“Bạn muốn trở thành nhà đầu tư tài ba, cứ một triệu đồng đầu tư, trong vòng một tháng có thể sinh lời 100.000 đồng!?”. Chiêu quảng cáo khá sốc này khiến nhiều người vung tiền vào mô hình “đầu tư đa cấp qua mạng” đã trở thành nạn nhân của những tay lừa đảo. Năm 2007, bắt đầu xuất hiện kiểu kinh doanh siêu lợi nhuận “đầu tư qua mạng” khiến nhiều người lao vào không chút đắn đo. Muốn trở thành “nhà đầu tư” chỉ cần nộp tiền cho một trung tâm của tập đoàn Las Vegas sau đó được cấp một mật mã tài khoản. “Nhà đầu tư” ở nhà cứ đến tháng thì lên mạng kiểm tra tài khoản sinh lời; thông thường lợi nhuận “bảo đảm” thu về không dưới 10%/tháng. Cái kiểu đầu tư không mất công sức nhưng thu lợi nhiều đã khiến nhiều người dính bẫy! Một văn phòng tổ chức đầu tư kiểu này đã xuất hiện ở Bình Dương, hàng loạt người hám lời đã trở thành nạn nhân của bọn lừa đảo. Khi thấy hình thức “đầu tư qua mạng” đang là miếng mồi béo bở khiến cho những người có chút kiến thức tin học lại sẵn máu “lừa thiên hạ”không thể nào chịu đứng ngoài cuộc, Đỗ Văn Thanh, SN 1971, ngụ Thanh Hóa và Trịnh Xuân Lê, SN 1982, ngụ Quảng Nam là hai đối tượng như vậy. Khoảng tháng 10-2007, thông qua ông Lê Văn Tình, một người có kinh nghiệm với kiểu đầu tư này, Thanh và Lê tập tành phương cách huy động vốn. Sau nhiều ngày “lang thang” trên internet thu thập những kiến thức căn bản, cả hai quyết định mở văn phòng để làm ăn. Cả hai thống nhất thuê phòng 304 tại Trung tâm Thương mại Sóng Thần, Dĩ An làm địa điểm giao dịch “tư vấn” huy động vốn đầu tư đa cấp. Chúng bắt đầu chiến dịch quảng bá cho hoạt động bằng tất cả các kênh, thông qua người thân, bạn bè, phát tờ rơi. Những thông tin gây sốc luôn được Thanh, Lê đưa ra “dụ” đối tác: Đây là kiểu đầu tư siêu lợi nhuận, lãi suất được tính theo ngày của tập đoàn Las Vegas tận bên Mỹ!? Thực tế cả hai không hề có mối liên hệ gì với tập đoàn này; những thông tin, cách thức đầu tư đều được họ lượm lặt trên mạng internet, cũng dựa vào quy chế hoạt động, như huy động vốn, trả lãi theo địa chỉ www.lasvegas.... Thực chất của hoạt động là mua bán “điểm ảo” trên mạng. Tiền của người đầu tư sau sẽ bị lấy để trả lãi cho người nộp trước, ý định của Thanh, Lê là càng kêu gọi được nhiều người càng tốt, sau đó sẽ ôm tiền bỏ trốn. Khi “nhà đầu tư” nộp tiền thì sẽ được cấp cho giấy biên nhận viết tay, Thanh và Lê tạo một tài khoản trên mạng cho nhà đầu tư và cung cấp cho họ mật mã để họ tự kiểm tra tiền của mình được sinh lời như thế nào? Thực ra, những trò trên đều lừa bịp vì tài khoản trên mạng là giả. Vậy mà đã có nhiều người bỏ tiền ra “nộp” cho hai kẻ siêu lừa này. Danh sách các nạn nhân của Đỗ Văn Thanh, Trịnh Xuân Lê phần lớn đều là thành phần buôn bán cư trú ở TP.HCM và Bình Dương. Chỉ trong một thời gian ngắn, Thanh đã chiếm đoạt của 10 người đầu tư tổng số tiền hơn 150 triệu đồng. Chỉ nhìn sơ qua khoản tiền lời mà những nhà đầu tư nhận được trong mấy tháng đầu cũng dễ hiểu: vì sao họ lại bị lừa nhanh như vậy? Bà Phạm Thị N. đầu tư 66 triệu đồng nhưng trong thời gian ngắn đã nhận được 13 triệu đồng tiền lãi; tương tự, ông Trần Văn T. và bà Nguyễn Thị C.H. đầu tư hơn 11 triệu đồng nhưng đã nhận được hơn 6 triệu đồng tiền lãi; Nguyễn Thị T.L. đầu tư gần 5 triệu đồng nhưng đã nhận được 3 triệu đồng tiền lãi... Nếu tính từ số vốn ban đầu, trong vòng một năm nhà đầu tư sẽ nhận được khoản tiền lãi lớn hơn nhiều so với tiền lời. Thực ra tiền lãi mà họ nhận được là do Thanh, Lê lấy của người nộp sau để trả cho người trước. Sau khi hàng loạt đường dây “đầu tư đa cấp qua mạng” trong cả nước bị “sập” thì đường dây của Đỗ Văn Thanh, Trịnh Xuân Lê không thoát khỏi tình cảnh tương tự. Hàng loạt đơn thư tố cáo của người bị hại đã gửi đến cơ quan chức năng. Cơ quan CSĐT vào cuộc, những góc khuất trong mô hình đầu tư này bị bóc trần. Ngày 15-12-2008, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Đỗ Văn Thanh, Trịnh Xuân Lê về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngày 14-1-2009, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bình Dương có quyết định chuyển vụ án cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Dĩ An xử lý theo thẩm quyền. Vừa qua, TAND huyện Dĩ An đã đưa vụ án này ra xét xử sơthẩm. Ngoài số tiền nộp đầu tư vào cho Thanh, Lê có giấy biên nhận, một số nạn nhân còn cho biết đã nộp tiền cho “người của văn phòng này” nhưng vì quá tin tưởng nên đã không làm giấy biên nhận. HĐXX đã tuyên phạt Đỗ Văn Thanh 42 tháng tù, Trịnh Xuân Lê 11 tháng tù về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, ngoài ra hai bị cáo còn phải bồi thường cho các bị hại tổng số tiền gần 130 triệu đồng. Một đối tượng lừa đảo ra hầu tòa
(Theo L.V.CHÂU // Báo Bình Dương)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com