Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cty Minh Châu phá sản do nhà nước thay đổi chính sách: DN có thể kiện chính quyền ra tòa

Vừa qua, Báo DĐDN có đăng bài "Phá sản do thay đổi chính sách", nội dung Cty TNHH May - TM - DV Minh Châu (và một số Cty khác) đã bị thiệt hại nặng nề do UBND TP HCM thay đổi chính sách về hỗ trợ lãi suất cho DN dệt may.

Trao đổi với DĐDN về nội dung trên, Luật sư (LS) Nguyễn Thành Lương - Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bến Tre, Trưởng Văn phòng LS Liên đoàn tại quận 9 và Thủ Đức TP HCM cho rằng, Cty Minh Châu (và các Cty tương tự) có cơ sở pháp luật để kiện UBND TP HCM ra tòa.

- Thưa luật sư, căn cứ pháp lý cơ bản nhất để DN Minh Châu có thể kiện UBND TP ra tòa là gì ?

Cơ sở pháp luật cơ bản nhất là dựa vào Mục 1, Điều 604, Bộ Luật Dân sự năm 2006 về Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, uy tín, danh dự, nhân phẩm, tài sản, sức khỏe, quyền lợi ích hợp pháp khác của cá nhân của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

- Vậy, việc áp dụng Điều 604 Bộ Luật Dân sự vào trường hợp DN Minh Châu như thế nào ?

UBND TPHCM đã ban hành các văn bản có tính pháp lý cao hứa hỗ trợ 100%  lãi suất số tiền vay gần 20 tỉ đồng, hỗ trợ lãi suất 3% số tiền vay khoảng 3 tỉ đồng trong 10 năm, và một số ưu đãi khác. Cty Minh Châu vì tin vào lời hứa nêu trên nên đã đầu tư nhà máy. Nhưng lời hứa của UBND TP HCM chỉ thực hiện trong 3 năm, do "thờ ơ, thiếu trách nhiệm" với những chính sách, văn bản mình ban hành nên "vô ý" gây thiệt hại cho DN.

- Tuy nhiên, QĐ số 20/QĐ- UB của UBND TP HCM cho rằng, việc cắt ưu đãi đối với DN là do vướng quy định của WTO. Nếu DN muốn tiếp tục được hỗ trợ thì chuyển sang lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác ?

DN đã cho rằng, UBND TP HCM viện lý do trên để cắt ưu đãi đối với DN là không hợp lý. Các ưu đãi trên "không vi phạm quy định về trợ cấp bị cấm…", không liên quan đến tỉ lệ xuất khẩu và tỉ lệ nội địa hóa…". Lập luận này DN đã tham khảo ý kiến của lãnh đạo Vụ Pháp chế - Bộ KH- ĐT, và Trung tâm Hỗ trợ WTO TP HCM. Việc UBND TP HCM yêu cầu DN chuyển sang "lĩnh vực khác" để được hỗ trợ là không hợp lý bởi "lĩnh vực khác" không phù hợp với DN. Ngoài ra, do DN đã đầu tư lớn, điển hình nên đã hết nguồn lực. Cần lưu ý, dự án của DN mang tính nhân đạo xã hội, ủng hộ chính sách cai nghiện tập trung của TP HCM, được các ngành chức năng lúc đó khuyến khích động viên. Năm 2008, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, kiêm Chủ tịch UBQG phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm đến thăm và động viên DN.

- UBND TPHCM cho rằng, Cty Minh Châu sử dụng phần vốn đúng mục đích chỉ 12 tỉ để được hỗ trợ lãi suất ?

DN cũng đã khẳng định đã sử dụng toàn bộ vốn đúng mục đích. Trong QĐ 114/QĐ- UB cũng ghi rõ Cty Minh Châu được hỗ trỡ lãi suất đối với số tiền vay 22,5 tỉ đồng. Ngoài ra, vì sự cố thay đổi chính sách nên DN còn một phần  nhỏ vốn chưa quyết toán được, chưa chứng minh được là đã sử dụng đúng mục đích nên DN đã mời ngành chức năng xuống kiểm tra xác minh vốn sử dụng đúng mục đích nhưng không được đáp ứng.

- Có khả năng DN bị vướng về thời hiệu khởi kiện, bởi luật quy định phải khởi kiện trong không quá 2 năm từ khi phát sinh thiệt hại ?

DN đã có ý thức khiếu nại, không bị vướng vào thời hiệu khởi kiện khi đã gửi nhiều văn bản khiếu nại đến ban ngành chức năng ngay sau khi bị thiệt hại. Lỗi kéo dài thời gian, và tăng thêm thiệt hại là do ngành chức năng không giải quyết thỏa đáng,

- Còn về cách bồi thường thiệt hại sẽ thực hiện như thế nào ?

UBND TP HCM nên sớm mở lối thoát cho DN như cho phép DN thực hiện các giải pháp tự cứu như cho thuê, liên doanh, bán nhà xưởng.

Căn cứ Điều 605 Bộ Luật Dân sự về thiệt hại chính, các thiệt hại kéo theo. Cụ thể như, thiệt hại phải đóng lãi 7 năm của tiền vay, bị vỡ kế hoạch sản xuất, bị thiếu lao động, nhà xưởng không sử dụng hết công suất, bị tăng tiền thuê đất, dù không thu được lãi và vốn nhưng vẫn phải chịu chi phí thuê nhà xưởng…. Việc thu thập đủ chứng từ chứng minh thiệt hại để được bồi thường thỏa đáng rất khó, bởi cả hai phía đều bị động. Ngoài ra, các thiệt hại về tinh thần, sức khỏe… cũng phải được bồi thường dù không thể tính toán bằng số liệu cụ thể. 

- Nếu trong trường hợp mức bồi thường không thỏa thuận được thì sẽ giải quyết thế nào, thưa luật sư ?

Vấn đề này hiện luật chưa cụ thể, nguyên tắc là đề cao thỏa thuận hai bên nhưng có tranh chấp thì có cơ quan giám định. Tại khoản 3, Điều 605 Bộ Luạt Dân sự có điều khoản khi mức bồi thường không còn phù hợp thực tế, thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu tòa án hoăc cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền thay đổi mức bồi thường phù hợp. Tuy nhiên cần lưu ý, nỗi đau của DN là không thể đo đạc, do vậy mức bồi thường chỉ là tương đối, thỏa thuận.

- Đứng ở góc độ của mình, luật sư có ý kiến gì đối với cả hai phía ?

Hiện quá trình thiệt hại của DN vẫn đang tiếp tục diễn ra như tê liệt sản xuất nhưng vẫn phát sinh lãi vay, bị sức ép của ngân hàng (hiện chỉ riêng phần nợ lãi cũng đã khoảng gần 10 tỉ đồng). Do vậy, nên nhanh chóng giải quyết. Về phía DN, nếu khiếu nại không có kết quả thì cần khởi kiện lên tòa án, khoanh nợ. Về phía UBND TP HCM nên sớm mở lối thoát cho DN như cho phép DN thực hiện các giải pháp tự cứu như cho thuê, liên doanh, bán nhà xưởng.

-Xin cảm ơn luật sư !

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%