Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Chiêu” mới lừa đảo xuất khẩu lao động sang Singapore

Đứng tên trong hợp đồng không phải là công ty mà là cá nhân, tuyển lao động tay nghề thấp với mức lương “khủng”, nơi tiếp nhận là nhà hàng, khách sạn ở Singapore…Đây là những “chiêu” lừa đã khiến hàng chục lao động tại các tỉnh nghèo sập bẫy.

Anh Hải (bìa phải) và hàng chục lao động đã sập bẫy “bánh vẽ” xuất khẩu lao động sang Singapore. Ảnh: T.V.

Chi hơn 4.000 USD để vào… trại giam

Anh Trần Văn Hải, thôn Lâm Phú, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân cho biết, cuối năm 2009, anh được anh Nguyễn Tiến Lãm, thôn Lâm Hoa, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân đến nhà giới thiệu chương trình đi xuất khẩu lao động sang Singapore.

Ngày 21-12-2009, anh Hải được anh Lãm đưa ra Hà Nội giới thiệu với bà Nguyễn Thị Ngọc Lan và ông Vũ Văn Nam, chi nhánh Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Sơn La (78AF3, Khu đô thị Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội). Anh Hải được giới thiệu sẽ làm việc trong nhà hàng, khách sạn ở Singapore, tổng chi phí phải nộp là 4.300 USD.

Tại chi nhánh Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Sơn La, bà Lan là người trực tiếp thu tiền, viết giấy, chỉ điểm cam kết với nội dung: “Hà Nội ngày 22-1-2010, tên tôi là Nguyễn Thị Ngọc Lan cam kết cho lao động Trần Văn Hải thời gian sang Singapore là khoảng 20 ngày từ ngày cam kết. Nếu công ty không đưa được người lao động sang làm việc theo đúng hợp đồng đã ký kết mà lao động phải về nước thì phía công ty sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền đóng ban đầu”.

Sau khi nộp tiền, anh Hải được đưa sang Malaysia thay vì được sang Singapore như thoả thuận. Trong những ngày lưu lạc tại Malaysia, anh bị cảnh sát nước này bắt giữ vì giấy tờ bất hợp pháp . Anh Hải kể lại: “Sáng 23-12-2009 tôi được người đàn ông tên Thái đưa sang Malaysia.

Trong 45 ngày trôi dạt ở Malaysia, tôi và 58 lao động cùng đoàn bị bỏ rơi và phải cầu viện gia đình tại Việt Nam lấy tiền ăn qua ngày. Đến ngày 6-2-2010, chúng tôi bị cảnh sát Malaysia bắt giam, hơn 1 tháng sau mới được thả về nước. Tới nay, sau hơn 1 năm, bà Lan, người trực tiếp thu tiền đã hoàn trả nhưng vẫn chưa đủ số tiền mà gia đình phải chạy vạy trăm mối mới lo đủ”.

Theo anh Hải, cùng cảnh bị lừa, phải lưu lạc như anh còn có anh Lợi người cùng xã và 57 lao động khác trên toàn quốc.

Singapore chưa tuyển lao động tay nghề thấp

Chiều 28-3, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết sẽ giải quyết quyền lợi cho lao động như đã cam kết. Theo bà Lan, sau khi biết ông Nguyễn Quốc Thái có nhu cầu tuyển lao động đi Singapore thì qua ông Lãm dắt mối, ông Nam và bà Lan trực tiếp giới thiệu việc làm tại Singapore. Sau đó bà Lan trực tiếp thu tiền rồi chuyển cho ông Thái để lo đưa lao động sang Singapore.

Tuy nhiên, ông Thái không đưa lao động sang Singapore như cam kết mà đưa sang Malaysia. Tại đây, lao động phải sống vật vờ rồi bị cảnh sát nước này bắt giữ. Khi được cảnh sát Malaysia cho về nước, những lao động bị hại trú tại tỉnh Quãng Ngãi đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của ông Thái, là người đứng tên trong bản hợp đồng thoả thuận.

Cùng cảnh bị lừa xuất khẩu lao động với anh Hải là anh Lợi (Lâm Hoa, Xuân Liên, Nghi Xuân) và hàng chục lao động tại làng chài Tân Định, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Nội dung mà số lao động này được giới thiệu rất hoành tráng, bên đưa đi cam kết “Đảm bảo ngày đi Singapore là ngày 23-12-2009”, “Đảm bảo cho lao động làm đúng việc trong nhà hàng khách sạn với mức lương trong 3 tháng đầu là 900 USD Singapore/tháng. Thời gian làm việc cơ bản 8 tiếng/ngày. Sau 3 tháng sẽ được tăng lương… Đảm bảo việc đi làm tại Singapore là hợp pháp trong 2 năm…”.

Ngày 23-3-2011, Toà án nhân dân tỉnh Quãng Ngãi đã đưa vụ án lừa đảo xuất khẩu lao động ra xét xử và tuyên phạt Nguyễn Quốc Thái 9 năm tù giam. Trong sự việc này, bà Lan cho rằng mình cũng là bị hại và sẽ hoàn trả số tiền còn nợ của lao động như cam kết đã chỉ điểm.

Liên quan đến nội dung của vụ việc, chiều 28-3, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) ông Đào Công Hải khuyến cáo: “Cục QLLĐNN chỉ cấp phép cho một vài công ty có đăng ký và được phép xuất khẩu lao động sang làm việc tại Singapore ở các ngành nghề công nghệ cao, số lượng rất hạn chế. Cục chưa từng cấp phép cho xuất khẩu lao động sang Singapore làm trong nhà hàng khách sạn”.

Như vậy, theo lời ông Hải, lao động nên cảnh giác trước các chiêu lừa xuất khẩu lao động. Không nên đóng tiền, ký kết vào những hợp đồng đi xuất khẩu lao động sang Singapore do các cá nhân đứng tên với nội dung công việc là các ngành nghề đơn giản, vì hiện chưa cấp phép cho công ty hợp pháp nào tuyển lao động tay nghề thấp cho thị trường Singapore.

(Theo Công Tâm – Quốc Hưng // Gia đình & Xã hội)

  • Thu hải quan tăng vì điều chỉnh tỷ giá
  • Báo động cốc thủy tinh của Trung Quốc "giết người không dao"
  • Tàu Vinalines bị đối tác Trung Quốc giữ
  • Tăng kiểm soát các hãng hàng không nước ngoài vào VN
  • Có thể tăng thuế các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu
  • Hà Nội thanh tra cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
  • Hơn 8.800 xe lắp ráp tại Việt Nam bị lỗi, Toyota nói gì?
  • Kiểm tra việc sử dụng bản quyền phần mềm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%