Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đại lãng phí đất công: bó tay?

Buổi làm việc của đoàn giám sát đại biểu quốc hội với sở Tài nguyên và môi trường (TN&MT), ban chỉ đạo 09 (ban chỉ đạo sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước TP.HCM) ngày 14.7 đã trở nên ấn tượng khi: diện tích sử dụng đất của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn nhiều trường hợp với diện tích không nhỏ sử dụng sai mục đích, nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra giải pháp nào khả quan đề ngăn chặn tình trạng này

Chỉ 39% sử dụng đúng mục đích

Báo cáo của sở TN&MT TP.HCM cho thấy, hiện có 410 khu đất do các tổng công ty tập đoàn nhà nước đang quản lý và sử dụng với diện tích trên 6,3 triệu m2 (làm tròn). Tuy nhiên, chỉ có 2,5 triệu m2 trong tổng số đất trên được sử dụng đúng mục đích.

Hầu hết các công ty, tập đoàn nhà nước được giao quản lý nhiều mặt bằng nhà đất quá, không biết làm gì nên cho thuê lại hoặc cho mượn, hoặc để lấn chiếm. Cụ thể, diện tích đất được cho thuê trái pháp luật đã là 24.534m2; cho mượn là: 750m2; bị lấn chiếm là 2.181m2; sử dụng vào mục đích khác là 54.682m2

Hơn thế nữa, có tới trên 3,7 triệu m2 đất chưa được sử dụng. Trong đó diện tích đưa vào sử dụng nhưng còn để hoang là 138.121m2, diện tích đầu tư xây dựng đầu tư chậm là trên 3,5 triệu m2!

Những đơn vị được sở TN&MT điểm mặt chỉ tên trong việc sử dụng lãng phí, không hiệu quả đất, mặt bằng được giao là: tổng công ty Thuỷ sản Việt Nam cho thuê lại 9.535m2 đất, tổng công ty Thương mại Sài Gòn cho thuê lại 4.307 m2, tổng công ty Gia cầm miền Nam cho thuê 2.528m2, tổng công ty Lương thực miền Nam cho thuê 985m2.

Bà Đào Thị Hương Lan, giám đốc sở Tài chính, thành viên ban chỉ đạo (BCĐ) 09 cho biết, chỉ trong sáu tháng đầu năm 2009, BCĐ 09 đã xử lý thu hồi 36 địa chỉ nhà đất với tổng diện tích 30.371m2. Nếu tính từ khi triển khai thực hiện nghị quyết số 80 của Chính phủ, UBND TP.HCM đã thu hồi được 165 địa chỉ nhà đất, với tổng diện tích 605.969m2. Diện tích đã thu hồi này được đánh giá còn rất ít so với diện tích lãng phí cần phải thu hồi.

Ông Đào Anh Kiệt, giám đốc sở TN&MT tỏ ra khá bức xúc cho biết, do những đơn vị này được Nhà nước cho thuê với mức giá rẻ như cho nên dù bỏ trống, không tổ chức sử dụng đất cũng không thấy xót vì không phải chịu áp lực nhiều về tài chính. Điều này dẫn đến hệ quả: nhiều đơn vị được giao đất không thu tiền sử dụng hoặc cho thuê trả tiền hằng năm, nếu không cho thuê lại thì vẫn cương quyết “ôm” đất, chấp nhận để hoang hoá, làm ngân sách thất thu một khoản khá lớn.

Điển hình nhất là mặt bằng số 66 – 68 Nguyễn Trãi (P. Bến Thành, Q.1, hiện đã bị thu hồi) là hai căn hộ nằm tại tầng trệt ở một khu nhà tập thể cao bảy tầng, có tổng diện tích 63m², được cho thuê với giá 7 triệu đồng/tháng. Trong khi, giá thực tế theo thị trường của căn hộ trên lên đến 20 – 30 triệu đồng/tháng.

Trước tình trạng trên, sở TN&MT đưa ra một số kiến nghị như: xoá bao cấp đối với trường hợp giao đất không thu tiền sử dụng đất; truy thu tiền thuê đất đối với trường hợp cho thuê trái pháp luật không đưa vào hệ thống sổ sách theo quy định; không xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với những trường hợp vi phạm; quyết liệt thu hồi đất với dự án không sử dụng trong vòng 12 tháng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư…

Quản lý lỏng lẻo hay cơ chế chưa chặt?

Cái cách kiểm tra và thu hồi đất sử dụng không đúng mục đích của BCĐ 09 cũng bị nhiều đại biểu cho là có vấn đề. Theo bà Đào Hương Lan, quá trình kiểm tra của BCĐ 09 gồm bốn bước. Trước tiên các doanh nghiệp đang sử dụng đất tự lập báo cáo kê khai và phương án xử lý cho sở Tài chính hoặc bộ Tài chính (tuỳ thuộc là doanh nghiệp thuộc thành phố hay trung ương), sau đó tổ chuyên viên của BCĐ 09 sẽ đi kiểm tra thực tế, kế đến BCĐ sẽ họp xét thông qua từng phương án và cuối cùng sẽ trình UBND thành phố hoặc bộ Tài chính quyết định.

Ông Đào Anh Kiệt cho rằng, cách làm này là không đúng. Vì để các DN tự kê khai, sắp xếp sẽ thiếu tính chính xác. Để đối phó với đoàn kiểm tra, các DN sẽ sẵn sàng lên các phương án sắp xếp ảo. “Mà đã là phương án ảo rồi thì chắc chắn DN ấy sẽ tiếp tục vi phạm vì không có năng lực để thực hiện. Hậu quả này ai gánh chịu. Trách nhiệm sẽ thuộc về ai?”, ông Kiệt nói.

Chính bà Lan cũng đưa ra thực tế, lần đầu BCĐ 09 tiến hành kiểm tra chỉ phát hiện và đề nghị UBND thành phố thu hồi 16 mặt bằng sử dụng lãng phí của tổng công ty Lương thực miền Nam. Tuy nhiên, UBND thành phố nghi ngờ số lượng nhà đất lãng phí của công ty này là chưa chính xác. Sau đó, BCĐ tiến hành rà soát lại thì số lượng nhà đất đã nhảy vọt lên đến 36 mặt bằng. Từ thực tế trên, bà Lan nhận xét: một số bộ ngành trung ương chưa chấp hành nghiêm yêu cầu của BCĐ. Qua việc kê khai, rà soát và đề xuất phương án sắp xếp, xử lý nhà đất cho thấy rất nhiều trường hợp đất bỏ trống, cho thuê, cho mượn nhưng đơn vị vẫn đề xuất phương án giữ lại tiếp tục sử dụng hoặc đưa ra các phương án nhằm đối phó giữ lại mặt bằng…”

Một bất cập khác, theo nhiều đại biểu đánh giá là nguyên nhân dẫn đến việc các tổng công ty, tập đoàn nhà nước bất chấp quy định trong việc sử dụng đất là do UBND thành phố chưa có thực quyền. Cụ thể, tuy là đơn vị quản lý về đất trên địa bàn nhưng UBND thành phố chỉ có quyền ra quyết định thu hồi đối với những doanh nghiệp thuộc thành phố sử dụng không hiệu quả chứ không có quyền thu hồi đất của những doanh nghiệp thuộc trung ương. Do vậy, mới có tình trạng, khi UBND thành phố đi kiểm tra và đề nghị thu hồi thì một tổng công ty đóng trên địa bàn cương quyết không chịu trả với lý do: chờ hỏi ý kiến “của bộ tôi” đã.

Buổi họp được kết thúc bằng những nhận xét của người chủ trì như: ghi nhận nỗ lực của TP.HCM, nên đề xuất phương án cụ thể; nghiên cứu coi còn vướng mắc chỗ nào để tháo gỡ… Bên ngoài, hàng ngàn người dân TP.HCM vẫn hiền lành trao nhà, trao đất để Nhà nước thực hiện dự án cho một thành phố văn minh.

( Theo Tùng Quang // SGTT Online)

  • Đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí
  • Sẽ kiểm toán 77 đơn vị trong thời gian tới
  • Bắt băng nhóm dàn cảnh trộm tiền người giao dịch từ ngân hàng
  • 624 vụ vi phạm trong sản xuất kinh doanh
  • Truy tố 2 đối tượng gây thiệt hại 401 tỷ đồng ở Agribank
  • Cấm đấu thầu với 4 nhà thầu có hành vi vi phạm
  • Phát hiện nhiều sai phạm lên tới hơn 11 ngàn tỷ đồng
  • Vỡ hụi tiền tỷ, tiếp tục đi lừa đảo
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%