Dự thảo lần 8 Luật Quảng cáo đang được Bộ VH-TT&DL xây dựng nhưng hầu hết các cơ quan báo chí, doanh nghiệp… đều cho rằng dự luật chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Quy định về diện tích, thời lượng quảng cáo đã làm cho các cơ quan báo chí gặp khó khăn để phát triển. Dự thảo Luật chưa sát thực tế và quyền lợi doanh nghiệp chưa rõ ràng.
Chưa sát thực tế
Theo các cơ quan báo chí nhận định, nếu so với Pháp lệnh Quảng cáo, dự thảo Luật Quảng cáo hiện nay chưa có nhiều đổi mới và chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế. Điểm không phù hợp là những quy định về diện tích, thời lượng quảng cáo trên báo in, báo điện tử và báo hình. Dự thảo Luật Quảng cáo (lần 8) quy định diện tích quảng cáo trên báo in, báo điện tử không được quá 10%, tạp chí không quá 20%, thời lượng quảng cáo trên báo nói, báo hình không quá 5%.
Lý do mà phần lớn các cơ quan báo chí nêu ra đó là: Hiện nay, hầu hết các cơ quan báo chí phải tự hạch toán thu, chi thì việc thắt chặt quảng cáo sẽ ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của báo chí. Không có cơ quan báo chí nào coi nhẹ quảng cáo, nhiều cơ quan báo chí “sống” được là nhờ quảng cáo: Báo in thì có thể “bấm bụng” nhưng đối với các Đài Truyền hình, nếu không có nguồn thu từ quảng cáo không thể có kinh phí để đầu tư xây dựng và cải tiến chương trình cũng như mua bản quyền của các chương trình phát sóng.
Ngay cả với báo điện tử, việc quy định quảng cáo không vượt quá 10% diện tích và chỉ được đặt ở bên trái hoặc bên phải khuôn hình là không phù hợp. Báo điện tử VnExpress cho biết, dung lượng trên báo điện tử không cố định nên quy định 10% sẽ khó xác định. Về nguyên tắc, không thể quy định được diện tích quảng cáo trên báo điện tử.
Điều này chỉ mang tính tương đối trong diện tích hiển thị trên màn hình. Không cần thiết quy định quảng cáo ở bên trái hoặc bên phải khuôn hình máy tính. Bởi quy định này sẽ làm giao diện của báo đơn điệu, mang tính khuôn mẫu, không chỉ gây phản cảm mỹ thuật cho người xem mà còn “bóp chết” sự sáng tạo của trang báo điện tử.
Bên cạnh đó, một số đại diện của cơ quan báo chí cũng tỏ ra băn khoăn trước quy định “cơ quan báo chí có nhu cầu quảng cáo quá 10% diện tích, tạp chí có nhu cầu quảng cáo quá 20% diện tích phải xin phép ra phụ trương chuyên quảng cáo”, hóa ra lại khuyến khích phát triển cơ chế “xin - cho”? Luật Quảng cáo chỉ nên quy định các tòa soạn khi muốn ra phụ trương quảng cáo phải báo cáo cho cơ quan quản lý biết và kiểm tra.
Quyền lợi doanh nghiệp chưa rõ ràng
Điều 12, Dự thảo Luật Quảng cáo quy định: Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo có quyền: Quyết định phương thức kinh doanh và các lĩnh vực đầu tư theo quy định của pháp luật; Lựa chọn hình thức hợp tác kinh doanh với tổ chức, cá nhân nước ngoài; Được cung cấp các thông tin trung thực trong sản phẩm quảng cáo về chất lượng, tính năng, tác dụng của hàng hóa, dịch vụ. Đây là những nội dung còn quá chung chung và hầu hết đã được quy định trong Luật Doanh nghiệp.
Ở một góc độ khác, với những quy định dành cho quảng cáo ngoài trời như dự thảo đã nêu, việc xây dựng Luật Quảng cáo sẽ hạn chế sự phát triển của ngành quảng cáo. Nếu nhiều đơn vị chỉ được thuê đất kinh doanh với thời gian từ 1-3 năm, nhưng biển quảng cáo không được coi là tài sản, nếu làm biển quảng cáo đẹp phải mất hàng tỷ đồng, song với thời gian hạn chế của dự thảo Luật thì đồng nghĩa với doanh nghiệp bị mất toàn bộ số tiền đầu tư.
Một quyền khác của người kinh doanh quảng cáo cũng có quyền được bồi thường thiệt hại do cơ quan quản lý gây ra. Dự thảo Luật Quảng cáo tuy thông thoáng song không quy định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan quản lý.
Do đó, quy hoạch quảng cáo ở địa phương phải bảo đảm cho doanh nghiệp được quyền tham gia góp ý vào dự án quy hoạch ngay từ đầu, được cung cấp thông tin về quy hoạch, được giám sát việc thực hiện các quy hoạch. Quy hoạch phải bảo đảm tính công khai, minh bạch. Đồng thời Luật cần nêu rõ khung thời gian để các địa phương hoàn thành quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh và tham gia hoạt động quảng cáo
(Theo Báo Đà Nẵng)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com