Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dự án dỏm “nuốt” hàng ngàn sổ đỏ

Hàng ngàn sổ đỏ của người dân huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã rơi vào tay của một số cá nhân và doanh nghiệp lừa đảo thông qua dự án dỏm

Địa phương đầu tiên chúng tôi đến tìm hiểu về vấn đề này là xã A Roàng. Nhiều người dân cho biết: Trong một cuộc họp đông đủ thành phần, chủ tịch xã A Roàng  thông báo nhờ quen biết nên đã xin được dự án Chính phủ hỗ trợ dân nghèo trồng rừng. Đợt một ưu tiên cho cán bộ làm trước.


Cán bộ và dân đều sập bẫy


Một cán bộ của xã này kể lại: Khoảng tháng 6-2009, xã tiếp tục tiến hành đợt “vét” sổ đỏ trong dân. Người dân tin rằng thực hiện dự án sẽ có nhiều tiền, hơn nữa, trước lời hứa chắc như đinh đóng cột của chính quyền xã, hầu hết người dân đều mong muốn được tham gia. Dẫn  đầu  là các thôn A Roàng 1, Ka Lô, A Min...


Ông Quỳnh Hơn, một trong những hộ nghèo ở thôn A Min, bức xúc:  “Đa số người dân chúng tôi đều rất nghèo, chỉ có sổ đỏ là thứ có giá trị nhất lại phải đem nộp cho xã. Sổ đỏ mà mất là coi như chúng tôi bị mất đi nồi cơm”. Anh Hồ Văn Diêu, trưởng thôn A Min, gia đình có tất cả  6 sổ đỏ (6 ha keo và cao su) đều đem nộp hết cho xã.

Nói chuyện với chúng tôi, anh ân hận: “Mình làm cán bộ nên phải gương mẫu. Phía xã nói trưởng thôn không hoàn thành nhiệm vụ này sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nên gặp ai mình cũng vận động để đạt 100% chỉ tiêu. Nghe dự án của Chính phủ là dân tin lắm”!

Do thời gian thực hiện gấp rút nên nhiều hộ phải tăng tốc về thị trấn photocopy, công chứng sổ đỏ. Điều đau lòng là có ba trường hợp bị tai nạn trong lúc đi làm giấy tờ, phải chuyển về Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu. Lợi dụng việc người dân cần gấp tài liệu, cán bộ xã này đã thu phí công chứng lên  cao. Một bộ (năm bản công chứng) thu 100.000 đồng. Sau khi xem truyền hình thấy các tỉnh khác, doanh nghiệp lập dự án dỏm để thu sổ đỏ, bà con bán tín, bán nghi nên chất vấn chính quyền địa phương tại các cuộc họp ở xã, đòi lấy sổ về.


Qua điều tra, chúng tôi được biết, cán bộ địa chính, cán bộ văn phòng...  đại diện cho xã đem ủy quyền toàn bộ sổ đỏ thu được cho Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Xây dựng CCC (gọi tắt là Công ty CCC) ở đường Điện Biên Phủ, TP Huế.


Chỉ làm... giúp dân?


Trao đổi với chúng tôi, ông Ploong Phương, Chủ tịch UBND xã A Roàng, cho biết ông đã mang về 517 sổ đỏ và đang cất giữ tại nhà. Ông Phương kể: “Ông Phan Anh Phong, Giám đốc Công ty CCC, là người quen của tôi. Một lần tôi than thở với anh Phong về đời sống nghèo khó của người dân A Roàng, anh Phong tỏ vẻ thông cảm và nói hiện đã xin được dự án của Chính phủ cho các doanh nghiệp tham gia với chỉ tiêu 5 triệu ha rừng.

Ai có sổ đỏ sẽ được tham gia  dự án, mỗi ha được hỗ trợ 5 triệu đồng. Nghe vậy, tôi mừng lắm. Cuộc đời của người dân mình sẽ được đổi thay từ đây!  Chúng tôi lập danh sách và dặn bà con mang sổ đỏ đi công chứng. Sau, vì đối tác yêu cầu nên anh Phong bảo nộp luôn bản gốc sổ đỏ. Họ hứa rằng khoảng ngày  20 - 4, Công ty Thế giới Việt – Nhật sẽ giải ngân nhưng do trục trặc nên họ dừng lại”. Bản thân ông Phương cũng thừa nhận không hiểu về tính pháp lý của dự án trên. Ông  không có văn bản, chỉ biết mang máng rằng đây là dự án “Bồi thường khí hậu toàn cầu”.

Qua điều tra của chúng tôi, Công ty CCC thực chất  chỉ là một bộ phận trong hệ thống thu gom sổ đỏ của dân chuyển ra Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại và Sản xuất kim khí và Công ty Nghệ Hà ở Hà Nội. Khi chúng tôi chất vấn ông Phan Anh Phong phân bua: “Trong quá trình làm việc ở Hà Nội, tôi có nghe về một dự án trồng rừng liên quan đến tái tạo môi trường thực hiện từ Khu 4 trở vào.

Mỗi sổ đỏ sẽ được nhận 7 triệu đồng, 30% trong số đó phải trích lại cho người làm thủ tục, tháng 3 nộp sổ, tháng 4 tiền về. Nghe vậy, nhiều hộ dân A Roàng đã  vượt gần 30 km để photocopy sổ đỏ và công chứng hồ sơ.

Thông tin về dự án chưa rõ vì chưa có văn bản cụ thể. Công ty không có chức năng về hoạt động lâm nghiệp nên chúng tôi tiến hành theo kiểu doanh nghiệp đứng ra đại diện cho dân xin được nhận vốn hỗ trợ trồng rừng. Sau khi sự việc bị các cơ quan chức năng phản ánh, tôi phải ra Hà Nội lấy toàn bộ sổ đỏ mang về. Chúng tôi làm dự án giúp bà con, không lấy một đồng lệ phí nào từ người dân. Nếu được giải ngân, doanh nghiệp chúng tôi chỉ hưởng 3% chiết khấu từ nguồn vốn theo quy định của Bộ Tài chính

Được biết, trong quá trình kết nối giữa doanh nghiệp với chính quyền xã A Roàng có sự tham gia của đối tượng Nguyễn Công Toan, một giáo viên ở A Lưới. Toan là người trực tiếp nhận sổ đỏ từ xã và giao lại cho Công ty CCC. Hiện Toan đã bị Công an Hà Nội bắt giữ vì tội trộm cắp tài sản.


Và... biến


Ngoài việc bị doanh nghiệp lừa lấy sổ đỏ, dân của trên dưới 10 xã ở huyện A Lưới còn bị lừa giao hàng ngàn bản sao công chứng hoặc sổ đỏ gốc cho bà Trần Thị Loan (ngụ ở xã Hồng Thủy) để xin hỗ trợ trồng rừng. Bà Loan đã rời khỏi địa phương đi đâu không ai biết.


Chúng tôi đặt vấn đề này với ông Hồ Xuân Vinh, Chủ tịch UBND xã Hồng Vân. Ông Vinh công nhận đã giao 570 sổ đỏ  của dân cho bà Loan. Ông Vinh kể: “Vì tin lời bà Loan rằng đã được huyện nhất trí để thực hiện dự án phát quang trồng rừng. Đây là dự án do nước ngoài cho vay nhằm phát triển tài nguyên nên tôi mới đưa sổ đỏ cho bà ta. Cuối tháng 5, đầu tháng 6, không chỉ tôi mà nhiều xã khác đều ra huyện công chứng, nộp sổ đỏ cho bà Loan. Sau khi biết được sự thật, tôi  nhiều lần điện thoại đòi. Bà Loan hứa sẽ mang sổ đỏ về cho dân nhưng chờ mãi không thấy”.


Nhâm là một trong những xã cuối cùng đã bị bà Loan lừa lấy đi  487 sổ đỏ. Ông Hồ Viên Pưa, Chủ tịch UBND xã Nhâm, cho biết đến nay xã vẫn còn nợ 1,3 triệu đồng tiền photocopy và khoảng 3 triệu đồng tiền công chứng giấy tờ.
 

 

Chưa rõ mục đích thu sổ đỏ?


Trao đổi với chúng tôi, trung tá Hoàng Văn Cường, Trưởng Công an huyện A Lưới, khẳng định: “Chúng tôi đang điều tra tìm hiểu xem các đối tượng trên có thu thêm tiền của dân hay không? Có dùng sổ đỏ đi lừa người khác không? Đến nay vẫn chưa rõ mục đích thu sổ đỏ của các đối tượng. Việc cán bộ xã tự ý ủy quyền toàn bộ sổ đỏ khi chưa có sự đồng ý của chủ sở hữu là hoàn toàn sai. Tuy nhiên, về mặt pháp lý phải có chữ ký của chủ sổ đỏ và xác nhận của chính quyền địa phương thì việc sử dụng sổ này mới có hiệu lực. Hiện, bà Loan không có nhà nên chưa thể liên lạc được. Đơn vị đang liên hệ với công an tỉnh nhờ hỗ trợ điều tra, làm rõ vụ việc”.

 

(Theo Tường Linh // Nguoilaodong Online)

  • Cảnh giác với hành vi giả mạo giấy tờ, con dấu của NHNN
  • Lừa đảo đầu tư tài chính qua mạng: Bắt khẩn cấp Tổng Giám đốc Việt Tín JSC
  • Chuyên viên Cục Đăng kiểm lừa đảo 40 tỉ đồng
  • Bắt khẩn cấp giám đốc lừa đảo đầu tư tài chính qua mạng
  • Khởi tố 3 cán bộ xà xẻo đất công
  • “Kem Tràng Tiền”: Hội đồng Quản trị sẽ kiện Giám đốc
  • Ai là chủ sở hữu nhà 22D-24 Phan Đăng Lưu?
  • Đà Nẵng: Phát hiện một tấn bột ngọt giả
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%