Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Còn nhiều doanh nghiệp ở Ðác Lắc vi phạm pháp luật lao động

Kết quả kiểm tra 34 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ðác Lắc do Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tiến hành vào cuối năm 2009 cho thấy tình trạng các doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động là rất phổ biến, ảnh hưởng quyền lợi cũng như sức khỏe của người lao động... Kết thúc đợt kiểm tra, đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm và xử phạt đối với 18 doanh nghiệp với tổng số tiền 185 triệu đồng.              

Theo báo cáo của Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Ðác Lắc, qua kiểm tra tổng số 34 doanh nghiệp, trong đó có 11 doanh nghiệp Nhà nước và 23 các loại hình doanh nghiệp khác, cho thấy: Tất cả các đơn vị được thanh tra đều thực hiện ký hợp đồng lao động với người lao động. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị tư nhân chỉ ký hợp đồng lao động đối với một số công việc có tính chất ổn định thường xuyên hơn một năm nhưng lại ký theo hình thức dưới 12 tháng. Nhiều đơn vị đã ký hợp đồng lao động không đầy đủ với người lao động, phần lớn chỉ thỏa thuận bằng miệng, mặc dù người lao động thường xuyên làm việc hơn ba tháng. Ngoài ra còn có nhiều trường hợp các doanh nghiệp kéo dài thời gian thử việc không đúng quy định của pháp luật.

Cũng theo kết luận của thanh tra, việc ký thỏa ước lao động tập thể tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh còn mang tính hình thức, ít có quy định có lợi cho người lao động. Nhiều đơn vị chưa có tổ chức công đoàn nhưng vẫn ký thỏa ước lao động tập thể; sau khi ký, hầu hết người lao động không biết nội dung thỏa ước và thỏa ước ký xong cũng không được thực hiện. Về chế độ tiền lương, hầu hết các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chưa xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương; việc tổ chức nâng lương, thi nâng bậc cho người lao động không được thực hiện theo quy định...

Riêng việc thực hiện các quy định về Bảo hiểm xã hội, đây là nội dung mà theo đánh giá của đoàn thanh tra là hầu hết các đơn vị đã và đang vi phạm làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi và lợi ích chính đáng của người lao động. Vi phạm này tập trung chủ yếu là các công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân và một số công ty cổ phần. Ðiển hình cho vi phạm này là Công ty Cổ phần may Dak Lak tại thời điểm đoàn kiểm tra (28-12-2009) có 220 lao động đang làm việc nhưng chỉ thực hiện đóng Bảo hiểm xã hội cho 24 người. Công ty TNHH Thép Phương Tạo không đóng Bảo hiểm xã hội cho 19 người; Công ty TNHH Môi trường Ðông Phương chỉ đóng bảo hiểm xã hội cho 95/118 người lao động... 

Ðáng lo ngại nhất là tình trạng vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn lao động (VSATLÐ) tại các doanh nghiệp. Qua kiểm tra 34 đơn vị thì đã có đến 20 doanh nghiệp không tổ chức huấn luyện VSATLÐ cho công nhân; không thành lập Hội đồng bảo hộ lao động, không xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động, không khám sức khỏe định kỳ cho công nhân...

Nghiêm trọng hơn là tại một số đơn vị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động nhưng không lập luận chứng về các biện pháp bảo  đảm an toàn, vệ sinh cho người lao động... Ðiển hình là Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Sài Gòn sử dụng thiết bị bình chứa khí nén nhưng không kiểm định, đăng ký với cơ quan chức năng. Tại Công ty cổ phần Mía đường 333, gần 180 công nhân làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại nhưng không được chi trả bồi dưỡng bằng hiện vật...

Ngoài ra, tại nhiều đơn vị đã xảy ra tai nạn lao động nhưng không tổ chức điều tra, không bồi thường cũng như trả chi phí điều trị cho công nhân như Công ty TNHH Thép Phương Tạo, Công ty TNHH Môi trường Ðông Phương, Công ty Cổ phần chế biến gỗ cao-su Dak Lak... Ðặc biệt là trường hợp tại Công ty Cổ phần Xây dựng Ðiện VNECO8, trong hai năm liền (2008 - 2009) đã xảy ra năm vụ tai nạn lao động nhưng đến nay công nhân bị tai nạn vẫn chưa được giải quyết chế độ.

Phân tích nguyên nhân của những vi phạm về pháp luật lao động tại các doanh nghiệp, đồng chí Trần Thị Thu Hoài, Phó Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng: Sở dĩ tình trạng này xảy ra tràn lan và kéo dài chính là do người sử dụng lao động chưa nắm bắt được hết những quy định của pháp luật về lao động, thậm chí có trường hợp mặc dù biết rõ quy định nhưng vì lợi ích trước mắt mà vẫn cố tình vi phạm, không thực hiện. Bên cạnh đó thì một phần nữa cũng là do ý thức của người lao động không am hiểu pháp luật, hoặc có thể họ vì miếng cơm manh áo nên đành phải im lặng, không dám lên tiếng đòi hỏi những quyền lợi chính đáng của mình...

(Theo Nguyễn Cường // Báo Nhân dân)

  • Công chức làm sai phải bồi thường tối đa 36 tháng lương
  • Vụ nhà thầu Trung Quốc bị ngưng hợp đồng: Phải hoàn tất một số công đoạn trước khi ngưng
  • Sự cố công trình xây dựng và trách nhiệm của chủ đầu tư
  • Hợp đồng mua bán phải ghi hạng chung cư
  • Phát hiện nhiều sai phạm liên quan quản lý, sử dụng đất
  • Thu giữ thực phẩm chức năng vi phạm sở hữu trí tuệ
  • Xử lý nghiêm những hành vi "rút ruột" công trình Nghĩa trang liệt sĩ Bạc Liêu
  • Hà Nội: Thu hồi 19 dự án vi phạm Luật đất đai
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%