Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Buôn lậu đến “hẹn”… lại bùng phát

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng nhập lậu - tinkinhte.com
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng nhập lậu. Ảnh: Hữu Tuấn
Nạn buôn lậu, hàng nhái, hàng giả diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng đột biến trong tháng cận Tết Canh Dần.
 
Hàng tiêu dùng: "tiêu điểm" của hàng lậu!

Nắm bắt nhu cầu hàng hoá cuối năm có sức tiêu thụ lớn, tập trung vào nhu yếu phẩm, nên buôn lậu chủ yếu là những mặt hàng tiêu dùng như: bia, rượu, nước giải khát, thực phẩm tươi sống.

Tại miền Bắc, đến thời điểm này, các mặt hàng từ biên giới đưa về nhiều nhất là thịt lợn, gà, trứng gia cầm… Những mặt hàng này chủ yếu được vận chuyển lậu qua đường tiểu ngạch tại đường biên giới các tỉnh như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai… và đều không rõ xuất xứ, không có dấu kiểm dịch.

Ông Thành Kiên Trung, Đội trưởng Đội chống buôn lậu (PC 14, Công an TP. Hà Nội) cho biết, những tháng cuối năm 2009, lực lượng chức năng đã phát hiện hàng chục vụ vận chuyển thực phẩm ướp lạnh và thịt "bẩn". Với xu hướng số vụ ngày càng gia tăng, rất có thể, đây sẽ là mặt hàng "trọng điểm" của giới buôn lậu trong những ngày áp Tết.

Mới đây, lực lượng chống buôn lậu đã kiểm tra tại Ga Việt Trì phát hiện trên chuyến tàu hỏa chạy từ Lào Cai về Hà Nội, chở hơn 5 tấn hàng nhập lậu. Tại thời điểm kiểm tra, số hàng trên tàu hỏa số hiệu LC2 (gồm thực phẩm ướp lạnh, nấm ăn các loại, giày, dép, quần áo, vải) đều không có hóa đơn chứng từ, không có chủ hàng. Tại Hà Nội, vào trung tuần tháng 12, lực lượng chức năng còn phát hiện 2 lô lớn quần áo, giày dép (trị giá hơn 400 triệu đồng) do Trung Quốc sản xuất, không có hoá đơn chứng từ.

Ở các tỉnh miền Trung, các điểm giáp biên giới cửa khẩu như Cầu Treo, Lao Bảo, Cha Lo…, hàng lậu nóng chủ yếu ở một số mặt hàng nước giải khát, rượu bia, đường và sữa. Những mặt hàng này có xuất xứ chủ yếu từ Thái Lan, Trung Quốc, được vận chuyển trái phép qua đường biên giới để trốn thuế.

Với hàng chục vụ buôn lậu bị phát hiện trong tháng 12/2009, TP.HCM trở thành địa phương "nóng" nhất nước về buôn lậu dịp cuối năm. Hàng lậu tung hoành tại TP.HCM dịp này chủ yếu là mỹ phẩm, quần áo, vải.

Với hàng mỹ phẩm, mới đây, cơ quan chức năng kiểm tra Chi nhánh Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Kim Thủy (quận 10, TP.HCM) phát hiện công ty này chứa trữ, sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm thuộc hàng nhập lậu, hàng giả với số lượng 8.000 hộp kem dưỡng da, kem trang điểm, sữa tắm… mang nhãn hiệu của Malaysia, Thái Lan, Đài Loan cùng hơn 1 tấn bao bì, giấy hướng dẫn sử dụng. Với mặt hàng quần áo, vải, cơ quan chức năng vừa phát hiện hơn 10 tấn vải, gần 30.000 m2 vải ngoại nhập lậu không rõ hoá đơn chứng từ, tập trung tại quận Bình Tân và Tân Phú (TP.HCM).

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Theo mô tả của Ban chỉ đạo 127 TP. Hà Nội, thời gian cuối năm, thủ đoạn buôn lậu động vật tươi sống hết sức tinh vi và phức tạp. Đối với mặt hàng tươi sống, chúng được đưa vào trại gà nào đó để "trộn" với gà trang trại, sau đó bán ra thị trường thành gà trong nước. Còn thịt "bẩn" như nội tạng động vật, gia súc, chân gà, mỡ đông lạnh… được "tập kết" về các vùng giáp ranh Hà Nội như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc…, sau đó được "xé lẻ", dùng xe ôm vận chuyển vào nội thành để tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng.

Tại An Giang, một trong những thủ đoạn được giới buôn lậu áp dụng phổ biến là thay nhãn mác hàng hoá không có xuất xứ bằng… bao bì Việt Nam để vận chuyển. Thậm chí, những đối tượng này còn "chế" ra các hóa đơn tài chính, phiếu xuất kho, các thủ tục giấy tờ  "mua hàng thanh lý" của Việt Nam

Một "chiêu" khác mà giới buôn lậu TP.HCM áp dụng phổ biến thời gian gần đây là nhập khẩu hàng cấm, khai báo sai mặt hàng để hưởng mức thuế suất thấp, hoặc nhập hàng cấm.

Còn tại Đà Nẵng, chỉ trong vòng nửa tháng ra quân cuối năm, Ban chỉ đạo 127 TP. Đà Nẵng đã xử lý 247/275 vụ. Hầu hết vi phạm rơi vào các cơ sở chế biến, kinh doanh, siêu thị, chợ, tổng đại lý, kho hàng bến bãi và các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa. Những thủ đoạn phổ biến là dùng tem giả, giả nhãn mác, hàng lậu, hàng nhái, kém chất lượng. Nhiều vụ việc được phát hiện như cất giấu trong bao gói cùng với hàng nhập khẩu chính ngạch, dùng các loại hóa đơn bán hàng khuyến mãi, đấu giá nhằm hợp thức hóa hàng lậu, cất giấu hàng lậu trong nhóm hàng hóa không kiểm tra.

Phát biểu tại buổi làm việc với UBND TP. Hà Nội cuối tuần qua, ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công thương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 127/TW cho biết, một số địa phương trong cả nước đã thực hiện tốt việc kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng trên thị trường, trong đó công tác chống buôn lậu được đặt lên hàng đầu. "Việc kiểm tra, kiểm soát này sẽ được thực hiện từ nay đến sau Tết Canh Dần, tập trung vào việc ngăn chặn nguồn hàng ngay từ các cửa khẩu, biên giới", ông Tú cho biết.

(Theo Hữu Tuấn // Báo đầu tư)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%