Thành phố Trùng Khánh mới đây thực hiện chiến dịch lớn về điều tra và truy quét các băng nhóm xã hội đen, bắt giữ 1.544 tên xã hội đen và buôn lậu, đồng thời phát hiện, thẩm vấn 502 cán bộ trong ngành công an và tòa án có liên quan đến các hoạt động ngầm. Giám đốc Sở Tư pháp Trùng Khánh Văn Cường, người từng được coi là anh hùng chống xã hội đen khét tiếng cùng 6 sĩ quan cấp trưởng và phó quận cũng bị thẩm vấn trong chiến dịch này. Vụ án này gây chấn động toàn Trung Quốc bởi tính chất nghiêm trọng, đồng thời cho thấy công tác phòng chống tội phạm có tổ chức ở Trung Quốc ngày càng gian nan.
Nhiều quan chức dính chàm
Giám đốc Sở Cảnh sát Trùng Khánh Vương Lập Quân |
Ở Trung Quốc, các bang hội sống ngoài vòng pháp luật đã có từ lâu đời với nhiều hoạt động gây mất an ninh xã hội. Chúng dùng nhiều thủ đoạn để mua chuộc, hối lộ và thao túng nhiều quan chức chính quyền khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ xưa tới nay phải “đau đầu nhức óc” khi giải quyết vấn nạn này. Bên cạnh những cán bộ trong sạch lấy tiêu chí bảo vệ nhân dân an toàn khi thi hành nhiệm vụ thì vẫn có không ít quan chức cấp cao vì ham lợi mà bị sa chân vào các tổ chức xã hội đen.
Điển hình, Giám đốc Sở Tư pháp, anh hùng chống xã hội đen Trùng Khánh Văn Cường đã bị bắt giữ hồi đầu tháng 8 này vì liên quan tới các vụ bảo kê sòng bài, chia tiền mãi lộ… Thực tế, Văn Cường không phải là kẻ đầu tiên bảo kê cho hoạt động của các băng nhóm xã hội đen. Năm 2002, nguyên Tổng đội trưởng an ninh Trùng Khánh Lý Hồng cũng đã bị kết án 7 năm tù vì tội dung túng cho các băng nhóm xã hội đen tổ chức buôn lậu và thực hiện nhiều hoạt động phi pháp khác.
Trần Quốc Dương, nguyên Phó Giám đốc Cảnh sát thành phố Tứ Hội, tỉnh Quảng Đông bị kết án 8 năm 6 tháng tù vì tội dung túng, bao che cho xã hội đen hoạt động trong một thời gian dài từ năm 1999 đến năm 2006. Điều đáng chú ý, đây là lần đầu tiên tại Quảng Đông, phó giám đốc cảnh sát một thành phố bị đưa ra xét xử vì “bảo kê” cho xã hội đen.
TAND tỉnh Tứ Xuyên đưa ra xét xử 5 cựu cảnh sát đã bao che, tiếp tay cho nhiều phạm nhân trong tù tiếp tục hoạt động theo kiểu xã hội đen. Theo hồ sơ tại tòa, 5 cảnh sát quản lý phạm nhân tại nhà tù Sùng Châu đã cho phép một số phạm nhân đưa cả vũ khí, ma túy cùng nhiều nhu yếu phẩm khác vào trong trại giam để kinh doanh. Những tên này được phép tung hoành trong trại như đang hoạt động ở ngoài xã hội. Thậm chí, bọn chúng còn sử dụng cả xe hơi riêng của đội trưởng trại giam để đi gặp người thân và đối tác buôn bán hàng cấm ở bên ngoài nhà tù. Cá biệt có phạm nhân Lưu Kỳ Kiến còn được đội trưởng trại giam cho phép thường xuyên hẹn gặp người yêu và được qua đêm ở nhà hàng.
Thậm chí còn có vụ cả gia tộc phạm tội như Từ Phụng Sơn, Phó Chủ tịch thành phố Du Thụ. Vị phó chủ tịch này bị bãi chức và cách ly để điều tra vì phạm các tội đưa và nhận hối lộ, tổ chức hoạt động xã hội đen. Cơ quan điều tra cũng bắt giam Từ Đại Vĩ, con trai ông ta vì có liên quan đến “hoạt động đen” ở Du Thụ. Khi khám xét nhà Vĩ, cảnh sát đã thu được một cuốn sổ tiết kiệm 9 triệu nhân dân tệ (gần 1,3 triệu USD), 7 khẩu súng các loại, 7 xe hơi, 9 căn nhà. Từ Đại Vĩ thú nhận đã tổ chức nhiều hoạt động giết người, cướp bóc, bắt cóc tống tiền, trấn lột…
Sau khi ngồi vào ghế lãnh đạo thành phố, Từ Phụng Sơn đã đưa con trai thứ là Từ Bằng vào Đội cảnh sát trị an thành phố, sau đó nhanh chóng đề bạt làm đại đội phó. Được cha và em trai che chắn, Từ Đại Vĩ ngày càng lộng hành. Khi một đàn em của Vĩ là La Thiên Chí bị xét xử, Vĩ cùng anh trai là Từ Bằng mặc cảnh phục dẫn 20 tên đồng bọn xông vào phòng xử án lăng mạ quan tòa. Vụ việc được báo cáo lên trên, sau đó một trung đội cảnh sát trang bị súng ống được điều đến canh gác tại tòa án suốt 3 ngày, vụ án mới xử được (?!).
Kiên quyết chống tội ác
Sở dĩ thành phố Trùng Khánh thực hiện chiến dịch chống xã hội đen, lập lại trật tự xã hội đạt được hiệu quả cao là do quyết tâm chống tội ác từ lãnh đạo trung ương tới địa phương. Thành công này bắt nguồn từ 2 phương châm lớn của Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai: Kiên quyết trừ diệt cái ác và dùng người có tài có đức.
Một băng xã hội đen tỉnh An Huy bị đưa ra xét xử |
Ông Bạc Hy Lai nhấn mạnh: “Thực hiện việc phát triển Trùng Khánh vừa nhanh vừa mạnh cần dựa vào 2 yếu tố “hoạt” và “ổn”, tức là cố gắng sao cho các hoạt động kinh tế thương mại luôn năng động, đồng thời giữ gìn an ninh xã hội luôn ổn định. Muốn thực hiện tốt 2 điều này cần phải kiên trì và kiên quyết chống các hoạt động phi pháp, để không chỉ người dân yên tâm làm ăn sinh sống mà còn khiến các nhà đầu tư từ bên ngoài khỏi lo sợ, từ đó có lòng tin vững chắc”.
Tháng 6-2008, ông Bạc Hy Lai quyết định điều Phó Chủ tịch thành phố Cẩm Châu Vương Lập Quân về làm Giám đốc Sở Cảnh sát Trùng Khánh. Ngay sau đó, ông Vương Lập Quân đã lên kế hoạch thực hiện chiến dịch truy quét tội phạm lớn nhất trong vòng 25 năm qua ở Trùng Khánh. Chỉ trong thời gian ngắn, cảnh sát Trùng Khánh đã xử lý hơn 32.000 vụ án hình sự, phá 2 tập đoàn tội ác lớn ở Trùng Khánh, bắt giữ gần 10.000 tên xã hội đen, buôn lậu và kẻ tình nghi.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát Trùng Khánh đã phá vỡ 4 tổ chức chuyên chế tạo, buôn bán vũ khí, bắt giữ hàng trăm nghi phạm. Không dừng lại ở đây, ông Vương Lập Quân còn đưa ra yêu cầu “3 không” đối với các cơ quan chính quyền trong chiến dịch truy quét này, đó là truy quét đến cùng, không ngưng nghỉ, không giảm án cho những kẻ cầm đầu tổ chức xã hội đen và không nhận hối lộ, đồng thời kêu gọi toàn thể người dân tích cực tố cáo các hoạt động phi pháp của băng nhóm xã hội đen tại Trùng Khánh.
(Theo VIỆT ANH (Tổng hợp từ People Daily, ChinaNews) // SGGP online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com