Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Công ty TNHH Sản xuất thương mại Việt Thắng Jean-Nhuộm màu sông Rạch Chiếc

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM vừa có công văn trình UBND TPHCM về việc xử phạt Công ty TNHH Sản xuất thương mại Việt Thắng Jean (Công ty Việt Thắng Jean) vì có những hành vi vi phạm môi trường nghiêm trọng.
 

Theo đó, công ty này có đến 6 hành vi vi phạm môi trường, mà trong đó nước thải qua xử lý chưa đạt tiêu chuẩn được xả thẳng vào hệ thống kênh rạch đã “góp phần” làm mất màu trong xanh của dòng sông Rạch Chiếc. Điều đáng nói là những hành vi vi phạm này đã kéo dài từ lâu nhưng cho đến nay công ty vẫn không khắc phục.
 
Nước thải, khí thải, chất thải đều nguy hại
 

Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chánh Thanh tra Sở TN-MT, cho biết, Công ty Việt Thắng Jean hoạt động may công nghiệp và giặt tẩy quần áo tại số 38, đường Quang Trung, phường Hiệp Phú, quận 9, có công suất hoạt động 8.000 sản phẩm/ngày. Công ty hoạt động từ năm 1995, nhưng cho đến nay, những quy định về thực hiện bảo vệ môi trường vẫn chưa được chấp hành nghiêm túc.
 

Nước thải trong hồ xử lý tại Công ty Việt Thắng Jean gây ô nhiễm sông Rạch Chiếc.

Công ty Việt Thắng Jean đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải công suất 360m³/ngày, thế nhưng theo kết quả phân tích mẫu, chất lượng nước thải của công ty vượt tiêu chuẩn cho phép loại B rất nhiều lần.
 

Cụ thể, các chỉ tiêu COD, BOD5, vi sinh vượt tiêu chuẩn cho phép hơn 10 lần. Còn NH3, tổng nitơ, tổng phospho đều vượt tiêu chuẩn gần 2 lần. Không dừng lại đó, khí thải và bụi phát sinh từ lò hơi, nhiên liệu đốt bằng than đá dù đã được xử lý qua cyclone lắng bụi, hấp thu bằng nước rồi thoát qua ống khói, nhưng nồng độ khí CO vẫn vượt tiêu chuẩn cho phép hơn 10 lần.
 

Ngoài ra, bùn phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải đã được công ty chuyển giao cho Công ty TNHH SX-TM-DV-XD Tường Phát thu gom, xử lý, nhưng tại thời điểm kiểm tra, vẫn còn không ít bùn thải không được thu gom và chuyển giao đúng quy định.
 

Hơn nữa, những chất thải nguy hại khác như vỏ thùng chứa hóa chất, dầu nhớt thải, giẻ lau dính dầu… thay vì phải ký hợp đồng chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị chức năng thu gom và xử lý, nhưng công ty lại trộn chung với rác thải sinh hoạt hoặc bán phế liệu.

 

Không chỉ vậy, công ty còn không thực hiện báo cáo giám sát chất lượng môi trường định kỳ 6 tháng/lần; không lập hồ sơ đăng ký có phát sinh chất thải nguy hại đối với trường hợp phải lập hồ sơ đăng ký với cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường.
 

Cá biệt, lượng nước thải 360m³/ngày không đạt tiêu chuẩn quy định lại được công ty xả thẳng vào nguồn nước ra sông Rạch Chiếc nhưng không có giấy phép xả thải của cơ quan quản lý nhà nước.
 
Cấm hoạt động công đoạn phát nước, khí thải
 

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN-MT, nhấn mạnh, Công ty Việt Thắng Jean đã vi phạm nghiêm trọng quy định về bảo vệ môi trường. Hơn thế nữa, đây không phải là lần đầu tiên công ty này bị kiểm tra và nhắc nhở thực hiện bảo vệ môi trường, nhưng đơn vị vẫn tiếp tục tái phạm.
 

Nhận thấy hành vi vi phạm của Công ty Việt Thắng Jean là nghiêm trọng, thuộc thẩm quyền xử lý UBND TPHCM, Sở TN-MT đã đề xuất UBND TPHCM ban hành quyết định xử phạt hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường.
 

Trong đó, mức phạt hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn là 32 triệu đồng; thải khí, bụi vượt tiêu chuẩn là 22 triệu đồng; quản lý chất thải không đúng quy định là 7,5 triệu đồng; không lập báo cáo hiện trạng theo quy định là 4 triệu đồng và hành vi xả thải vào nguồn nước không có giấy phép là 15 triệu đồng.
 

Ngoài ra, công ty sẽ phải chịu hình thức bổ sung và biện pháp khắc phục như: cấm công ty hoạt động sản xuất các công đoạn phát sinh nước thải, khí thải gây ô nhiễm tại địa điểm sản xuất trên; thực hiện phân loại, thu gom, lưu giữ chất thải nguy hại đúng quy định và hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, xử lý; buộc công ty thực hiện báo cáo giám sát chất lượng môi trường định kỳ.
 

Riêng việc xả thải vào sông Rạch Chiếc không phép, sở cũng kiến nghị buộc công ty ngưng hoạt động xả thải vào nguồn nước cho đến khi khắc phục ô nhiễm môi trường và được Sở TN-MT cấp phép xả thải.
 

Bà Nguyễn Thị Dụ, Chánh Thanh tra Sở TN-MT, cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, sở đã ban hành quyết định buộc đình chỉ hoạt động công đoạn sản xuất phát sinh nước thải của 29 doanh nghiệp khác vi phạm nghiêm trọng về môi trường. Trường hợp những doanh nghiệp này không chấp hành nghiêm quyết định xử phạt này, sở sẽ thành lập tổ liên ngành để tiến hành cưỡng chế, niêm phong hệ thống máy móc sản xuất phát sinh nước thải của các doanh nghiệp. Theo bà, đã đến lúc phải mạnh tay hơn với doanh nghiệp “đen” vì một môi trường sống tốt hơn cho người dân thành phố.

(Theo SGGP)

  • Giải quyết tranh chấp theo kiểu “xã hội đen”?
  • TPHCM: Hơn 1.000 tấn hóa chất vi phạm quy định về nhãn hàng hóa
  • Sau khi Luật Công nghệ cao có hiệu lực, làm thế nào để thu hút đầu tư nước ngoài vào khu công nghệ cao?
  • Hoạt động M&A tại Việt Nam: Cần khung pháp lý đầy đủ
  • Kiểm tra hàng hóa Trung Quốc
  • Vướng mắc thực hiện văn bản
  • Khu công nghiệp Hà Nội - Đài Tư: Sai không sửa
  • Người nước ngoài, Việt kiều phạm luật tăng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%