. Vụ tập đoàn ma túy Los Zetas tàn sát 72 di dân ở trang trại San Fernando, bang Tamaulipas, phát hiện hôm 24-8 là một bằng chứng.
Đối với người dân Mexico bình thường, “cuộc chiến chống ma túy” nghe na ná như “chiến tranh chống đói nghèo”. Thực tế cho thấy hai cuộc chiến này hoàn toàn khác biệt.
Cuộc chiến chống ma túy huy động - bằng tiền của nhân dân, tất nhiên - 50.000 quân trang bị tiểu liên và lựu đạn cùng với hàng ngàn xe tăng, xe bọc thép và máy bay chiến đấu. Và điều gì đã xảy ra?Mỗi khi quân đội chính phủ tấn công mạnh ở địa điểm nào thì bạo lực ở đó gia tăng một cách tương ứng.
Số người chết ở Tijuana - một trong các thị trấn nằm dọc biên giới Mỹ - hiện cao hơn số người chết ởIraq, một trong những chiến trường được đánh giá là khốc liệt nhất thế giới.
Tại sao có thực trạng đáng buồn nói trên? Theo nhà báo Johann Hari, giết chết một thủ lĩnh tập đoàn ma túy không có nghĩa là xóa bỏ được nguồn cung hay nhu cầu ma túy. Việc đó chỉ làm bùng nổ một cuộc chiến mới tranh giành quyền lãnh đạo và kiểm soát địa bàn hoạt động giữa các tập đoàn tội phạm. Bạo lực sinh bạo lực là như thế.
Chùm ảnh về cuộc chiến chống ma túy ở Mexico. Ảnh trên góc trái là Tổng thống Felipe Calderon. Ảnh dưới góc phải là Joaqin Guzman, thủ lĩnh tập đoàn Sinaloa, phụ trách thị trường quốc tế, đối tượng bị Mexico, Mỹ và Interpol truy nã |
Tại Mỹ, đã từng có chuyện như vậy. Khi nước Mỹ cấm sản xuất và mua bán rượu mạnh, các tổ chức tội phạm trở thành nguồn cung cấp rượu chính bởi nhu cầu trong dân chúng là có thật. Chúng dùng bạo lực để tranh giành thị trường và trấn áp dân chúng mà hầu như không bị trừng phạt vì cảnh sát bị chúng mua chuộc. Tình hình ở Mexico lúc này cũng giống như thế.
Có cả ngàn tổ chức buôn ma túy và cả chục tập đoàn hùng mạnh cát cứ ở một số vùng giáp biên giới Mỹ. Chúng gửi đến cảnh sát và chính khách lời dụ dỗ kèm theo đe dọa: “Plata o ploma” (bạc hay chì). Bạc là giấy bạc còn chì là đầu viên đạn.
Nguồn gốc từ Mỹ
Nguồn gốc của bạo lực còn bắt nguồn từ 2.000 km đường biên giới Mexico - Mỹ mà nước Mỹ là nơi tiêu thụ ma túy nhập lậu lớn nhất thế giới. Theo những con số ước tính khiêm tốn nhất, thị trường bán lẻ ma túy ở Mỹ trị giá ít nhất 60 tỉ USD/năm. 70% lượng ma túy - bao gồm cocaine, bạch phiến, cần sa hoặc ma túy tổng hợp methamphetamine – được tuồn vào Mỹ bởi các tập đoàn ma túy Mexico. Các tập đoàn này từ lâu đã thay thế các đồng nghiệp Colombia, sau khi nước này bị Mỹ dùng hóa chất gây ung thư hủy diệt các cánh đồng trồng cây coca.
Không còn vùng nguyên liệu, việc buôn lậu ma túy chuyển địa chỉ về Mexico, gần thị trường Mỹ nhất. Báo chí Mỹ gọi đây là “hiệu ứng bong bóng”. Bóp đầu này ma túy chạy qua đầu khác. Mọi tai ương do ma túy gây ra đều đổ lên đầu người dân Mexico.
Cũng có một thực tế khác là khi dòng ma túy ào ạt chảy vào nước Mỹ thì dòng tiền - hằng năm lên đến hàng chục tỉ USD bao gồm tiền mặt và chuyển khoảnqua ngân hàng bằng các thủ thuật rửa tiền tinh vi - từ nước Mỹ chảy ngược về Mexico. Và không chỉ có tiền mà cả vũ khí nuôi dưỡng cuộc chiến chống ma túy và nội chiến giữa các tập đoàn ma túy. Mexico cấm mua bán vũ khí, trong khi Mỹ chủ trương tự do mua bán. Bạo lực cứ thế xoay vòng.
Tất cả những điều nói trên giải thích tại sao bạo lực gia tăng và các thị trấn biên giới của Mexico như Ciudaz Juarez, nằm đối diện thị trấn El Paso, bang Texas của Mỹ, trở thành vùng chiến sự.
Nếu người Mỹ không ưa ma túy...
Nhiều người cho rằng sự gia tăng bạo lực đó là bằng chứng cho thấy hiệu quả cuộc chiến chống ma túy của chính quyền Mexico bởi các tập đoàn ma túy xâu xé lẫn nhau.
Tuy nhiên, theo nhà báo Johann Hari, nếu có một bước tiến nào đó thì kèm theo nó cũng có một bước lùi. Tham nhũng là một vấn nạn của Mexico. Tổng thống Calderon buộc phải dùng quân đội để tiễu trừ bọn buôn lậu ma túy vì các tập đoàn ma túy len lỏi đến cấp cao nhất của ngành cảnh sát - vốn hưởng đồng lươngbèo bọt -bằng tiền hối lộ.
Làm sao thoát khỏi “bạo lực sinh bạo lực”? Theo nhà báo Hari, cái gốc của vấn đề là nếu người Mỹ không thích ma túy nữa, các tập đoàn ma túy Mexico sẽ phá sản. Điều này không bao giờ xảy ra. Càng cấm đoán thì ma túy càng trở nên hấp dẫn.
Đầu tháng 8-2010, cựu tổng thống Mexico Vincente Fox tuyên bố rằng trước những sự kiện đau lòng gần đây, ông ủng hộ việc hợp pháp hóa ma túy “không phải vì ma túy có ích mà vì đó là một chiến lược làm suy yếu và phá vỡ hệ thống kinh tế mà bọn buôn lậu ma túy dựa vào để hưởng siêu lợi nhuận”.
Vấn đề hợp pháp hóa chỉ mới được đề cập sau 4 năm chống ma túy mà không đạt được thắng lợi nào. Tuy nhiên, thảo luận vấn đề đó trong lúc này là một việc cần thiết, theoSamuel Gonzales, cựu ủy viên công tố chống ma túy Mexico.
(Theo NGUYỄN CAO // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com