Theo số liệu gần đây nhất của Bộ Lao động Mỹ, năm nay, ngành luật ở nước này đã mất trên 10.000 việc làm |
Nhiều công ty luật ở Mỹ đang trả mức lương lên tới 80.000 USD mỗi năm để giữ chân luật sư trẻ, đợi kinh tế phục hồi. Trong thời gian hưởng mức lương này, các luật sư không cần phải làm việc.
Bởi thế, không ít người xem nghề luật sư ở Mỹ là nghề “ngồi mát ăn bát vàng”, xét trong bối cảnh hàng triệu người dân nước này đang phải vật lộn để tìm được một công việc.
Đối tượng được hưởng lương mà không cần làm việc trong các công ty luật ở Mỹ thời gian này là sinh viên sắp tốt nghiệp tại các trường luật. Theo thông lệ ở Mỹ, những cộng sự là sinh viên làm việc tốt tại các công ty luật trong mùa hè năm trước thường được các công ty này mời tới làm việc chính thức từ năm kế tiếp, sau khi họ ra trường. Do làm ăn không được xuôi chèo mát mái như trước trong bối cảnh suy thoái, nhưng lại cũng không muốn để “xổng” nhân tài, nhiều công ty luật Mỹ đang áp dụng chính sách đề nghị các luật sư tương lai hoãn lại thời gian tới làm việc chính thức tại công ty. Nếu chấp nhận, trong thời gian chờ đợi, những “thầy cãi” trẻ tuổi này sẽ được hưởng lương.
Chính sách này hoàn toàn khác với những gì đã diễn ra trong các lần suy thoái trước. Chẳng hạn ở đầu những năm 1990, các công ty luật ở Mỹ thường hủy bỏ lời mời tới làm việc mà họ đã đưa ra trước đó với những sinh viên sắp ra trường.
Thống kê của Above the Law, một blog chuyên về ngành luật ở Mỹ, hiện ở nước này có khoảng trên 100 công ty luật lớn (những công ty có từ 200 luật sư trở lên) trì hoãn ngày bắt đầu làm việc của một số luật sư mới ra trường mà họ nhận vào. Đa số những công ty này hoãn thời hạn trên sang năm 2010, và việc hỗ trợ tài chính cho luật sư trong thời gian trì hoãn trên là không hề rẻ chút nào.
Một số sinh viên luật năm cuối đã được đề nghị hưởng lương lên tới 80.000 USD/năm. Thậm chí, trong một số trường hợp, họ còn được hưởng đầy đủ phúc lợi như những luật sư đang làm việc trong công ty. “Các công ty muốn giữ chân những người này và không muốn để mất họ”, ông Andy Stettner, Phó giám đốc Dự án Quốc gia Việc làm ngành luật Mỹ, nói.
Trong số những công ty luật áp dụng chính sách này có những công ty luật vào hàng lớn nhất nước Mỹ như White & Case, Latham & Watkins và Skadden Arps.
Tuy nhiên, đối với những luật sư trẻ muốn bắt tay ngay vào làm việc, đặc biệt là những người đã vay nợ nhiều để đi học, chính sách giữ chân này chưa phải đã là hấp dẫn. Khoản lương cho thời gian nhàn rỗi trên nghe thì có vẻ là nhiều nhưng không chắc đã đủ để bù đắp cho chi phí sinh hoạt 1 năm ở những thành phố đắt đỏ trên đất Mỹ như New York hay Washington.
Mặc dù vậy, nhiều sinh viên vẫn tỏ ra hào hứng với chính sách nói trên của các công ty luật. Adam Rahal, một sinh viên luật 25 tuổi đang học năm thứ ba tại Đại học Pace, vừa nhận được lời đề nghị trả mỗi năm 65.000 USD từ công ty luật Shearman & Sterling ở New York. Đổi lại, ngày công ty này nhận anh vào làm việc sẽ lùi sang quý 3/2010.
“Thật tuyệt! Họ sẵn sàng bỏ từng ra từng đó tiền để giữ chân chúng tôi. Những người bạn của tôi làm trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư vừa bị sa thải. Chúng tôi thực sự may mắn”, anh Rahal nói.
Thường thì ngành luật hầu như rất ít chịu tác động từ sự đi xuống của tăng trưởng kinh tế. Nhưng lần này suy thoái này thì khác. Theo số liệu gần đây nhất của Bộ Lao động Mỹ, năm nay, ngành luật ở nước này đã mất trên 10.000 việc làm.
(Theo KIỀU OANH // vneconomy// CNN)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com