Hiện nay, tòa án tại các thành phố lớn đang đối mặt với tình trạng án tồn đọng khá nhiều. Theo quy định, ngay cả những vụ kiện có tính chất phức tạp thì thời gian để tòa án đưa ra xét xử cũng không quá bốn hoặc sáu tháng nhưng thường ít có vụ nào được xét xử đúng thời hạn.
Đối với hầu hết các vụ kiện dân sự thì bên khởi kiện chỉ quan tâm đến việc họ sẽ đạt được lợi ích vật chất hay tinh thần gì nếu thắng kiện. Chính vì vậy, trong rất nhiều vụ việc, bên khởi kiện thường không xem xét đến những thiệt hại mà họ phải gánh chịu nếu thua kiện (trừ phí luật sư mà họ thuê để bảo vệ quyền lợi).
Tuy nhiên, tại một số nước theo hệ thống thông luật thì bên thua kiện phải thanh toán tất cả các chi phí phát sinh từ vụ kiện, kể cả tiền thù lao hợp lý cho luật sư của bên thắng kiện.
Mặc dù có nhiều quan điểm về vấn đề này nhưng có một điều không thể phủ nhận là chính quy định buộc bên thua kiện phải thanh toán tiền thù lao cho luật sư của bên thắng kiện sẽ giúp hạn chế các vụ kiện dân sự và thương mại.
Bên khởi kiện sẽ phải cân nhắc kỹ thiệt hơn trước khi quyết định khởi kiện vì nếu không thắng kiện thì họ không những phải chịu nghĩa vụ tài chính của mình mà còn phải gánh luôn các chi phí liên quan đến vụ kiện của bên thắng kiện.
Thực tế xét xử tại Việt Nam cho thấy, có rất nhiều vụ kiện có giá trị tranh chấp rất thấp hoặc những vụ kiện “tầm phào” thường tiền tạm ứng án phí của bên khởi kiện hoặc án phí mà bên thua kiện phải nộp rất thấp.
Vì vậy, nó chưa buộc người ta phải cân nhắc kỹ trước khi khởi kiện. Như vậy, việc áp dụng nguyên tắc bên thua kiện phải thanh toán thù lao luật sư hợp lý của bên thắng kiện sẽ có tác dụng hạn chế những vụ kiện với tính chất nêu trên.
Ngoài ra, nếu được thừa nhận, nguyên tắc này còn góp phần không nhỏ trong việc tạo điều kiện hòa giải giữa các bên tranh chấp. Trong những vụ tranh chấp mà chứng cứ chưa rõ ràng, dẫn đến khả năng thắng kiện hay thua kiện được chia đều cho cả hai bên, thì rõ ràng cả hai đều mong muốn giải quyết thông qua thương lượng vì nếu đưa ra tòa, khả năng gánh chịu tiền thù lao luật sư của bên thua kiện là không nhỏ. Và như vậy sẽ góp phần làm giảm khối lượng công việc cho các tòa án đồng thời tăng chất lượng xét xử.
Nguyên tắc này cũng sẽ khuyến khích các bên tham gia giao dịch tuân thủ hợp đồng và các quy định của pháp luật. Một điều dễ nhận thấy là khi doanh nghiệp tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định pháp luật và thực hiện đúng những cam kết trong hợp đồng thì sẽ hạn chế đến mức thấp nhất các chi phí có thể phải bỏ ra khi tham gia vào một vụ kiện.
Thời gian gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu ghi nhận nguyên tắc này trong các hợp đồng dân sự và thương mại. Tuy nhiên, trong thực tế xét xử, mặc dù đã được thỏa thuận rõ trong hợp đồng nhưng tòa án thường không công nhận sự thỏa thuận này nếu một bên không chấp nhận thanh toán tiền thù lao luật sư của bên kia, trừ những tranh chấp về sở hữu trí tuệ.
Nguyên do là vì luật Việt Nam quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại hẹp hơn so với đa số các nước trên thế giới. Theo quy định tại điều 302 Luật Thương mại, khoản bồi thường thiệt hại bao gồm “giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp” mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra.
Tương tự như quy định tại Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì tòa án chỉ xem xét và chấp nhận những khoản thiệt hại thực tế phát sinh do bên vi phạm gây ra, bao gồm thiệt hại về tài sản, lợi ích gắn liền với tài sản đó, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, và thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút tùy theo loại thiệt hại.
Bên cạnh đó, để có thể yêu cầu bồi thường một thiệt hại thực tế đã xảy ra, doanh nghiệp bị thiệt hại phải chứng minh rằng hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra khoản thiệt hại đó. Trong khi đó, tiền thù lao luật sư, mặc dù là khoản chi phí mà doanh nghiệp thực tế phải trả, nhưng về bản chất thì không phải là khoản thiệt hại trực tiếp phát sinh từ việc vi phạm hợp đồng, và lại càng không thể xem là chi phí hợp lý mà doanh nghiệp dùng để “ngăn chặn, hạn chế, khắc phục” thiệt hại.
Tương tự như đối với những yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh ngoài hợp đồng cũng không có cơ sở pháp lý để bên thắng kiện yêu cầu bên thua kiện phải thanh toán tiền thù lao luật sư vì trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ đặt ra nếu thiệt hại đó có mối quan hệ nhân quả với hành vi trái pháp luật.
Như vậy, ngay cả trong trường hợp tiền thù lao luật sư được xem là khoản thiệt hại thực tế mà bên bị thiệt hại phải bỏ ra, thì cũng không thể có quan hệ trực tiếp đến hành vi trái pháp luật được do nó không phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật.
Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, ngoại trừ những vụ kiện trong lĩnh vực bảo hiểm, tiêu dùng, lao động mà vị trí kinh tế của các bên khá chênh lệch nhau thì để bảo vệ quyền lợi cho bên “yếu thế”, không nên áp dụng nguyên tắc này, còn hầu hết các vụ kiện dân sự và thương mại khác nên ghi nhận nguyên tắc bên thua kiện phải thanh toán hoặc bồi thường tiền thù lao luật sư cho bên thắng kiện vì nó có thể giúp giảm tải cho các tòa án, khuyến khích các bên hòa giải nhanh chóng hơn và phần nào buộc các doanh nghiệp nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật.
(Theo LS. Cao Thị Hà Giang - LS. Nguyễn Hữu Phước // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com