Thu phí tại Quốc lộ 5 |
Sau khi Thông tư 197 của Bộ tài chính về hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện được chính thức triển khai, cùng với loạt bài về khó khăn của các DN vận tải TP HCM, nhiều DN vận tải tại Hải Phòng cho xe ngưng hoạt động, nằm nghỉ la liệt ở các bãi đỗ, mặc dù lượng hàng hóa tồn đọng tại các kho cảng là khá nhiều.
Phí chồng phí
Ông Hoàng Văn Tản - Tổng thư kí Hiệp hội hàng hóa Hải Phòng cho biết: “Phí bảo trì đường bộ theo Nghị định 18 của Chính phủ chúng tôi đã góp ý nên thu phí vào xăng dầu là công minh nhất nhưng khi thực hiện, “trên” vẫn áp dụng thu phí vào đầu phương tiện - nó đẻ ra một loạt bất cập và thiếu công bằng. Những đầu xe không được sử dụng, chỉ bày bán cũng thu phí, chúng tôi ước tính mỗi năm các DN Hải Phòng phải bỏ ra ngót 200 tỉ VNĐ ứng trước”.
Hải Phòng hiện có hơn 53.000 xe ô tô các loại, trong đó có 6.460 xe đầu kéo, 21.000 xe du lịch và gần 30.000 xe các loại. Việc thu phí ôtô theo kì đăng kiểm 3 - 6 - 9 tháng và một năm tạo áp lực cho các DN có năng lực yếu kém về tài chính, khó có thể trụ vững được, thậm chí phá sản trong tương lai gần. Nếu thu phí theo chu kỳ 3 hay 6 tháng, mỗi xe phải đóng hơn 1 triệu đồng/tháng thì DN có hàng trăm xe sẽ rất khó khăn, vì họ còn phải đóng các loại thuế, phí khác (phí trên QL5, phí bảo trì đường bộ thu qua đầu phương tiện).
Việc thu phí cả máy kéo, rơ-mooc, sơmi rơ-mooc được kéo bởi ô tô, máy kéo, theo các DN trong hiệp hội vận tải là bất hợ lý nhất. Hiện nay, trên địa bàn Hải Phòng có khoảng 8.000 sơ mi rơ-mooc trong khi đó, đối tượng này sẽ phải chịu mức phí từ 2,16 triệu đồng - 7,74 triệu đồng/năm (từ 180.000 - 620.000 đồng/tháng) tùy loại. Trung bình, mỗi DN đều có số sơmi rơ-mooc gấp 1,5 - 3 lần, thậm chí là 5 - 7 lần số đầu kéo. Hiệp hội cho biết, xe đầu kéo chỉ trở thành một tổ hợp vận chuyển hàng hóa khi mà kéo theo sơmi rơ-mooc. Bản thân sơmi rơ-mooc không có động cơ, không thể tự vận hành được nên không thể tách biệt thành 2 đối tượng trên để thu phí, khiến các DN vận tải bị "thu phí kép". Thay vào đó, Bộ Tài chính có thể nâng mức phí đối với tổ hợp xe đầu kéo lên mức 590.000 đồng/tháng, là mức áp dụng cho xe tải, ôtô chuyên dụng trọng tải từ 13 - 19 tấn theo Thông tư chính thức.
Túng quá làm liều
Hiện nay trên QL 5 vẫn tồn tại 2 trạm thu phí. |
Việc “phí chồng phí” khiến các DN vận tải Hải Phòng buộc phải trở quá tải, tăng chuyến để bù vào số tiền thuế.
Theo bà Nguyễn Thúy Dung – GĐ Cty CP giao nhận vận tải Thành An: Cty tôi có bao nhiêu xe giờ bị bắt phạt và bị giữ hết giấy tờ, lái xe cũng đi học lại luật hết. Hàng thì nguyên container nước ngoài họ đóng về không cho phép tháo dỡ. Bây giờ DN tiếp tục chở thì vượt tải sẽ bị ngành chức năng phạt, còn không chở bị chủ hàng phạt, không trả hàng theo đúng hợp đồng.
Còn ông Đặng Thế Phương – GĐ Cty CP Giao nhận vận tải Phương Lâm, nếu thực hiện đúng theo quy định trọng tải tham gia giao thông theo sổ chứng nhận kiểm định thì chắc sẽ có nhiều DN vận tải phải ngừng hoạt động vì nếu hoạt động chắc chắn sẽ vi phạm. Rất nhiều DN lo ngại sẽ mất khách hàng do không đảm bảo được tiến độ, thời gian giao nhận hàng đã ký kết từ trước, trong khi, nếu cố tình vận chuyển sẽ bị vi phạm luật, một số ít chủ xe vì áp lực với chủ hàng đã luồn lách qua các con đường khác để tránh trạm kiểm tra.
Ông Lê Văn Tiến - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hoá đường bộ Hải Phòng chia sẻ, muốn kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải trọng của ôtô vận chuyển hàng hoá trên quốc lộ 5 tại thành phố Hải Phòng, cần làm thường xuyên liên tục kiên quyết, đảm bảo tính minh bạch và đồng bộ. Để tránh ứ đọng hàng hoá tại cảng Hải Phòng. Tôi đề xuất với Hiệp hội có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, các bộ, ngành liên quan phải có lộ trình kiểm tra để tuyên truyền nhắc nhở, tạo điều kiện cho DN có thời gian chuẩn bị phương tiện và các phương thức vận tải khác để giải quyết hàng hoá với chủ hàng. Đối với hàng tạm nhập tái xuất chỉ mượn đường VN để xuất sang nước thứ ba đề nghị không hạ tải vì những hàng này kẹp chì nguyên chiếc khi hạ tải hàng đó sẽ không thể kiểm soát được...
Hải Phòng hiện có trên 2.000 DN vận tải hàng hoá, sở hữu gần 25.000 phương tiện. Trong đó, có 1.036 DN vận tải hàng hoá bằng xe đầu kéo container với 6.460 xe. Quy mô DN một số ít là vừa còn đa số là nhỏ và quá nhỏ, không có điều kiện tích tụ vốn để đối mới và đầu tư thêm phương tiện. Do vậy, sự quan tâm, chia sẻ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương với cộng đồng DN vận tải trong lúc khó khăn này là cấp bách hơn bao giờ hết.
Bà Đào Thị Kim Ngân - Chủ tịch hiệp hội các DNNVV Hải Phòng Trước tình hình hiện nay, tôi kiến nghị 3 vấn đề: Thứ nhất là dỡ bỏ 2 điểm thu phí trên QL5; thứ hai là khi nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách có liên quan đến vận tải thì các DN vận tải phải được thời gian phản biện để chính sách đưa ra công bằng minh bạch; thứ ba là để đảm bảo an toàn cho phương tiện, đường xá nhà nước phải có quy định trọng tải xe được tham gia giao thông cũng như lượng hàng hóa được đóng trong container. Ông Hoàng Văn Tản - Tổng thư kí hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng : Với tình hình khó khăn của các DN vận tải, hơn nửa số sơ mi rơ-mooc đang phải nằm bãi, như vậy sẽ có một lượng nhỏ các sơ mi rơ-mooc không hoạt động nhưng vẫn phải đóng phí. Do vậy, để đảm bảo công bằng, Nhà nước nên thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu là hợp lý, để đảm bảo xe đi nhiều trả phí nhiều. |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com