Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sống trong băng đảng xã hội đen Nhật

Với mái tóc nhuộm nâu và chiếc quần jeans chật cứng, Shoko Tendo trông chẳng khác gì những thiếu phụ Nhật sành điệu khác - cho đến khi cô cởi áo sơmi, để lộ những hình xăm sinh động trên thân thể.

Shoko Tendo, tác giả cuốn hồi ký về thế giới ngầm đang bán chạy nhất ở Nhật. Ảnh: Reuters.

Những hình xăm tinh xảo gồm các con rồng, phượng, và một cô gái điếm thời trung cổ để ngực trần, ngậm một con dao giữa hai kẽ răng. Đấy là biểu tượng cho thời thơ ấu của cô, khi còn là con gái cưng của một tay trùm gangster và nghiện ma túy.

Tendo, 39 tuổi, là tác giả của "Yakuza Moon", cuốn hồi ký vừa xuất bản bằng tiếng Anh, kể về cuộc sống trong lòng một băng đảng tội phạm xã hội đen kiểu như mafia Mỹ. Những người tham gia bang hội được gọi là yakuza trong tiếng Nhật

"Cảnh sát càng truy lùng, yakuza càng chui sâu vào bóng tối, gần như không thể nào lần ra được", Tendo nói trong một cuộc phỏng vấn của báo chí gần đây.

Giới chức cho biết con số thành viên chính thức của các băng đảng yakuza lên đến 41.500 vào năm ngoái, nhưng vẫn là giảm so với khoảng 43.000 một năm trước đó. Tuy nhiên, nếu tính cả những kẻ du côn và đua xe trái phép, con số lên đến 43.200 tên.

Yakuza chính là thủ phạm gây những vụ bắn giết bằng súng - loại tội phạm hiếm gặp ở Nhật. Các thành viên băng đảng đã bắn chết vị thị trưởng Nagasaki hồi năm ngoái.

Tendo cho hay những vụ bắn giết đó là sự trả đũa đối với chiến dịch trấn áp, bởi việc cảnh sát tăng cường truy lùng khiến việc buôn bán ma túy, mại dâm của chúng khó khăn hơn.

"Họ bị dồn vào chân tường, và thế là nhân tính biến mất", cô nói. "Tất cả những việc họ từng làm để kiếm sống bỗng trở thành batá hợp pháp, cuộc sống trở nên khó khăn".

Những hình xăm trên cơ thể Tendo. Ảnh: Reuters.

Xuất thân từ những tay bài bạc và băng nhóm sống ngoài vòng pháp luật từ thời trung cổ, yakuza từ lâu bị coi là hình ảnh của những samurai hết thời, bị bó buộc bởi truyền thống, danh dự và trách nhiệm, và sống cuộc đời thoải mái phong lưu.

Cha của Tendo, thủ lĩnh một chi nhánh của băng đảng khét tiếng và rộng lớn Yamaguchi-gumi, có một cuộc sống kiểu yakuza cổ điển. Ông mặc những bộ vest Italy, đi ô tô sang trọng nhập khẩu và cưỡi xe máy Harley-Davidson.

Được nuôi dưỡng cùng với ý niệm khắt khe về danh dự, Tendo vừa được nuông chiều làm hư vừa bị rầy la quở trách bởi chính những người đàn ông mình đầy hình xăm thường lui tới nhà cô.

Nhưng cô cũng phải đối mặt với thành kiến và sự áp đặt nghiêm khắc từ cha cô. Để phản ứng, Tendo gia nhập một băng nhóm khác, chơi thuốc phiện và trở thành bồ của một vài gangster. Cô từng suýt chết vì đánh nhau và dùng ma túy quá liều, và cuối cùng mới có ý định thay đổi cuộc sống.

Giờ đây, khi đã trở thành một người mẹ và nhà văn, Tendo tự xa lánh khỏi thế giới của yakuza, thế giới mà cô cảm thấy đang mất dần những nét truyền thống.

Luật pháp Nhật không cấm mọi người trở thành thành viên các băng nhóm yakuza. Văn phòng của họ thậm chí còn có biển tên và danh sách thành viên. Các băng đảng hợp tác với cảnh sát, giao nộp những kẻ tội phạm để đổi lấy việc cảnh sát làm ngơ cho những hoạt động phi pháp của họ. Tuy nhiên, tình trạng này chấm dứt vào năm 1992, khi luật mới chống tội phạm một cách nghiêm khắc hơn được ban hành.

Giờ đây phần lớn thu nhập của các yakuza đến từ cổ phiếu, bất động sản và tài chính.

"Cái mà chúng ta đang thấy ở đây là yakuza đang trở nên có cấu trúc rõ ràng hơn, như mafia của Mỹ vậy. Họ cũng chia thành các nhóm chuyên gia kinh doanh và chuyên gia dao búa", Manabu Miyazaki, một nhà văn có cha là thành viên yakuza, bình luận.

"Và khi thế giới ngày càng xóa bỏ các đường biên giới, họ cũng cần những chuyên gia có thể đảm đương các công việc và nói được tiếng Anh, tiếng Hoa".

Cũng như toàn thể dân số Nhật, các tay anh chị trong băng đảng ngày càng già đi, và ngày càng ít thanh niên coi việc gia nhập yakuza là một cơ hội nghề nghiệp. Nhiều thanh niên ngày nay không còn hiểu rõ về yakuza và cũng không thích những công việc dính đến bạo lực như xưa kia.

"Họ nghĩ yakuza cũng như một công ty", Miyazaki nói. "Có chuyện đùa rằng một gã trai trẻ đến văn phòng bang hội và hỏi xem mức lương cho anh ta là bao nhiêu, có bảo hiểm xã hội không".

Cho dù hình ảnh về các yakuza, với hình xăm đầy mình và bàn tay thiếu ngón (do lệ chặt ngón tay mỗi khi phạm sai lầm) trở nên lạc lõng trong đời sống hiện đại, chúng vẫn không biến mất hẳn.

"Ngày càng ít người trở thành yakuza", Miyazaki nói. "Nhưng những ai làm điều này sẽ trở nên rất tinh quái, rất đáng sợ - và cực kỳ nguy hiểm".

T. Huyền (theo Reuters)//Vnexpress

 

  • Nhà giàu Trung Quốc tuồn tiền mặt ra nước ngoài
  • Kinh hãi công nghệ nhuộm màu cho... tôm khô
  • Những “ông trùm” séc và tiền giả
  • “Trùm” túi xách giả Trung Quốc lĩnh án nặng bất thường
  • Vì sao thực phẩm Trung Quốc liên tục bị phát hiện nhiễm độc?
  • Thế giới ngầm của các võ sĩ Nhật
  • Nhật tuyên chiến với mafia
  • Cuộc chiến chống mafia: Làn gió độc từ Đông Âu
  • Thế giới “nhức đầu” vì lừa đảo Nigeria
  • Từ ngày 1/8: Công ước cấm bom bi có hiệu lực
  • Cựu lãnh đạo Khmer Đỏ Duch bị kết án 35 năm tù giam
  • Băng mafia ‘Ndrangheta sa lưới
  • Một loạt đại gia công nghệ bị kiện vi phạm bản quyền
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%