Hàng nghìn đại gia lắm tiền nhiều của tại Mỹ đang mất ăn mất ngủ khi ngày 19-8, cơ quan thuế vụ nước này (IRS) thông báo đã đạt được thỏa thuận có thể tiếp cận 5.000 tài khoản bí mật tại UBS - ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ mà các nhà điều tra nghi ngờ dùng để trốn thuế. Theo nguồn tin từ báo chí Thụy Sĩ, với thỏa thuận này UBS có thể tránh việc nộp phạt hàng trăm triệu USD cho Chính phủ Mỹ.
Thực tế, đây chỉ là con số nhỏ so với đòi hỏi từ phía Mỹ khi yêu cầu UBS cung cấp thông tin cá nhân của 52.000 tài khoản của người Mỹ. Hiện tại, các công tố viên Liên bang Mỹ đang hoàn tất thủ tục tố tụng hình sự với 150 khách hàng trong danh sách tình nghi sử dụng tài khoản tại UBS để trốn thuế. Theo cơ quan điều tra, hiện đã có 3 khách hàng của UBS thừa nhận vi phạm các quy định của luật pháp Mỹ để trốn các khoản thuế phải nộp lên tới 200.000 USD.
Cuộc điều tra trốn thuế nhằm vào tầng lớp giàu có của Mỹ gửi tiền sang Thụy Sĩ rộ lên từ cuối năm ngoái. Và sở dĩ UBS phải phá bỏ truyền thống giữ bí mật của các ngân hàng nước này là do năm 2001, hai bên đã ký một hiệp định mang tên "Qualified Intermediary" (QI) trong đó quy định rõ việc khai báo và đánh thuế đối với khách hàng người Mỹ. Nếu khách hàng không đồng ý thì ngân hàng sẽ từ chối mọi sự tư vấn cũng như không nhận quản lý mọi tài sản có giá trị của họ dưới bất cứ hình thức nào. UBS cũng chấp nhận cung cấp danh tính những khách hàng người Mỹ mà ngân hàng này nhận chăm sóc từ Thuỵ Sĩ.
Thế nhưng, sự thực cho thấy UBS đã không giữ đúng cam kết theo hiệp định QI mà Thụy Sĩ đã ký với Mỹ. Cuộc điều tra này được thực hiện công khai liên quan đến việc kết án Brát-li Bớc-ken-phen (người Thụy Sĩ), một nhân viên của UBS đã bị cơ quan an ninh Mỹ bắt giữ vì hướng dẫn khách hàng các mánh lới để trốn thuế lên đến hàng triệu USD. Theo lời khai của Bớc-ken-phen, riêng UBS có 19.000 khách hàng Mỹ sở hữu các tài khoản không khai báo trị giá 17,9 tỷ USD và Bớc-ken-phen tiết lộ, mỗi năm khoảng 80 quan chức UBS đến Mỹ từ 4-6 lần để chào mời dịch vụ trốn thuế tới các thương gia giàu có. UBS sử dụng máy vi tính được mã hóa để chứa thông tin mật và bảo vệ nhân dạng của các khách hàng giàu có này. Hai bên liên lạc với nhau bằng mật mã để tránh bị cơ quan thuế phát giác.
Trong khi đó, mới đây, Ủy ban Điều tra Thượng viện Mỹ công bố báo cáo cho biết, số tiền các nhà đầu tư Mỹ trốn thuế mỗi năm có thể lên tới 100 tỷ USD. Còn số tiền đang được hàng chục nghìn triệu phú, tỷ phú Mỹ cất giấu bí mật trong những két sắt phía bên kia bờ Đại Tây Dương ước tính lên đến 20 tỷ USD. Theo Giáo sư Re-u-ven A-vi-Y-o-na, Giám đốc Chương trình thuế quốc tế Trường Luật của ĐH Mi-chi-gân (Mỹ), những hoạt động mờ ám giúp khách hàng trốn thuế tồn tại đầy rẫy trên toàn bộ hệ thống ngân hàng tư nhân khắp thế giới và UBS chỉ là phần nổi của tảng băng. Chính vì thế, sau khi UBS đồng ý giao nộp danh tính của 5.000 khách hàng có thể là những người trốn đóng thuế ở Mỹ, nhiều quan chức ngân hàng tại Thụy Sĩ rất lo lắng. Vì đây sẽ là một tiền lệ phá vỡ bức màn bí mật ngân hàng tại đất nước Tây Âu này.
(Theo Quỳnh Chi // Hanoimoi Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com