Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chưa đồng thuận danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh

Theo dự thảo nghị định 59 có sửa đổi, bổ sung, hoạt động quảng cáo đối với sản phẩm thay thế sữa mẹ dành cho trẻ dưới 12 tháng tuổi như sữa đóng hộp sẽ bị cấm. Ảnh: Minh Tâm

Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm, hạn chế kinh doanh trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2006/NĐ-CP (quy định chi tiết Luật thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện) chưa nhận được sự đồng thuận của nhiều doanh nghiệp, luật sư vì họ cho rằng danh mục này chưa sát thực tế, gây cản trở hoạt động kinh doanh.

Đây là ý kiến chủ đạo được các luật sư, đại diện doanh nghiệp nêu lên tại buổi lấy ý kiến về dự thảo nghị định bổ sung, sửa đổi này do Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương và dự án hỗ trợ thương mại đa biên (Mutrap III), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức sáng nay 4-8 tại TPHCM.

Ở nhóm hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung, nhiều luật sư cho rằng có trường hợp cấm vô lý, không cung cấp được cơ sở khoa học của việc cấm và đang có sự đánh đồng, lẫn lộn giữa hành vi và mặt hàng. Tiến sĩ, luật sư Nguyễn Đăng Liêm, Trưởng văn phòng luật sư Quang Trung nêu ý kiến, việc cấm kinh doanh thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác nhập lậu là không phù hợp với nguyên tắc hành xử của WTO do đã đồng hóa mặt hàng và hành vi nhập lậu. Theo ông Liêm, hành vi nhập lậu trốn thuế hoặc buôn lậu là hành vi vi phạm pháp luật, phải được xét xử riêng, còn mặt hàng thuốc lá thành phẩm có quyền được lưu thông bình thường khi cơ quan nhà nước chưa xác định được là có nhập lậu hay không.

Bà Hải Anh, đại diện Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam cho rằng, cấm hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản là chưa hợp lý, bởi kinh doanh vàng tài khoản không xấu như nhìn nhận của mọi người, được thực hiện trên cơ sở của nhiều pháp lệnh, điều luật. Còn những hành vi vi phạm, kinh doanh trá hình là của một bộ phận nhỏ, cơ quan quản lý không nên đánh đồng giữa hành vi với loại hình, phương thức kinh doanh. “Đề nghị của tôi cũng như của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam là đưa hoạt động kinh doanh vàng tài khoản vào danh mục kinh doanh có điều kiện, không để ở danh mục cấm kinh doanh như dự thảo” - bà Anh khẳng định.

Một số luật sư cũng cho rằng, xếp dịch vụ điều tra bí mật xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của tổ chức cá nhân vào danh mục cấm kinh doanh; hoạt động quảng cáo đối với sản phẩm thay thế sữa mẹ dành cho trẻ dưới 12 tuổi là đi ngược với nhu cầu thực tế của xã hội. Luật sư Trần Vũ Hải nói: “Dịch vụ điều tra là phải có. Ví dụ luật sư chúng tôi muốn có chứng cứ để phục vụ công việc, nhưng không có nghiệp vụ điều tra thì phải thuê dịch vụ. Sao lại cấm? Còn nói bí mật thì thế nào là bí mật? Phải định nghĩa rõ ràng!”.

Trong khi đó, danh mục các hàng hóa, dịch vụ ở dạng hạn chế kinh doanh cũng nhận được nhiều ý kiến phản đối. Theo các luật sự, đại diện doanh nghiệp, chỉ nên đưa dịch vụ karaoke, vũ trường, xoa bóp (massage, tẩm quất) vào danh mục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh là đủ, không nên hạn chế bởi đây là những nhu cầu chính đáng của người dân. Tương tự, dịch vụ chứng nhận chữ ký số công cộng sẽ là xu hướng tất yếu trong thời gian tới khi thương mại điện tử phát triển…

Nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 59 ban hành 2006 đang được lấy ý kiến hoàn thiện trước khi trình Thủ tưởng phê duyệt. So với nghị định 59, danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện trong dự thảo nghị định bổ sung, sửa đổi được tăng thêm. Cụ thể, ở danh mục cấm kinh doanh có 34 loại hàng hóa, dịch vụ, tăng 10 loại. Nhóm hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh có 12 loại, tăng 4 loại. Nhóm hàng hóa, dịch vụ có điều kiện kinh doanh bao gồm 94 loại, tăng 19 loại so với nghị định gốc.

Tuy nhiên, nhiều luật sư, doanh nghiệp tham gia góp ý kiến đặt vấn đề: ngoài câu chuyện ở từng mặt hàng, điều đáng lo ngại là danh sách hàng hóa, dịch vụ cấm, hạn chế kinh doanh trong dự thảo nghị định bổ sung, sửa đổi đang dài ra, quy định quá khắt khe, phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Luật sư Trần Thanh Tùng, Công ty Luật Phước & Partners nói: “Điều này cho thấy cơ quan Nhà nước đang càng ngày càng dùng quyền quản lý đối với doanh nghiệp, nhìn theo chiều hướng của Nhà nước hơn của doanh nghiệp. Mặt trái của việc quy định quá phức tạp, khắt khe là khiến doanh nghiệp phải đi đường vòng, có thể phát sinh tiêu cực”.

Do vậy, để thuyết phục cũng như không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhu cầu chính đáng của người dân, những điều khoản trong nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 59 về danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện phải xác định được tiêu chí để phân loại rõ ràng, nhất quán các thuật ngữ pháp lý, giải thích từ ngữ cụ thể để tránh các trường hợp “lách luật” hoặc oan sai.

(Theo Minh Tâm // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Chấm dứt 3 dự án đầu tư của Vinashin tại Dung Quất
  • Bắt tạm giam nguyên Chủ tịch Vinashin
  • Doanh nghiệp tư nhân được vay lại vốn ODA
  • Độc quyền và... độc quyền!
  • Thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ đã đưa ra thị trường
  • Thanh tra các sân gôn phía Bắc
  • Vay vốn tín dụng đầu tư phải có tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu
  • 300 tấn bột thịt nằm cảng Sài Gòn gần 3 năm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%