Mỗi ngày những khuôn mặt của những ông bà nghị tham lam xuất hiện không chỉ trên trang nhất tờ The Daily Telegraph mà nhiều tờ báo khác. Không ai biết, ngoài The Daily Telegraph, vụ “trấn nước kiểu Trung Quốc” - từ của nhật báo The Guardian - này sẽ dừng lại lúc nào.
Vấn đề ngăn ngừa thâm lạm công quỹ của các ông bà nghị nước Anh đã được đặt ra cách đây chín năm. Cụ thể, năm 2000, lưỡng viện quốc hội Anh đã thông qua dự luật tự do thông tin (FIA), theo đó chính quyền có nghĩa vụ công khai chi tiêu ngân sách. Dự luật này từng được ứng cử viên Công Đảng Tony Blair hứa hẹn với cử tri năm 1997. FIA bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2005
Tháng 7: hạn chót công khai
Trong một nước có truyền thống “tôn kính chính quyền”, đây là một sự tiến bộ rõ rệt mặc dù không có nhiều tham vọng như lúc ban đầu. Năm 2007, các nhà báo và tổ chức chống tham nhũng vận dụng FIA yêu cầu ủy viên thông tin Richard Thomas thực hiện việc công khai toàn bộ chi tiêu của viện thứ dân (tức hạ viện). Trước sức ép , ngày 15-6 -2007, ông Thomas quyết định hạ viện phải công bố chi tiết cách xài tiền công quỹ của các ông bà nghị sĩ liên quan đến nhà ở của họ.
|
Tuy nhiên, các thành viên khả kính của viện thứ dân không muốn thực hiện FIA, đồng lòng kháng nghị lên tòa thượng thẩm. Ngày 16-5-2008, tòa thượng thẩm bác kháng nghị này. Các quan tòa ủng hộ quan điểm của báo chí, theo đó người đóng thuế có quyền biết các nghị sĩ xài đồng tiền mồ hôi nước mắt của họ như thế nào.
Chưa chịu thua, ngày 12-1-2009, chính phủ ông Brown đề xuất một dự luật cho phép quý vị hạ nghị sĩ được miễn trừ nghĩa vụ quy định bởi luật FIA. Người dân Anh bất bình, yêu cầu đại diện của họ bác bỏ dự luật này. David Cameron, thủ lĩnh Đảng Bảo thủ đối lập, tuyên bố đảng ông sẽ chống lại âm mưu của Công Đảng. Cuối cùng, Thủ tướng Brown phải rút lại dự luật .
Rò rỉ thông tin
Theo luật FIA, hạn cuối để công bố chi tiêu công quỹ của 646 hạ nghị sĩ là tháng 7-2009. Trong khi chờ đợi, một kho dữ liệu khổng lồ đã bị rò rỉ ra ngoài.
Tháng 3-2009, nhật báo lớn TheTimes và tờ báo khổ nhỏ The Sun tiếp một người trung gian bí mật. Người này nghe đâu chào bán tư liệu của hạ viện giá từ 70.000 bảng đến 300.000 bảng (1 bảng =28.931 đồng). Theo Stephen Glover, một chuyên gia về truyền thông Anh, hai tờ báo vừa kể thuộc tập đoàn truyền thông của nhà tỉ phú Murdoch không dám mua tài liệu chẳng phải vì chê mắc mà vì “thiếu dũng khí”. Họ sợ “ người ta dị nghị đặt bom phá hủy viện thứ dân”.
Daily Express là tờ báo thứ ba (báo khổ nhỏ chuyên đăng tin giật gân) không dám mua tài liệu nhưng có dũng khí đăng (trên số báo ra ngày 12-3-2009) tin chồng bà bộ trưởng Bộ Nội vụ mướn hai bộ phim sex về thưởng thức. Sau đó, bà bộ trưởng xin công quỹ bồi hoàn lại tiền mướn phim này. Tin này gây sốc cho mọi người, nhưng rồi cũng qua đi.
Cuối tháng 4 vừa qua, ban lãnh đạo nhật báo The Daily Telegraph - theo khuynh hướng bảo thủ - quyết định mua kho tư liệu khổng lồ chứa trong 200 DVD bao gồm hàng ngàn hóa đơn và giấy chứng minh được bộ phận kế toán của hạ viện đánh số rất cẩn thận.
Cái hay của The Daily Telegraph là chiến thuật tạo ra một hiệu ứng tối đa ngay trong ngày đầu tiên và duy trì hiệu ứng này trong một thời gian dài. Trước khi tung ra những thông tin làm choáng váng Thủ tướng Brown và các bộ trưởng, tòa soạn đã huy động hơn một chục nhà báo ban chính trị miệt mài ngày đêm xử lý thông tin hơn 10 ngày.
Ngày 8-5, tờ The Daily Telegraph bắt đầu khai hỏa. Sau đó, tờ báo đưa tin nhỏ giọt, mỗi ngày chỉ đăng 5-6 gương mặt. Và để chứng tỏ tính độc lập, trong số những gương mặt đen này có cả nghị sĩ Công Đảng lẫn nghị sĩ Đảng Bảo thủ và Đảng Dân chủ-Tự do. The Daily Telegraph không chinh chiến một mình mà ngày nào vào lúc 20 giờ cũng biếu không nội dung các trang báo nóng bỏng của mình cho các đồng nghiệp.
Chiến thuật của The Daily Telegraph thành công rực rỡ. Báo bán chạy như tôm tươi. Cả nước Anh bàn tán xôn xao chuyện các ông bà nghị sĩ lạm dụng công quỹ vì lợi ích cá nhân. Mỗi ngày người đọc hồi hộp đón xem ông bà tai to mặt lớn nào bị lên báo.
Sự giận dữ của dân chúng dâng lên từng ngày. Họ trút nỗi bực dọc vào Công Đảng trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu và hội đồng địa phương tổ chức ngày 4-6 vừa qua bằng cách tẩy chay những ứng cử viên của đảng cầm quyền.
Tự đánh mất tự hào
Vụ xì-căng-đan nói trên nổ ra đúng vào lúc toàn cầu trải qua cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhất không kém cuộc “đại khủng hoảng 1930”. Nước Anh luôn tự hào về nền kinh tế ưu việt của mình dựa vào chính sách tư hữu hóa công sản, linh hoạt và phóng khoáng hơn các nước châu Âu khác dưới sự lãnh đạo của Công Đảng từ năm 1997 tới nay. Vụ xì-căng-đan này đã đánh đổ niềm tự hào này.
Giới chính trị Anh cũng rất tự hào là “trong sạch” hơn các đồng nghiệp ở các nước châu Âu khác. Nhưng niềm kiêu hãnh này, qua vụ xì-căng-đan kể trên, cũng bị hủy hoại.
David Cameron, thủ lĩnh Đảng Bảo thủ, đã khôn ngoan tự phê bình và trừng phạt một số vị tham lam quá mức. Đảng Dân chủ-Tự do cũng thoát khỏi vũng bùn khá trầy trật. Nhưng Công Đảng thất bại nặng. Từ thủ tướng cho đến các vị bộ trưởng chính phủ đều bị The Daily Telegraph tố cáo đích danh. Hậu quả là cuối tuần qua Thủ tướng Brown phải cải tổ nội các sau khi 11 bộ trưởng từ chức, một phần vì dính líu đến xì-căng-đan, một phần do nội bộ làm loạn.
(Theo NGUYỄN CAO // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com