Thường đưa các nhà ngân hàng và quan chức chính phủ vào tù nên toà án độc lập chuyên xét xử tham nhũng trở thành vũ khí lợi hại trong cuộc chiến chống quan tham ở Indonesia.
Toà án chuyên trách tham nhũng xét xử các cựu quan chức Ngân hàng TƯ ngày 17/6 |
Hãng tin Reuters cho rằng một số chính trị gia Indonesia sợ toà án chống tham nhũng và đang tìm mọi cách đóng cửa cơ quan độc lập này.
“Cuộc chiến chống tham nhũng còn lâu mới có thể kết thúc, nhưng ít nhất công chúng cũng có thể chứng kiến nó đang đi đúng hướng”, Emerson Yuntho thuộc cơ quan Giám sát Tham nhũng Indonesia (ICW) cho biết.
Ra đời năm 2004 và nằm tại trung tâm thủ đô Jakarta, toà án chống tham nhũng được trao nhiều đặc quyền giúp nó có hiệu quả hơn trong việc trừng phạt tội tham nhũng nếu so với những gì mà hệ thống toà án thông thường ở Indonesia từng làm được.
|
Được trang bị bởi kho dữ liệu bằng chứng từ Ủy ban chống Tham nhũng Indonesia (KPK), toà án chống tham nhũng đạt tỷ lệ kết án lên tới 100 phần trăm. Theo ICW, mức án trung bình mà toà án chuyên trách tham nhũng đã tuyên với các bị cáo là khoảng bốn năm tù.
Trong khi đó, các toà án không chuyên trách khác tỏ ra khoan dung hơn trong những vụ án tham nhũng. Năm 2008, có tới 62 phần trăm vụ cáo buộc tham nhũng được thoát tội tại các toà án không chuyên trách; tăng lên từ 57 phần trăm của năm 2007 và 31,4 phần trăm của năm 2006.
Theo ICW, mức án cho tội tham nhũng do các toà án không chuyên trách đã tuyên trong những năm qua cũng thường nhẹ hơn, với mức trung bình chỉ dưới sáu tháng tù.
Hàng loạt quan chức cấp cao, những người từng được xem như không ai có thể đụng vào, lại bị toà án chống tham nhũng kết án, bao gồm cả cựu Thống đốc tỉnh Aceh, ông Abdullah Puteh và công tố viên hàng đầu Urip Tri Gunawan, người nhận tiền một nhà tài phiệt để làm sai lệch vụ án...
Một số quan chức cấp cao của ngân hàng trung ương bao gồm cựu Thống đốc Burhanuddin Abdullah cũng là bị cáo của toà án chống tham nhũng. Gần đây nhất, ngày 17/6, cựu Thống đốc ngân hàng trung ương Aulia Pohan, em rể của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono, bị toà án chống tham nhũng kết án 4,5 năm tù vì nhận khoản chi trả bất hợp pháp từ một số nghị sĩ. Toà án chuyên trách tham nhũng cũng kết án tám thành viên Quốc hội và một số nghị sĩ khác sắp phải ra toà.
Sau vụ việc trên, một số người hoài nghi việc Quốc hội trì hoãn việc thông qua dự luật để đảm bảo toà án chống tham nhũng tiếp tục tồn tại. Tuy nhiên, bà Dewi Asmara, Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt của Quốc hội bàn thảo về dự luật trên, lên tiếng bác bỏ điều này.
Tổng thống Yudhoyono, người được bầu năm 2004, cũng bày tỏ quyết tâm chống tham nhũng và đang muốn nâng cao uy tín để có thể tái đắc cử trong cuộc bỏ phiếu ngày 8/7 tới. Việc em rể Tổng thống Yudhoyono bị kết án càng chứng tỏ quyết tâm của ông trong cuộc chiến cam go này.
(Theo Tienphong Online/Reuters)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com