Tổng giám đốc tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc CNNC Kang Rixin (giữa) tại một lễ ký kết hợp tác với tập đoàn công nghệ ENUSA (Tây Ban Nha, trước khi bị bắt vì tham nhũng 1,8 tỉ nhân dân tệ. Ảnh: Website ENUSA. |
Từ khi bắt đầu cải cách vào năm 1978, năm nào Trung Quốc cũng phát động chiến dịch chống tham nhũng, nhưng có nhiều lý do để tin rằng năm nay đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ dành nhiều nguồn lực hơn cho chiến dịch này.
Tuy vậy vẫn còn nỗi hoài nghi rằng, liệu chính quyền Trung Quốc có đi một bước xa hơn, đưa ra cơ chế kiểm tra và cân bằng cũng như cho phép sự tìm hiểu của báo chí và các cơ quan chống tham nhũng hoạt động độc lập nhằm xóa bỏ tai họa tham nhũng và những tệ nạn liên quan hay không.
Làm trong sạch bộ máy điều hành và xây dựng đảng là chủ đề chính của hội nghị toàn thể lần thứ 4 ban chấp hành trung ương ĐCSTQ khóa 17 sẽ họp vào cuối tháng 9 này.
Theo tuần báo Trung Quốc, Outlook Weekly, các quan chức ĐCSTQ “hiểu rõ” tham nhũng trong cán bộ đảng viên “đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của đảng… và chính hiện tượng này là cái mà quần chúng bất mãn nhất”. Tờ tạp chí lý luận này cho biết, hội nghị trung ương sẽ khuyến nghị “những sự sắp xếp về thể chế để đáp ứng kỳ vọng của công chúng”, chẳng hạn như những biện pháp nghiêm khắc hơn về công khai tài sản của các quan chức đảng và chính phủ.
Những con cá mập sa lưới
Đáng lưu ý là trong vòng một năm qua, tháng nào ở Trung Quốc cũng có ít nhất một quan chức cấp thứ trưởng trở lên bị tóm cổ vì “tội kinh tế”. Nổi bật nhất trong số đó là thứ trưởng Bộ Công an Zheng Xiaodong (Trịnh Hiểu Đông); giám đốc dự án nhiều tỉ đô la Khu phát triển Bình Hải ở Thiên Tân Pi Qiansheng; thị trưởng thành phố Thâm Quyến Xu Zongheng và phó chủ tịch Tòa án nhân dân tối cao Huang Songyou.
Trong giới kinh doanh, tổng giám đốc mới nhất bị sờ gáy là Kang Rixin, bí thư đảng bộ kiêm tổng giám đốc tập đoàn Hạt nhân quốc gia Trung Quốc. Là ủy viên trung ương ĐCSTQ, ông Kang là một trong 204 người quyền lực nhất nước. Theo Tân hoa xã, ông Kang đã chiếm đoạt một cách bất minh 1,8 tỉ nhân dân tệ (260 triệu đô la Mỹ).
Cùng thời điểm này, ông Li Peiying (Lý Bồi Anh) và ông Chen Tonghai (Trần Đông Hải), sếp của hai doanh nghiệp nhà nước lớn, người thì bị tử hình, người bị án tử hình treo lại. Ông Li là chủ tịch Công ty cổ phần sân bay thủ đô, còn ông Chen là tổng giám đốc điều hành tập đoàn Hóa dầu quốc gia Sinopec.
Thứ trưởng Bộ Công an Trịnh, cùng với nhiều quan chức cấp cao khác, kể cả ông Chen Shaoji, Chủ tịch Hội nghị chính hiệp tỉnh Quảng Đông, bị tống giam đầu năm nay vì tội tiếp tay cho Huang Guangyu (Hoàng Quang Du), chủ tịch tập đoàn bán lẻ hàng điện máy Gome. Ông Hoàng, 39 tuổi, cho đến gần đây vẫn được coi là người giàu nhất Trung Quốc.
Một hiện tượng đáng chú ý khác là ĐCSTQ có vẻ như đang muốn trấn áp các tổ chức tội phạm và sự câu kết giữa các băng đảng này với cán bộ cấp cao, kể cả các quan tòa. Đầu mùa hè vừa qua, tại thành phố Trùng Khánh, ba “tỉ phú mafia” là Li Qiang, Chen Mingliang và Gong Gangmu, đã bị công an tóm cổ. Cả ba đều là các “nhà doanh nghiệp” lão luyện và có quan hệ chính trị rộng rãi, thậm chí còn nổi tiếng nhờ làm từ thiện. Theo người đứng đầu ngành cảnh sát Trùng Khánh, ông Wang Lijun, “một cuộc đấu tranh chống các băng đảng tội phạm đã bắt đầu” và các cơ quan thực thi pháp luật “sẽ truy cho ra kẻ nào đã che chở và bảo vệ bọn tội phạm”.
Thế nhưng, từ phát biểu của ông Wang, người ta đặt câu hỏi là làm sao mà ông Li và những ông trùm như vậy lại có thể được lãnh đạo thành phố không để mắt tới, nhất là ở Trùng Khánh, một thành phố thuộc trung ương có quy chế hành chính ngang với Bắc Kinh và Thượng Hải và người đứng đầu phải là một ủy viên bộ chính trị ĐCSTQ.
Nỗi hoài nghi còn đó
Bất chấp quyết tâm của lãnh đạo Trung Quốc, vẫn có nỗi hoài nghi rằng Trung Quốc có muốn hoặc có thể thực thi những cuộc cải cách chính trị và thể chế để chống tham nhũng hay không. Dường như Trung Quốc vẫn chưa muốn công khai tài sản và hoạt động của các quan chức hàng đầu - và con cái họ - ra trước sự xem xét của công chúng. Một ví dụ là trường hợp của ông Hu Haifeng (Hồ Hải Phong), 38 tuổi, con trai của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Cho đến cuối năm ngoái, Hồ Hải Phong lãnh đạo Công ty Nuctech - nhà sản xuất máy quét công nghệ cao. Tháng trước, công ty này bị cơ quan chống tham nhũng của chính phủ Namibia ở châu Phi tố cáo đã dùng cách hối lộ và những thủ đoạn bất minh để giành một hợp đồng trị giá 55,3 triệu đô la Mỹ. Chưa có chứng cớ cho thấy ông Hồ Hải Phong - nay đã được đề bạt lên lãnh đạo tập đoàn Thanh Hoa, quản lý khoảng 30 công ty - biết tới hay dính dáng vào vụ xì căng đan này và chính quyền Namibia cũng chỉ yêu cầu thẩm vấn ông ta với tư cách nhân chứng.
Theo nghị quyết mới nhất của bộ chính trị ĐCSTQ, chương trình nghị sự chính của hội nghị trung ương lần thứ 4 sắp diễn ra là “nghiên cứu vấn đề củng cố và cải thiện xây dựng đảng trong hoàn cảnh mới”. Ngoài việc “nâng cao trình độ và năng lực điều hành của bộ máy lãnh đạo”, ưu tiên hàng đầu của chủ tịch Hồ Cẩm Đào là “nâng cao khả năng [của cán bộ] chống lại tham nhũng, ngăn ngừa thoái hóa biến chất và xử lý những rủi ro bất ổn”. Tuy nhiên, tất cả những điều đó phụ thuộc vào một điều cốt lõi: ĐCSTQ có chứng tỏ được cho người dân - và cho thế giới - thấy họ có khả năng tiêu diệt tham nhũng thông qua những biện pháp mạnh, kể cả việc công khai hóa hành vi của các quan chức cao cấp nhất và con cái họ hay không.
(Theo Huỳnh Hoa // Thời báo kinh tế Sài Gòn // Asia Times)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com