Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Các dự án “treo” ở Hà Nội: liệu có xử lý triệt để ?: Nghịch lý lớn

(HNM) - Thực hiện chủ trương phát triển CN, khu đô thị, hàng nghìn hécta đất "bờ xôi, ruộng mật" nhiều năm gắn bó với các hộ nông dân đã được bàn giao cho các doanh nghiệp (DN). Ấy vậy mà nhiều lô đất đã có "chủ" từ lâu, nhưng nay vẫn bị bỏ hoang hoặc sử dụng không hiệu quả khiến nhân dân hết sức bức xúc.


Bãi đất rộng của Công ty cổ phần Xây dựng miền Tây được quây lưới.

 Thực hiện chủ trương phát triển CN, khu đô thị, hàng nghìn hécta đất "bờ xôi, ruộng mật" nhiều năm gắn bó với các hộ nông dân đã được bàn giao cho các doanh nghiệp (DN). Ấy vậy mà nhiều lô đất đã có "chủ" từ lâu, nhưng nay vẫn bị bỏ hoang hoặc sử dụng không hiệu quả khiến nhân dân hết sức bức xúc.

Mất đất - nông dân thất nghiệp

Trong khi các bộ, ngành trung ương đang nỗ lực đưa ra các biện pháp bảo vệ đất trồng lúa thì hàng nghìn hécta lúa trước đây của các huyện ngoại thành Hà Nội như Mê Linh, Chương Mỹ, Thường Tín, Sóc Sơn, Quốc Oai, Hoài Đức… dành cho phát triển công nghiệp đang bị DN để hoang hóa. Nhìn dự án (DA) của Công ty TNHH nhà nước một thành viên Thuốc lá Thăng Long (rộng hơn 14 ha) cỏ mọc um tùm, ông Lê Văn Liên, thôn Ngô Sài, thị trấn Quốc Oai ruột, gan như xát muối. Ông Liên bức xúc: "Chúng tôi không thể ngờ rằng những thửa ruộng màu mỡ của mình trước đây nay lại bị bỏ hoang phí thế này. Chúng tôi càng xót xa mỗi khi qua đây nhìn cảnh "cơm treo, mèo nhịn đói". Rồi đây không biết cuộc sống của con em chúng tôi sẽ ra sao khi không còn đất canh tác, không có việc làm".

Bí thư Đảng ủy thị trấn Quốc Oai Vũ Danh Tuấn cũng bức xúc khi trao đổi: Gần 5 năm qua, hơn 20 DA vào khu CN Thạch Thất -Quốc Oai đã lấy 72ha đất "bờ xôi, ruộng mật" của dân, đó là chưa kể các DA lẻ khác, nhưng đến nay, các DN mới chỉ giải quyết việc làm được cho hơn hai trăm lao động. Hàng nghìn lao động nữa ở địa phương sau khi bàn giao đất đang thiếu việc làm hoặc không ổn định. Cũng theo ông Tuấn, do các DN vào địa bàn từ năm 2005 nhưng nay vẫn bỏ đất hoang, không xây dựng nhà xưởng làm cho uy tín của đội ngũ cán bộ từ thị trấn đến tổ dân phố bị giảm sút, khi bị dân cho rằng "cán bộ nói không đi đôi với làm". Cùng hoàn cảnh với thị trấn Quốc Oai, hàng nghìn người dân xã Ngọc Liệp, Yên Sơn cũng rất bất bình trước tình trạng các DN được giao đất nhưng nay vẫn bỏ hoang. Chủ nhiệm HTX Đồng Bụt Nguyễn Hữu Hiếu cho biết, toàn thôn Đồng Bụt hiện đã mất 1/3 diện tích đất canh tác (100 mẫu), liên quan đến 408 hộ có đất để xây dựng cụm CN. Trong thôn có 70/513 hộ mất từ 50-100% diện tích đất nông nghiệp. Tuy nhiên, đến nay cũng mới chỉ có khoảng 50 lao động của thôn được nhận vào làm tại các DN, 800 lao động sau khi bàn giao đất đang phải tự kiếm việc làm, cuộc sống người dân đang gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh huyện Quốc Oai, huyện Hoài Đức cũng có số lượng DA đầu tư vào nhiều, điều này đồng nghĩa với việc diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp. Hiện một số xã cơ bản hết đất nông nghiệp như Lại Yên, Kim Chung, Vân Canh, An Khánh. Theo đánh giá của UBND huyện Hoài Đức, vẫn còn một số DN được giao đất nhiều năm nay vẫn "đắp chiếu" để đấy trong khi nông dân thì không có đất canh tác. Đến nay mới chỉ có khoảng 20% nông dân ở huyện sau khi mất đất tìm kiếm được việc làm ổn định (chủ yếu là lao động dưới 35 tuổi), số còn lại hoặc có việc làm không ổn định, hoặc thất nghiệp. Ông Nguyễn Văn Lục, xã An Khánh bức xúc, gia đình ông đã bàn giao 6 sào ruộng của gia đình cho Nhà nước, ấy vậy mà nay đất vẫn để cỏ mọc. Từ ngày mất đất, cuộc sống gia đình ông xáo trộn hẳn. Số tiền ngày ấy được đền bù hơn 26 triệu đồng/sào gia đình ông đã dùng xây nhà và mua sắm một số đồ dùng sinh hoạt nay cũng đã hết. Ông Lục nhẩm tính: "Nếu còn 6 sào ruộng, mỗi năm gia đình tôi cũng thu khoảng 2 tấn thóc, nay mất ruộng phải ăn đong từng ngày, tôi thấy cuộc sống cơ cực quá". Tìm hiểu tại xã An Khánh, từ năm 2000 đến nay, hơn 500 ha đất nông nghiệp của xã đã bàn giao phục vụ phát triển CN, đô thị (hiện 4/5 thôn của xã không còn đất nông nghiệp), kéo theo đó là khoảng 5 nghìn lao động trong xã rơi vào cảnh thiếu việc làm. Theo lãnh đạo xã này, số lao động được tuyển dụng vào làm việc tại các DN trên địa bàn chỉ chiếm6% so với tổng số lao động trong độ tuổi, thu nhập bình quân 1-1,4 triệu đồng/người/tháng; số còn lại đang phải tự kiếm việc làm bằng đủ thứ nghề mộc, nề, chạy chợ... không ổn định.

Gánh nặng cho chính quyền

Trước khi các DN đầu tư vào các khu, cụm CN huyện Quốc Oai nói riêng và toàn TP nói chung đều "hứa" sẽ tuyển dụng lao động địa phương vào làm việc, nhưng nay số lao động được tuyển dụng quá ít. Với nhiều lý do mà các DN viện ra khi tuyển lao động vào làm việc như: Lao động phải trẻ, tốt nghiệp THPT trở lên, có tay nghề, độ tuổi không quá 35… hoặc có nơi lao động được nhận vào làm thì DN không bảo đảm đủ việc. Những người nông dân vốn chỉ quen với việc đồng áng, trình độ văn hóa hạn chế nếu không được đưa đi đào tạo nghề thì quả là đánh đố. Theo một vị lãnh đạo huyện Mê Linh, đa số các hộ ở nông thôn đều khó khăn nên sau khi có tiền đền bù là họ xây nhà và mua sắm một số đồ dùng sinh hoạt gia đình, số hộ dùng tiền đền bù đầu tư cho con cái học nghề rất ít. Không những thế, để xây được nhà, nhiều hộ phải vay thêm tiền ngân hàng, nay thiếu việc làm, họ đã trở thành "con nợ".

Thực tế cho thấy, lao động nông nghiệp khi mất đất mà không chuyển được nghề thì thu nhập của họ giảm sút đáng kể, dẫn đến mức tăng trưởng kinh tế ở khu vực nông thôn sẽ giảm theo. Để giảm bớt gánh nặng cho người dân mất đất, những năm qua, cùng với việc hỗ trợ nông dân chuyển nghề mới, giới thiệu người lao động tại các cơ quan, DN xây dựng trên đất đã thu hồi hoặc tạo điều kiện cho họ đi xuất khẩu lao động; một số lao động được bố trí học nghề may, mây giang đan, chổi chít, điện, mộc dân dụng… Riêng các cấp Hội Nông dân TP, từ đầu năm đến nay đã tổ chức được 309 lớp dạy nghề cho gần 14.000 hội viên nông dân. Tuy nhiên, đến nay số lao động được giải quyết việc làm vẫn chiếm tỷ lệ quá ít (khoảng 20-25% tùy từng địa phương), số lao động mất đất thiếu việc làm vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn.

Một trong những nguyên nhân khiến số lao động thuộc diện thu hồi đất thiếu việc làm là do công tác đào tạo nghề hiện nay chưa dựa trên nhu cầu thị trường; lao động chưa học những nghề mà DN cần, họ chủ yếu học nghề họ thích nên không thể đứng chân vào DN. Điều đáng nói, các DN đầu tư vào các huyện ngoại thành này cũng chưa phối hợp với địa phương để đào tạo tay nghề cho người lao động. Hậu quả là chất lượng đào tạo không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng và cuối cùng thiệt thòi vẫn là người nông dân. Bị thu hồi đất phục vụ phát triển CN, đô thị… hàng chục nghìn hộ nông dân trên địa bàn TP Hà Nội lâm vào cảnh thất nghiệp. Cuộc sống "chân lấm, tay bùn" trước đây đã khó khăn, nay lại còn khó khăn hơn khi chính họ lại không đủ điều kiện tìm kiếm cho mình một công việc mới.

 

(Theo HNM)

  • Bán ô tô, xe máy: Không trung thực sẽ bị ấn định thuế
  • Sẽ có tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục độc lập
  • Xử phạt một công ty 50 triệu đồng
  • Ngành Thuế : Hướng tới DN
  • Hơn 90% dòng thuế được cam kết cắt giảm đã có hiệu lực
  • Loay hoay xử lý dự án “đất vàng”
  • Hàng xóm không thuận thì sao?
  • Gia tăng tình trạng lao động bỏ trốn tại Đài Loan?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%