Trong xã hội hiện đại, thẻ tín dụng (credit card) đã trở thành phương tiện phổ biến trong các giao dịch thanh toán, chi trả. Thẻ tín dụng cũng trở thành môi trường cho không ít các hoạt động gian lận và lừa đảo nếu người sử dụng không cảnh giác sử dụng những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu…
Các loại thẻ tín dụng đang thịnh hành. |
Lịch sử của thẻ tín dụng
Ý tưởng về việc sử dụng thẻ tín dụng để trả tiền mua hàng hóa lần đầu tiên được nhắc tới trong văn học qua truyện viễn tưởng Looking Backward của nhà văn Edward Bellamy (1850 - 1898).
Năm 1928, hãng Farrington Manufacturing Co tại Boston bắt đầu sản xuất loại thẻ có tên Charge-Plate – một tấm kim loại hình chữ nhật có kích thước 63mm x 35mm. Trên thẻ được dập sẵn tên chủ sở hữu, tên thành phố, bang và một số thông tin khác, nhưng lại không có địa chỉ. Những tấm thẻ này được các cửa hàng lớn cung cấp cho các khách hàng quen biết của mình: khi chi trả tiền hàng hóa, người bán hàng ép thẻ qua một thiết bị đặc biệt, những chữ cái và con số trên thẻ được in lên hóa đơn tính tiền để sau đó gửi tới ngân hàng khấu trừ trong tài khoản.
Nhưng ý tưởng chỉ cần dùng một tấm thẻ để thanh toán với nhiều nhà bán hàng khác nhau lại thuộc về 3 nhân vật là Ralph Sneider, Frank McNamara và Alfred Bloomingdale. Sau một bữa ăn tối bàn công chuyện tại nhà hàng Major’s Cabin Grill (New York), McNamara mới phát hiện ra mình không mang theo đủ tiền. Ông đã phải gọi điện cho vợ cấp tốc mang tiền tới thanh toán để tránh bị bẽ mặt. Thế là để tránh rơi vào những tình huống bất tiện như trên, McNamara đã nghĩ ra hình thức thẻ tín dụng và thảo luận với chủ nhân nhà hàng Major’s Cabin Grill về việc, họ sẽ nhận những chiếc thẻ chữ nhật có dòng chữ Diners Club để thay cho tiền mặt.
Ngày 8-2-1949 đã diễn ra một sự kiện trong lịch sử thẻ tín dụng gọi là “Buổi tối đầu tiên”, khi Frank McNamara và Ralph Sneider lần đầu tiên chi trả bằng thẻ tín dụng. Cũng trong năm này, hai nhân vật trên đã sáng lập ra công ty Diners Club International. Và, loạt thẻ tín dụng đầu tiên – được 27 nhà hàng lớn tại New York thỏa thuận tiếp nhận – đã được McNamara và Sneider cung cấp cho khoảng 200 bạn bè và người thân. Thẻ tín dụng nhanh chóng trở nên phổ biến. Đến cuối năm 1950, số lượng người sở hữu thẻ “Diners Club” đã lên tới 20 ngàn.
Tháng 9-1958, Bank of America phát hành BankAmericard, loại thẻ tín dụng hiện đại thành công đầu tiên, trên cơ sở đó đã hình thành hệ thống thanh toán VISA. Năm 1966, bản quyền sản xuất thẻ BankAmericard được chuyển giao cho một loạt các ngân hàng khác. Cũng trong năm 1966, một vài ngân hàng tại California do không muốn “núp bóng” Bank of America (khi đó đã trở thành thủ lĩnh trong lĩnh vực này) đã cùng nhau liên kết tung ra loại thẻ Master Charge, tiền thân của loại thẻ MasterCard nổi tiếng ngày nay. Loại thẻ này phát triển rất nhanh, khi có thêm Everything Card của Citibank cùng gia nhập vào hệ thống.
Còn tiên phong về phát hành thẻ tín dụng tại cựu lục địa chính là nước Anh với việc tung ra Barclaycard vào năm 1966. Ban đầu thẻ tín dụng còn được phân chia theo chức năng: các thẻ thông thường có thể đi mua sắm tại cửa hàng, còn loại T&E (Travel & Entertainment) còn có thể chi trả trong các khách sạn và nhà hàng.
Trò gian lận liên quan đến thẻ tín dụng
Thẻ tín dụng ra đời với mục đích đem lại sự thuận tiện và bảo vệ cho tiền bạc của chúng ta. Nhưng trên thực tế chúng trở thành đối tượng của không ít trò gian lận và lừa đảo. Hình thức gian lận đầu tiên chính là làm thẻ giả. Để đối phó với nguy cơ này, các ngân hàng đã sử dụng nhiều hình thức bảo vệ khác nhau từ đơn giản đến phức tạp: đầu tiên là in chữ nổi, các ký hiệu đặc biệt, những dấu hiệu nhận dạng tinh vi và gần đây nhất là những hình ảnh chỉ có thể nhìn thấy nhờ tia cực tím.
Một số ngân hàng còn sử dụng các hệ thống chuyên gia có vai trò đánh giá những hành vi giao dịch thẻ đáng ngờ thông qua những dữ liệu đã thống kê trước đó về thói quen tiêu dùng và đặc điểm của chủ sở hữu.
Năm 1987, những vụ lừa gạt thông tin cá nhân trên mạng có tên gọi là phishing. Bọn lừa đảo tìm nhiều cách để lừa cho chủ thẻ tiết lộ những thông tin quan trọng – số thẻ, mật khẩu, dữ liệu về tài khoản ngân hàng v.v… thông qua điện thoại hay qua mạng máy tính.
Phương pháp phổ biến thứ hai có tên skimming – một hình thức lén lút đọc thông tin trong thời gian khách hàng chi trả tiền dịch vụ hay từ một máy rút tiền tự động (ATM) đã bị gắn một thiết bị đọc thẻ bí mật. Những thiết bị đọc thẻ ngày nay có thể dễ dàng che giấu vì kích thước nhỏ, nhưng chúng có bộ nhớ đủ để lưu dữ liệu của hàng trăm thẻ tín dụng khác nhau. Chúng có thể đọc thông tin dễ dàng trong dải từ của thẻ, nếu như không được bảo vệ bằng một loại chip đặc biệt. Những thông tin thu được sẽ được bọn tội phạm sử dụng để chế tạo một chiếc thẻ tương tự có thể rút tiền của nạn nhân. Cũng còn một phương pháp lấy thẻ tín dụng từ ATM đơn giản nhưng không kém phần hiệu quả – đó là gắn thêm một dụng cụ tự chế vào khe đút thẻ để giữ lại thẻ tín dụng mà người ta hay gọi là “bị nuốt thẻ”. Khi nạn nhân bỏ đi để liên hệ lấy thẻ đã bị nuốt, bọn tội phạm có thể nhanh chóng lẻn vào lấy thẻ ra.
Những vụ án đáng chú ý
Phiên tòa đầu tiên xét xử một tên gian lận kiểu phishing diễn ra tại California (Mỹ) vào năm 2004. Bị cáo là một thanh niên đã dựng lên một trang web giống hệt như trang của America Online nhằm thu thập thông tin trái phép về các thẻ tín dụng. Năm 2005, cảnh sát Brazil đã bắt giữ Valdir Paulo de Almeida, ông trùm một trong những nhóm lừa đảo kiểu phishing lớn nhất, trong vòng 2 năm đã lấy được tổng cộng 37 triệu USD của các chủ thẻ tín dụng. Năm 2007, tòa án California đã tuyên án 70 tháng tù đối với Jeffrey Gudin, kẻ đã giả danh một nhân viên AOL gửi hàng ngàn yêu cầu cung cấp thông tin về thẻ tín dụng cho các khách hàng của hãng.
Cũng trong năm 2007, tòa án tại Anh đã phán quyết mức án từ 3 đến 6 năm tù dành cho các thành viên của nhóm lừa đảo phishing do một người gốc Nga tên Roman Zykiny đứng đầu. Cảnh sát khi điều tra đã phát hiện trong ổ cứng các máy tính của nhóm tội phạm này dữ liệu về khoảng 32 ngàn thẻ tín dụng khác nhau. Thiệt hại do nhóm này gây ra theo những đánh giá khiêm tốn nhất cũng lên tới 34 triệu USD.
(Theo Hồng Sơn (Tổng hợp) // SGGP online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com