Đã gần đến giờ đóng cửa chi nhánh Ngân hàng TD ở thị trấn Wesport, bang Connecticut, Mỹ. Cửa trước mở ra, một thanh niên bước qua máy ATM để bước vào hành lang. Sau này, viên quản lý ngân hàng nhớ lại: “Tôi chào anh ta. Đó chỉ là một chàng trai bình thường”. Chàng trai bình thường đó trao cho bà ta một tờ giấy nhỏ đòi giao tiền. Đây là một vụ cướp ngân hàng.
Spero Moschos (phải), 28 tuổi, kẻ tình nghi trong một loạt vụ cướp ngân hàng
ở các hạt Westchester và Fairfield, bang Connecticut. Ảnh: CONNPOST
Cướp từ nội thành ra ngoại thành
Tội phạm nói trên vẫn còn mới nguyên thì ngay hôm sau, nó lại xảy ra một lần nữa, cũng tại ngân hàng đó, nhưng một tên cướp khác. Cảnh sát chắc chắn rằng hai tên này cùng băng với nhau.
Các thị trấn của hạt Fairfield, từ Darien đến Wilton và Westport, là nơi cư ngụ của giới thượng lưu, nhà giàu. Mùa hè 2009 này, đây còn là nơi làm ăn của hai tên cướp. Theo báo The New York Times, cảnh sát nói rằng cùng một tên cướp - và đôi khi là đồng bọn của y - đã ra tay cướp 11 ngân hàng ở các thị trấn nói trên trong thời gian từ tháng 5 đến nay. Cư dân nơi đây sửng sốt.
Do khó khăn về kinh tế? Trước tình hình các vụ cướp ngân hàng liên tục xảy ra ở bang Connecticut như vừa nêu, đại úy Conklin nhận định: “Tôi cho rằng đó là do kinh tế khó khăn”. Về vấn đề này, đặc vụ Steven Siegel của Cục Điều tra Liên bang (FBI), người phối hợp điều tra các vụ cướp ngân hàng ở New Jersey, cho biết thêm: “Hầu hết bọn cướp đều có tiền sử phạm tội”.
|
Các vụ cướp ngân hàng ở bang Connecticut đã tăng lên trong một năm qua. Tính đến ngày 19-8, ở đây đã xảy ra 20 vụ, so với 12 vụ cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, ở bang New Jersey, tính đến ngày 17-8, có 111 vụ cướp ngân hàng, so với 110 vụ năm ngoái. Riêng thành phố New York, số vụ cướp ngân hàng trong năm nay tính đến ngày 12-8 là 159, so với 244 vụ năm ngoái.
Tuy nhiên, cảnh sát cho rằng các tên cướp ngân hàng đã chuyển từ thành phố ra các khu vực lân cận. Chính quyền bang Connecticut không tiết lộ số tiền bị cướp, nhưng họ cho biết bọn cướp đã đến “viếng” các ngân hàng: ở Norwalk ngày 4-5; ở Westport 8-5, 15 và 16-5; Stamford ngày 30-5 và Darien ngày 10-6.
Ở Darien, tên cướp không lấy được gì. Một ngày sau, 11-6, y cướp một ngân hàng khác ở Norwalk; một ngân hàng ở Stamford ngày 23-6; sau đó là một ngân hàng ở Fairfield ngày 6-7. Ngày hôm sau, y quay lại Darien để cướp Citibank. Rồi ngày 23-7, một tên cướp bị tình nghi trước đó đã cướp Ngân hàng Quốc gia ở Wilton.
Chuyện rào chắn bảo vệ
Theo cảnh sát, an ninh tại ngân hàng không được bảo đảm. Để tạo ra bầu không khí thân thiện, các ngân hàng không có rào chắn bảo vệ giữa khách hàng và nhân viên. Chính điều này hấp dẫn bọn cướp.
Theo đại úy Richard Conklin thuộc Sở Cảnh sát Stamford, những tên cướp bị bắt thường nói rằng bọn chúng bỏ dở kế hoạch cướp ngân hàng khi chúng thấy ngân hàng đó có rào chắn. Ông thống kê: Ở New Jersey, năm ngoái, chỉ 12% ngân hàng bị cướp có rào chắn, tức 24 trong số 195 ngân hàng. Và điều đó giải thích lý do các vụ cướp ngân hàng chuyển ra ngoại thành. Đặc vụ Siegel nhận xét: “Những nơi thường có rào chắn chống cướp là ở khu vực thành thị. Khi nhận thấy khó làm ăn, bọn cướp có khuynh hướng chuyển ra ngoại thành”.
Thế nhưng, David Flaherty, phát ngôn viên của Ngân hàng TD, không đồng tình: “Không phải tất cả mọi nhân viên đều có thể được bố trí phía sau các rào chắn. Chúng tôi tin chắc rằng rào chắn chống cướp khiến cho các nhân viên và khách hàng gặp nguy hiểm”.
(Theo NGÔ SINH // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com