Một thành viên mafia Nga bị bắt tại Tây Ban Nha - Ảnh: Reuters |
Theo AFP, giữa tháng ba vừa qua, cảnh sát nhiều nước châu Âu đã phối hợp bắt giữ 69 tên tội phạm trong một chiến dịch quy mô. Những tên này có liên quan đến các tổ chức mafia Nga - Đông Âu, bị bắt vì buôn bán ma túy và rửa tiền. Tham gia đợt truy quét có cảnh sát các nước Đức, Áo, Thụy Sĩ, Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Những nỗ lực của cảnh sát châu Âu là một bước tiến quan trọng trong cuộc chiến với các thế lực đen.
“Băng giá” mafia Nga
Không chỉ đến từ xứ sở quanh năm tuyết phủ, mafia Nga còn khiến người ta “lạnh sống lưng” vì sự lạnh lùng, tàn bạo khi thủ ác. Chúng không ngần ngại giết chết những ai thiếu hợp tác, thậm chí là cả gia đình của họ. Tiền thân của mafia Nga là những băng đảng côn đồ từ thời Sa hoàng, trải qua những biến động lịch sử, đặc biệt là vào đầu thập niên 1990, mafia Nga đã lợi dụng những bất ổn xã hội để thu hút thành viên mới và làm giàu nhờ lũng đoạn nền kinh tế đang trong lúc giao thời. Cũng trong giai đoạn này, nhiều tổ chức mafia ở các nước Đông Âu khác bắt đầu nổi lên cùng với mafia Nga. Chúng đã tủa vòi bạch tuộc đến các lãnh vực khai thác dầu hỏa, khí đốt và các nguồn kim loại quý. Với lợi nhuận khổng lồ, những tổ chức mafia đã mua chuộc nhiều quan chức chính quyền địa phương. Trong một bài viết đăng trên nhật báo Izvestia vào cuối năm 1997, cựu Bộ trưởng Nội vụ Anatoli Koulikov nhận xét: “Các băng nhóm tội phạm hoạt động tại nhiều ngành kinh tế và lãnh thổ nước Nga. Chúng còn thò tay trong vào hệ thống nhà nước. Ở một số vùng, cảnh sát không còn kiểm soát được tình hình nữa”.
Mafia Nga không theo cấu trúc trục dọc như mafia Sicily của Ý mà chia thành rất nhiều tổ chức độc lập. Báo Le Point dẫn thống kê của Bộ Nội vụ Nga cho hay, hiện có hàng ngàn tổ chức mafia Nga đang hoạt động và khoảng 300 trong số đó mang tầm cỡ quốc tế. Các tổ chức này lại được chia thành nhiều băng nhóm nhỏ hoạt động riêng biệt để đề phòng trường hợp khi cảnh sát truy bắt, sẽ không bị lộ toàn diện. Mafia Nga chủ yếu thu lợi từ buôn bán ma túy, vũ khí, tổ chức các đường dây buôn bán xe ô tô trộm cắp, gian lận trong ngành viễn thông, bảo hiểm, áp đặt thuế bảo kê lên các doanh nghiệp... Từ thu nhập khổng lồ của mình, mafia Nga còn nổi tiếng là các chuyên gia rửa tiền hàng đầu thế giới.
Tung hoành khắp nơi
Từ Mỹ, Pháp, Đức, Tây Ban Nha đến Israel, mafia Nga đã vượt khỏi phạm vi của Đông Âu và ghi dấu ấn ra khắp thế giới với đủ mọi hình thức. Tại Mỹ, mafia Nga khiến cảnh sát đau đầu vì ngoài buôn bán ma túy, thế hệ tội phạm mới có trình độ học vấn cao, bắt đầu tấn công vào thị trường chứng khoán và tổ chức những hệ thống gian lận hợp đồng bảo hiểm y tế, theo L’Express. Ở Israel, mafia Nga gần như là độc quyền trong hoạt động mại dâm và mở rộng tầm ảnh hưởng qua việc thu thuế bảo kê. Đặc biệt, với túi tiền lúc nào cũng rủng rỉnh, mafia Nga hoạt động không chỉ bên ngoài mà đôi khi còn “vượt trên pháp luật”. Người đứng đầu ngành cảnh sát Israel, ông Moshe Mizrahi thừa nhận với phóng viên L’Express: “Nhờ vào tài sản khổng lồ của mình, mafia Nga có thể mua chuộc nhiều người. Chúng tôi từng phá vỡ một đường dây ngay trong Bộ Nội vụ chuyên giúp chúng làm giấy tờ giả”.
Sang đến các nước Tây Âu, đặc biệt là Pháp và Tây Ban Nha, bên cạnh những “mẫu số chung” như buôn bán ma túy, mại dâm, bán tài sản trộm cắp... mafia Nga còn tỏ ra là những ông chủ giàu có rất chịu đầu tư vào bất động sản. Những khu vực xinh đẹp và sang trọng nhất ở Pháp và Tây Ban Nha là nơi rửa tiền lý tưởng của bọn chúng. Từ quận 16 ở Paris, đến vùng ven biển Côte d’Azur miền nam nước Pháp đều có các bố già Nga đến tậu dinh thự, đôi khi bằng tiền mặt hẳn hoi. Tiêu biểu như trong giai đoạn 1999-2000, theo chuyên gia về chính trị và tội phạm thuộc Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) Hélène Blanc, có khoảng 600 khu nhà sang trọng tại Côte d’Azur đã được các ông chủ giàu có người Nga hoặc Đông Âu chọn mua.
Cuộc chiến chống mafia hiện không phải chỉ riêng của người Ý, người Nga, người Nhật hay Trung Quốc, nơi mà Ndrangheta, Comorra, Yakuza, hội Tam Hoàng... vẫn “làm mưa làm gió”. Mafia đang ráo riết “toàn cầu hóa” để mở rộng tầm hoạt động của chúng ra khắp thế giới và chỉ khi cả cộng đồng quốc tế cùng hợp tác hành động, “nỗi ám ảnh bạch tuộc” mới hy vọng có thể bị đẩy lùi.
Nguyễn Ngọc Lan Chi // Theo Thanh Niên
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com