Số heo trên (gồm 1.236 kg) được giết mổ tại lò Chiến Thắng (huyện Bến Lức, tỉnh Long An), có giấy kiểm dịch động vật của cơ quan thú y tỉnh Long An, trên đường đưa về sạp 181 chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền (quận 8-TPHCM) để tiêu thụ. Trạm kiểm dịch động vật chợ Bình Điền kiểm tra, nghi ngờ số heo trên không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như chủ lô hàng trên không rõ ràng nên ra quyết định tạm giữ. Sau 8 tháng bị giữ hàng, bà Nguyễn Thị Thúy Nga đã chứng minh số hàng trên là của mình và khởi kiện lên TAND TPHCM, yêu cầu hủy bỏ các văn bản về việc tạm giữ lô hàng này, đồng thời buộc cơ quan thú y TPHCM bồi thường 49.440.000 đồng (1 kg thịt heo tương đương 40.000 đồng).
Cán bộ thú y kiểm tra thịt heo trước khi đưa đi tiêu thụ (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Có chủ hay vô chủ?
Bà Nga khai trước tòa rằng việc ông Trần Phi Long ra quyết định tạm giữ số heo trên là sai pháp luật vì số heo này có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y tỉnh Long An. Bà Nga còn chứng minh số heo trên là của bà với các giấy cam kết của nhiều người, kể cả chủ lò Chiến Thắng (những loại giấy xác nhận này đều được thực hiện trong tháng 7 và tháng 8-2009, trong khi vụ việc diễn ra đầu tháng 2- 2009). Bà Nga cũng thừa nhận số heo trên được thu mua không có chứng từ, không có hợp đồng, chỉ mua bán qua điện thoại.
Các chứng cứ từ trạm kiểm dịch động vật chợ Bình Điền cũng như từ Chi cục Thú y TPHCM đều khẳng định số heo trên là vô chủ. Ông Trần Phi Long trình bày trước tòa rằng số thịt heo trên không phải là của bà Nga vì trong giấy tờ liên quan đều ghi tên ông Lâm Đức; cả tài xế của xe đã vận chuyển số hàng trên (ông Võ Thành Long) cũng xác nhận là hàng của ông Lâm Đức (còn gọi là Thái Văn Đức) nhưng ông Đức không đến cơ quan chức năng để làm việc cho dù đã được mời nhiều lần.
Bà Nguyễn Thị Thu Nga, Chánh Thanh tra Chi cục Thú y TPHCM, cho biết đã 3 lần gửi văn bản đến Chi cục Thú y tỉnh Long An để xác định chủ lô hàng trên nhưngkhông xác nhận được chủ hàng là bà Nga; xác minh trong danh sách thương lái đưa heo vào giết mổ tại lò Chiến Thắng trong thời điểm số thịt heo này bị tạm giữ cũng không có tên của bà Nga. Chi cục đã 6 lần mời ông Lâm Đức đến làm việc nhưng cũng không thấy đến. Thậm chí chi cục đã đăng thông tin 3 lần trên báo để tìm chủ lô hàng trên nhưng cũng không ai nhận. Do đó, chi cục khẳng định đây là hàng vô chủ.
Tạm giữ là đúng
Chủ tọa chất vấn ông Trần Phi Long lý do gì mà tạm giữ hàng. Ông Long trình bày là qua kiểm tra bằng cảm quan, phát hiện số heo trên bị rỉ dịch (có dấu hiệu heo bị bơm nước trước khi giết mổ- PV); trên bề mặt thịt có một số dấu hiệu bất thường không bảo đảm vệ sinh thú y. Bằng chứng là các mẫu lấy từ lô hàng trên mang đi xét nghiệm tại Chi cục Thú y, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, Trung tâm kiểm nghiệm vệ sinh thú y Trung ương II đều cho kết quả bị nhiễm vi sinh vượt mức cho phép gấp nhiều lần. Hiện toàn bộ số thịt heo trên vẫn còn tạm giữ tại kho lạnh của Chi cục Thú y TP.
Bà Bùi Thị Nhung, đại diện VKSND TPHCM, cho rằng với các chứng cứ liên quan, cho thấy cơ quan thú y tạm giữ số heo trên là đúng nên đề nghị tòa bác yêu cầu khởi kiện của bà Nga. HĐXX đã tuyên bố việc cơ quan thú y tạm giữ số hàng trên là đúng pháp luật, kể cả trong trường hợp bà Nga chứng minh được mình là chủ lô hàng trên; không có căn cứ để hủy bỏ các văn bản của cơ quan thú y trong việc tạm giữ số hàng này và cũng không chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại theo yêu cầu của bà Nga.
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga cho biết sẽ kháng cáo vì vấn đề này gây bức xúc cho nhiều thương lái buôn bán thịt heo tại chợ Bình Điền chứ không riêng gì bà. Cách xử lý hàng vào chợ của cơ quan thú y không công bằng: người thì cho đưa hàng vào chợ bán, người thì không cho, dù nguồn hàng thịt heo cùng lấy từ một lò.
(Bài và ảnh: NGUYỄN HẢI // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com